Ngày Tết đừng để mất vui vì chuyện này...

03-02-2022 08:00 | Y tế
google news

SKĐS - Dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến, bệnh thường xảy ra với các dị vật, hay là vật thể "không mong muốn" với kích thước vừa phải như xương cá, tăm, đinh… vô tình lọt vào đường tiêu hóa qua đường miệng.

Đây là bệnh lý khá nguy hiểm và đòi hỏi phải được theo dõi sát và xử lý ngay khi có triệu chứng, nếu không sẽ để lại một số hậu quả khá nặng nề như chảy máu, tạo ổ áp xe, gây thủng ruột hoặc làm tổn thương những mạch máu ở ống tiêu hóa. Trong y văn cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc dị vật đường tiêu hóa đã dẫn đến tử vong.

Theo các nghiên cứu, trong các trường hợp dị vật rơi vào đường tiêu hóa thì có:

  • Khoảng 80 đến 90% dị vật tự thoát ra ngoài qua đường tự nhiên,
  • 10 đến 20% phải nhờ đến can thiệp nội soi tiêu hóa (không phải phẫu thuật),
  • ≤ 1% cần phải phẫu thuật.

Do đó, điều trị bảo tồn là hợp lý cho hầu hết các dị vật tù và ở những bệnh nhân không có triệu chứng. Tuy vậy, với tần suất mắc dị vật đường tiêu hóa ngày càng tăng, càng nhiều trường hợp có biến chứng, cho nên người viết xin chia sẻ với độc giả một vài kiến thức về bệnh lý này.

Dị vật đường tiêu hóa và cách xử trí - Ảnh 1.

Dị vật đường tiêu hóa nếu không được xử trí kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

1. Những người dễ bị mắc dị vật đường tiêu hóa

Trong dịp Tết cổ truyền có nhiều đồ ăn vặt được mọi người ưa thích như các loại hạt, thạch, kẹo… kèm theo đó là nguy cơ hóc các dị vật rất cao, nhất là với trẻ nhỏ. Nguy cơ mắc dị vật có thể gặp bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, những người thường gặp là:

  • Trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi
  • Người có răng kém, hoặc có răng giả
  • Người cao tuổi, rối loạn tinh thần tuổi già, người bệnh tại biến, suy giảm tri giác
  • Người mắc bệnh tâm thần, hoặc có các rối loạn liên quan đến tinh thần thần kinh
  • Người nghiện rượu
  • Người có thói quen ăn uống không cẩn thận: ăn nhanh, nuốt vội…
  • Có tiền sử phẫu thuật dạ dày - tá tràng: cắt dạ dày - tá tràng, nối vị tràng…

2. Các loại dị vật đường tiêu hóa thường gặp

- Dị vật sắc nhọn: Xương cá, xương động vật, tăm tre, kim băng, đinh, vis, ... có tỷ lệ cao nhất trong các loại dị vật đường tiêu hóa,

- Các dị vật tù: Pin, cúc áo, đồng xu, … Tuy nhiên, các vật có chiều dài > 6 cm hoặc vật đường kính > 2,5 cm hiếm khi lọt vào dạ dày

- Ở những người nghiện thủ dâm có thể vô tình để lọt đồ vật vào trực tràng

- Dị vật là những loại thức ăn không được nhai kỹ như khối thịt to, búi rau...

- Dị vật là những bã thức ăn thành cục: Đây là loại dị vật đường tiêu hóa do bã, xơ thực vật, hạt của trái cây, lông, tóc cùng với chất nhầy từ dạ dày kết hợp thành.

3. Triệu chứng và chẩn đoán

Các dấu hiệu điển hình của người mắc dị vật đường tiêu hóa như là nuốt vướng, nuốt đau, đau bụng, nôn ọe, chướng bụng. Nếu nặng hơn là chảy máu đường tiêu hóa gây nôn ra máu, tắc ruột hoặc viêm phúc mạc …

Ngày Tết đừng để mất vui vì chuyện này - Ảnh 2.

Hình ảnh xương gà đâm thủng dạ dày qua màn hình nội soi

Người bệnh được chẩn đoán bằng cách được hỏi về tiền sử ăn uống, triệu chứng lâm sàng, siêu âm và chụp XQ để xác đinh dị vật cũng như các biến chứng của nó.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có triệu chứng, có người vài ngày sau mới có triệu chứng, khi đó dị vật đã đi vào gây biến chứng tại ruột non và việc xử trí sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Như vậy việc khám phát hiện sớm để có chỉ định xử trí là rất quan trọng và phải được thực hiện tại các cơ sở y tế.

Đặc biệt, đối với các em tuổi còn quá nhỏ, chưa biết kể lại với bố mẹ những gì đã xảy ra, hoặc ở những người mất tri giác thì việc nghi ngờ và chẩn đoán phải cần có những kỹ năng riêng. Các kỹ năng này cũng khá đơn giản, chỉ cần chúng ta quan tâm hơn đến bệnh lý mắc dị vật đường tiêu hóa, phải biết nghi ngờ, nhất là khi có các biểu hiện sau:

  • Có ho, tăng tiết nhiều nước bọt, đau khi nuốt
  • Xuất hiện đau họng hoặc đau bụng: người bệnh ôm bụng hoặc chỉ tay vào bụng, vào họng, cào cấu vào đó, hoặc đưa tay móc miệng.
  • Thờ ơ, mệt mỏi, bứt rứt khó chịu trong người, không hoạt bát như mọi ngày
  • Không muốn ăn, ăn vào thì nôn ọe
  • Nặng hơn: nôn ra máu hoặc đại tiện ra máu
  • Nếu có sặc, hoặc nặng hơn là tím tái, khó thở thì nghĩ nhiều về dị vật đường hô hấp.

Lưu ý: Các triệu chứng này xảy ra đột ngột và không có biểu hiện hay lý do gì trước đó.

4. Xử trí đúng cách khi hóc dị vật

- Nếu chưa xuất hiện triệu chứng: Có thể theo dõi để dị vật được tống ra ngoài theo đường tự nhiên, phải kiểm tra phân mỗi khi đi cầu và phải đảm bảo có dị vật "đúng và đủ"

- Nếu di vật sắc nhọn đang kẹt ở dạ dày: Nội soi tiêu hóa lấy dị vật.

- Nếu dị vật gây thủng ruột, áp xe, viêm phúc mạc thì phải phẫu thuật lấy dị vật và xử trí các tổn thương.

Lưu ý các dị vật tù nhưng gây nguy hiểm vì có sự hấp thụ chất gây hại: ví dụ như pin, vì trong pin có chì, vì thế khi nghi ngờ trẻ em (>12 tháng) nuốt phải pin thì cho uống ngay 1 thìa mật ong, sau đó cứ 10 phút cho uống 10ml nước chín cho đến khi nhập viện.


BS. Dương Chí Lực
BVĐK Trung ương Quảng Nam
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn