Chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống HIV ở Khánh Hòa

13-10-2023 09:57 | Y tế
google news

Nhiều nhóm đối tượng nguy cơ cao với HIV ở Khánh Hòa đã được xét nghiệm định kỳ, đối với những người đã nhiễm HIV thì điều trị theo đúng phác đồ của ngành y tế.

Quan tâm sâu sát đến việc phòng, chống HIV/AIDS

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, thống kê đến hết tháng 6/2023, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là 2.836 trường hợp. Lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong đến 30/6 là 1.321; còn 1.515 trường hợp đang còn sống và được quản lý tốt tại các địa phương. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh Khánh Hòa chiếm 0,22% dân số.

Chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống HIV ở Khánh Hòa - Ảnh 1.

Các chuyên gia y tế khuyến cao với HIV nên thường xuyên đi xét nghiệm (ảnh minh họa)

Song song với việc phát triển kinh tế thì công tác phòng, chống HIV luôn được các cấp, ngành, đoàn thể ở địa phương quan tâm sâu sát. Bên cạnh việc triển khai tư vấn xét nghiệm, điều trị, cấp phát thuốc tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa thì còn phối hợp thường xuyên với Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa,  tỉnh đoàn Khánh Hòa, Hội Liên hiệp Phụ nữ Khánh Hòa…truyền thông mạnh mẽ về lợi ích của tư vấn, xét nghiệm tự nguyện. Lợi ích của điều trị HIV sớm bằng thuốc kháng vi rút (ARV); dự phòng phơi nhiễm trước HIV (PrEP). Điều trị Mathadone cho người nghiện ma túy. Xóa bỏ kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV. Công tác truyền thông này được triển khai đến tận các xã/phường. Hầu hết các đối tượng có nguy cơ cao hoặc đã mắc bệnh đều nắm bắt được thông tin. Cùng với đó, còn tiến hành cấp phát bao cao su cho nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam; phụ nữ mua bán dâm…

Cùng với các biện pháp điều trị dự phòng, tư vấn, Khánh Hòa còn triển khai hiệu quả việc thực hiện điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone. Địa phương cũng tiếp tục duy trì nhóm giáo dục viên đồng đẳng trong toàn tỉnh với số lượng khoảng 30 người. Nhiều bệnh nhân được cấp phát thuốc đầy đủ đều an tâm điều trị theo đúng hướng dẫn và phác đồ của ngành y tế. Từ đó nâng cao được thể trạng, sức khỏe ổn định và không còn sợ bị kỳ thị. Sống hòa đồng như những người bình thường, không còn tự ti nữa.

Chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống HIV ở Khánh Hòa - Ảnh 2.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa luôn tiếp nhận khám và điều trị tốt cho người nhiễm HIV

Các đồng đẳng viên, nhân viên y tế còn phối hợp tổ chức lồng ghép nhiều chương trình để tuyên truyền cho thanh niên, sinh viên các kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các hoạt động ngoại khóa. Từ các hoạt động này đã giúp cho giới trẻ nắm vững kiến thức về căn bệnh HIV và các biện pháp phòng, chống hiệu quả nhất. Nhiều công nhân, người lao động ở địa phương cũng được tuyên truyền các kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS.

Chị Nguyễn Thị H, một công nhân ở Cam Lâm (Khánh Hòa) cho biết, mỗi người đều đều nắm vững kiến thức về HIV là điều cần thiết. Bởi, có kiến thức này rồi không chỉ phòng, tránh cho bản thân mà còn hướng dẫn cho người thân, bạn bè nữa.  

Tăng cường xét nghiệm

Năm 2023, công tác giám sát trọng điểm HIV ở Khánh Hòa được triển khai mạnh ở nhóm tiêm chích ma túy tại TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh với tổng cỡ mẫu HIV là 200 mẫu.

Công tác tư vấn, xét nghiệm HIV được chú trọng tăng cường. Tính đến ngày 30/6, tổng số người được tư vấn và xét nghiệm HIV trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa là 23.142 lượt người, trong đó có 58 lượt có HIV dương tính chiếm tỷ lệ 0,25%.

Theo các chuyên gia y tế, HIV/AIDS lây qua các con đường như: Lây truyền qua đường máu (tiêm chích chung kiêm tiêm; săm da; qua các vết sước trên da; niêm mạc…). Lây truyền qua đường quan hệ tình dục (quan hệ tình dục với một hay nhiều bạn tình mà không biết họ có nhiễm HIV hay không; Sử dụng bao cao su không thường xuyên và không đúng cách; Quan hệ tình dục trong khi bản thân hoặc bạn tình còn đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục). Lây truyền từ mẹ sang con (mẹ nhiễm HIV truyền sang con trong thời kỳ mang thai, lúc sinh con và khi cho con bú).

HIV thường tiến triển qua một số giai đoạn như: Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ, thời gian kéo dài từ 2 đến 6 tháng). Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng. Giai đoạn cận AIDS. Giai đoạn AIDS.

Nếu như trước kia, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu thì ở giai đoạn hiện nay, rất nhiều ca nhiễm HIV được phát hiện là lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn. Thế nên kiến thức phòng, tránh HIV qua con đường này đã được đông đảo người dân, nhất là lực lượng trẻ nắm vững để bảo vệ an toàn cho chính mình.

Theo  BS. Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, người đã mắc bệnh hay người đến xét nghiệm đều được các nhân viên, cán bộ y tế tư vấn rất cặn kẽ. Điều đó phần nào giải tỏa tâm lý lo âu cho người được tư vấn. Đồng giúp họ tự tin lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Đến nay, nhiều người nhiễm HIV tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV sức khỏe và đời sống đều ổn định. Phương pháp điều trị cũng như khả năng thích ứng với ARV của các bệnh nhân đều cho kết quả khả quan. Độ bao phủ ARV trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng rộng. Khi đã điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, HIV sẽ bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm rất nhiều. Như vậy, điều trị đều đặn, người bệnh sẽ có thể trạng khỏe mạnh giống như người không bị nhiễm HIV. Trong suốt quá trình điều trị, có thắc mắc gì thì người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải đáp. Thậm chí có thể tư vấn online để người nhiễm và nguy cơ  nhiễm không cảm thấy ngại ngùng.

                                                                                                      

 


Đông Hưng
Ý kiến của bạn