Ngành Y tế Quảng Bình nỗ lực vì mục tiêu kết thúc HIV/AIDS vào năm 2030

23-10-2023 16:06 | Y tế

SKĐS - Ngành Y tế Quảng Bình kiên trì thực hiện các chương trình sàng lọc phát hiện, khám và điều trị cho người nhiễm HIV. Cùng với đó truyền thông, huy động cộng đồng cùng chung tay vào công tác phòng, chống "căn bệnh thế kỷ".

Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, hiện địa phương này ghi nhận 487 trường hợp người nhiễm HIV, trong đó 143 trường hợp đã tử vong. Có 8/8 huyện, thị xã, thành phố và 127/151 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Trong đó, thành phố Đồng Hới là địa phương có số trường hợp nhiễm HIV nhiều nhất.

Ngành Y tế Quảng Bình nỗ lực vì mục tiêu kết thúc HIV/AIDS vào năm 2030 - Ảnh 1.

Quảng Bình hiện ghi nhận 478 trường hợp nhiễm HIV.

Qua số liệu theo dõi nhận thấy, tại Quảng Bình nam giới có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn nữ giới (nam giới 59,96%, nữ giới 40,04%). Các đường lây truyền, qua quan hệ tình dục chiếm 71,5%, đường máu 11,7%, mẹ sang con 4,3%, không rõ chiếm 12,5%.

Theo ThS. Hà Văn Đồng, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, CDC Quảng Bình, thời gian qua đơn vị đẩy mạnh các hoạt động can thiệp, dự phòng và truyền thông, huy động cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS.

"Các hoạt động được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị", Ths. Đồng cho biết.

Theo đó, đơn vị phát động và đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư". Triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm dân cư đặc thù của từng địa phương.

Ngành Y tế Quảng Bình nỗ lực vì mục tiêu kết thúc HIV/AIDS vào năm 2030 - Ảnh 2.

Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Bình đẩy mạnh các hoạt động can thiệp, dự phòng và truyền thông, huy động cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS.

Cùng với đó, mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện việc tiếp cận, truyền thông về HIV/AIDS, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

Kết nối tư vấn xét nghiệm HIV ngoài cộng đồng, kết nối dịch vụ tư vấn xét nghiệm khẳng định HIV và chăm sóc, điều trị HIV. Thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi, điều trị HIV/AIDS cho bệnh nhân đủ tiêu chuẩn.

Ngành Y tế Quảng Bình nỗ lực vì mục tiêu kết thúc HIV/AIDS vào năm 2030 - Ảnh 3.

Nhân viên tiếp cận cộng đồng cung cấp bơm kim tiêm tại hộp cấp phát cho cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV.

CDC Quảng Bình còn thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV cho các phạm nhân tại Trại giam Đồng Sơn và Trại tạm giam Công an tỉnh. Đơn vị này cung cấp test xét nghiệm sàng lọc HIV cho trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố. Trong 9 năm 2023, các đơn vị thực hiện xét nghiệm 12.552 mẫu, phát hiện 17 trường hợp dương tính với HIV.

Hiện Quảng Bình có 284 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị ARV. Có 100% bệnh nhân được khám, cấp phát thuốc thông qua bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, ngành Y tế tăng cường dự phòng, phát hiện, điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS mắc các bệnh đồng nhiễm (lao, da liễu, viêm gan vi rút, các bệnh lây truyền qua đường tình dục), góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

Ngành Y tế Quảng Bình nỗ lực vì mục tiêu kết thúc HIV/AIDS vào năm 2030 - Ảnh 3.

Bác sĩ tư vấn điều trị cho trường hợp nhiễm HIV.

ThS. Hà Văn Đồng cho biết thêm, hiện tình hình dịch HIV/AIDS tại địa phương này vẫn diễn biến phức tạp. Đường lây HIV có thể qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người sử dụng ma túy, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên... Từ đó HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát.

Vì vậy, CDC Quảng Bình và các đơn vị liên quan luôn chú trọng tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS.

Bảo đảm việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV. Cùng với đó cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt là người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngành Y tế Quảng Bình nỗ lực vì mục tiêu kết thúc HIV/AIDS vào năm 2030 - Ảnh 4.

CDC Quảng Bình và các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS.

Tuyên truyền giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Tư vấn, tuyên truyền việc gia đình, xã hội hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS trong sinh hoạt, điều trị. Nâng cao nhận thức về trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội.

Cùng với đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Từ đó tạo ra phong trào sâu rộng với sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của nhân dân trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, góp phần cùng cả nước thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Vì sao người nhiễm HIV/AIDS nên tập thể dục?Vì sao người nhiễm HIV/AIDS nên tập thể dục?

SKĐS - Hoạt động thể chất thường xuyên là một phần không thể thiếu của lối sống lành mạnh cho tất cả mọi người, kể cả người nhiễm HIV/AIDS. Mặc dù tập thể dục không thể kiểm soát và chống lại bệnh HIV/AIDS, nhưng nó có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn, sống khỏe hơn và chống lại các tác dụng phụ của thuốc kháng virus ARV.


Hùng Trần
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn