Hà Nội

Xử lý dị vật đường tiêu hóa

01-05-2013 09:11 | Y học 360
google news

Dị vật đường tiêu hóa là những vật do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, trẻ em chơi đồ chơi… Với những dị vật có hình thù sắc nhọn có thể gây rách ống tiêu hóa, chảy máu, nhiễm khuẩn. Tỷ lệ tử vong do biến chứng của dị vật gây ra còn rất cao.

Dị vật đường tiêu hóa là những vật do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, trẻ em chơi đồ chơi… Với những dị vật có hình thù sắc nhọn có thể gây rách ống tiêu hóa, chảy máu, nhiễm khuẩn. Tỷ lệ tử vong do biến chứng của dị vật gây ra còn rất cao.

Ai dễ mắc dị vật đường tiêu hóa?

Tất cả mọi người không phân biệt tuổi và giới đều có thể bị mắc dị vật đường tiêu hóa. Song nhiều nghiên cứu đã cho thấy những đối tượng sau thường bị mắc hơn là: trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ chơi trong khi chơi; người có răng kém hoặc có răng giả; người cao tuổi; người mắc bệnh tâm thần; người say rượu; người có thói quen ăn uống nhanh, nuốt vội...; bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật dạ dày - tá tràng như cắt 2/3 dạ dày nối vị tràng...; người có bệnh hẹp môn vị, làm ứ đọng thức ăn trong dạ dày - tá tràng...

Xử lý dị vật đường tiêu hóa 1

Nội soi gắp dị vật đường tiêu hóa.

Dấu hiệu mắc dị vật đường tiêu hóa

 Các dấu hiệu khi mắc dị vật đường tiêu hóa liên quan đến kích thước to hay nhỏ, thời gian mắc sớm hay muộn. Tuy nhiên, trên thực tế có một số bệnh nhân bị mắc phải dị vật lúc nào cũng không biết, chỉ đến khi có các dấu hiệu nặng, đi khám bệnh thầy thuốc mới phát hiện dị vật. Có thể phân chia các triệu chứng mắc dị vật làm 2 nhóm: mắc tại thực quản và mắc tại dạ dày. Khi mắc dị vật trên thực quản, bệnh nhân thường có các triệu chứng như sau: nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức, ở trẻ em có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn; bệnh nhân có thể khạc ra máu nếu các dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp-xe... Nếu mắc dị vật ở dạ dày có dấu hiệu: đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, đầy bụng, chậm tiêu.

Dị vật đường tiêu hóa ở trẻ em thường mắc lại ở họng, hạ họng hay thực quản, không xuống được dạ dày. Các dị vật này thường là xương cá hay xương lợn, xương bò được chặt hay băm nhỏ khi nấu ăn, đồng tiền xu hay hạt trái cây, hoặc những vật nhỏ khác như kim, lưỡi câu... Ở trẻ lớn, khi bị dị vật đường tiêu hóa thường kêu đau, đau nhiều khi nuốt, đau sau xương ức khi dị vật ở thực quản, nuốt khó, nuốt vướng, nuốt nghẹn. Trẻ nhỏ thường quấy khóc, không ăn uống được hay miệng chảy nhiều nước bọt. Nếu dị vật để lâu có thể gây viêm thanh quản, viêm quanh cổ, áp-xe thực quản hay gây nhiễm khuẩn: trẻ có thể sốt do nhiễm khuẩn nặng, miệng có mùi hôi. Chụp Xquang có thể phát hiện dị vật.

Dị vật đường tiêu hóa có thể gây các biến chứng áp-xe, hay gặp ở thực quản, loét, gây chảy máu, thủng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, tắc ruột...

Điều trị và phòng bệnh

 Hiện nay người ta có thể sử dụng máy nội soi dạ dày ống mềm để chẩn đoán, xác định vị trí của dị vật, can thiệp điều trị, lấy dị vật qua nội soi dễ dàng. Đối với các trường hợp không lấy được dị vật vì to quá, hoặc có thể gây nguy hiểm trong quá trình thao tác hoặc dị vật đã gây biến chứng, cần phải phẫu thuật.

Việc phòng ngừa trước hết phải tránh các nguy cơ cao dễ gây mắc dị vật như đã trình bày ở trên. Khi phát hiện bị mắc dị vật, điều quan trọng nhất là cần phải đến ngay các bệnh viện, trung tâm y tế, nhất là các cơ sở có trang bị máy nội soi để nhanh chóng chẩn đoán và can thiệp điều trị qua nội soi. Bệnh nhân khi biết mình bị dị vật không nên dùng các bài thuốc Nam hoặc chữa bằng mẹo vặt... vì không khỏi, mà để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ phải chuẩn bị kỹ thức ăn cho trẻ, lấy hết xương cá, xương lợn ra khỏi món ăn. Tập cho trẻ lớn thói quen ăn chậm, nhai kỹ. Không cho trẻ ngậm bất kỳ vật nhỏ gì ở miệng. 

ThS. Trần Ngọc Hương


Tỷ lệ tử vong do các biến chứng của dị vật gây nên là rất lớn. Tiên lượng và kết quả điều trị phụ thuộc vào tính chất của dị vật và thời gian xử trí sớm hay muộn. Các loại dị vật của đường tiêu hóa rất đa dạng, song các nhà chuyên môn phân chúng làm 3 loại chính như sau: dị vật thực sự là loại dị vật hay gặp nhất như xương cá, tăm tre, kim băng, cúc áo, cục pin, đồ chơi...; dị vật là thức ăn chưa được nhai kỹ như cục thịt, cục măng khô, búi rau, trái cây...; dị vật dạng cục bã thức ăn được tạo bởi bã, xơ thực vật, có thể kết hợp cả lông, tóc, hạt trái cây... với chất nhầy của dạ dày.



Ý kiến của bạn