Nuốt vướng, nuốt nghẹn, cảnh giác với ung thư thực quản

12-11-2021 16:38 | Y tế
google news

SKĐS - Ông Trần Văn H. (60 tuổi) trú tại Thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh bất ngờ có cảm giác nuốt vướng, nuốt nghẹn, kèm theo đau tức ngực nhẹ. Ông H. đi khám, được chỉ định nội soi thực quản - dạ dày, phát hiện khối u nhỏ nằm 1/3 giữa thực quản.

Thầy thuốc BVĐK tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện sinh thiết cho bệnh nhân, kết quả đây là ung thư biểu mô vảy sừng hóa độ 2. 

Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị ung thư thực quản giai đoạn sớm, được chỉ định cắt và tạo hình thực quản bằng dạ dày qua phẫu thuật nội soi ngực - bụng, từ đó mở ra cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn.

ThS.BS Vũ Xuân Kiên – Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước đây, bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn sớm tại khoa thường được chỉ định cắt thực quản tạo hình bằng dạ dày qua phẫu thuật nội soi ngực kết hợp mổ mở ổ bụng. 

Nuốt vướng, nuốt nghẹn, cảnh giác với ung thư thực quản - Ảnh 1.

ThS.BS Vũ Xuân Kiên – Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh Quảng Ninh thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Mặc dù, đã giảm thiểu đáng kể xâm lấn so với phương pháp mổ mở truyền thống, song kỹ thuật này vẫn tồn tại nhược điểm: Bệnh nhân đau đớn với vết mổ đường bụng, phục hồi lâu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng. 

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi ngực, bụng tạo hình thực quản bằng dạ dày cho bệnh nhân. 

Đây là kỹ thuật mới, chuyên sâu, chủ yếu được thực hiện ở các trung tâm phẫu thuật lớn, đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm, cũng như sự hỗ trợ đắc lực của các trang thiết bị hiện đại.

Kíp mổ của Khoa Ung bướu gồm ThS.BS Vũ Xuân Kiên – Trưởng khoa; BS.CKI Vũ Đức Nin – Phó khoa, BS Nguyễn Văn Dưỡng thực hiện dưới sự hỗ trợ của chuyên gia đầu ngành tuyến trung ương. 

Phẫu thuật viên phải tiến hành nội soi lồng ngực nạo vét hạch trung thất và gỡ thực quản từ cổ đến cơ hoành.  Sau đó, bệnh nhân tiếp tục thực hiện nội soi bụng cắt bỏ thực quản và đưa một phần dạ dày được cắt nối tạo thành hình ống dài để luồn qua ngực và nối với đoạn thực quản cổ qua đường mở nhỏ tại cổ. Ca mổ thành công sau 4 giờ phẫu thuật căng thẳng.

Trong tuần đầu, bệnh nhân được hồi sức, hỗ trợ nuôi dưỡng đường ruột qua ống sonde. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, tập vận động nhẹ nhàng. 

Bên cạnh điều trị và chăm sóc hậu phẫu, bệnh nhân còn được các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng hướng dẫn, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, phù hợp cho người đã cắt và tạo hình thực quản để cơ thể có đầy đủ dinh dưỡng, giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng.

ThS.BS Vũ Xuân Kiên cho biết, thực quản nằm từ cổ qua ngực xuống bụng, là vị trí kề cận nhiều cơ quan quan trọng như tim, phổi và các mạch máu lớn. 

Việc thực hiện mổ nội soi hoàn toàn cả ở ngực và bụng sẽ làm giảm sang chấn, từ đó hạn chế được biến chứng nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật. 

Phương pháp mổ nội soi mặc dù khó và phức tạp hơn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bởi những lợi ích mang lại cho người bệnh: tránh được đường rạch gây sẹo dài ở bụng, giảm nguy cơ nhiễm trùng, mất máu, thời gian nằm viện ngắn, hồi phục nhanh. 

"Đây là trường hợp ung thư thực quản được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách, kịp thời nên giảm được nguy cơ di căn ung thư, bệnh nhân sẽ khỏi lâu dài và có chất lượng cuộc sống cao", BS Kiên nói.

Phương pháp nội soi ngực - bụng điều trị ung thư thực quản là một trong những phẫu thuật lớn, phức tạp nhất về phẫu thuật đường tiêu hoá, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như các phương tiện chuyên khoa. 

Cho tới nay, kỹ thuật này chủ yếu được áp dụng tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương.  

BVĐK tỉnh Quảng Ninh ứng dụng triển khai thành công phương pháp nội soi điều trị ung thư thực quản khẳng định trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của các phẫu thuật viên cùng sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa kíp phẫu thuật và gây mê hồi sức.

Ung thư thực quản là một trong 10 bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam, bệnh nay hay gặp ở nam giới, tuổi từ 50 đến 60 tuổi, triệu chứng hay gặp là nuốt nghẹn và gầy sút. Bệnh tiến triển nhanh, di căn sớm dẫn đến suy kiệt và tử vong.

Ung thư thực quản được chẩn đoán bằng nội soi thực quản dạ dày ống mềm và sinh thiết tổn thương để làm giải phẫu bệnh. Điều trị ung thư thực quản bằng phẫu thuật cắt thực quản kết hợp với hóa chất và tia xạ tùy theo giai đoạn bệnh. Do hầu hết bệnh nhân đều được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, sức khỏe suy kiệt và không ăn uống được nên rất khó áp dụng các phương pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách và kịp thời với phương pháp tiên tiến, hiện đại thì bệnh nhân sẽ khỏi bệnh ổn định lâu dài.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân từ 40 tuổi nên kiểm tra nội soi đường tiêu hóa 5 năm/lần, sau 50 tuổi thực hiện tầm soát 3 năm/lần và trên 60 tuổi là 1 năm/lần, nhất là với những trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao, để sớm phát hiện ra các bệnh lý ung thư nguy hiểm, gia tăng cơ hội sống cho chính bản thân mình.

Mời bạn xem thêm video đang được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19



Bài, ảnh: Hà Trang
Ý kiến của bạn