Hà Nội

Vì sao người nhiễm HIV/AIDS nên tập thể dục?

SKĐS - Hoạt động thể chất thường xuyên là một phần không thể thiếu của lối sống lành mạnh cho tất cả mọi người, kể cả người nhiễm HIV/AIDS. Mặc dù tập thể dục không thể kiểm soát và chống lại bệnh HIV/AIDS, nhưng nó có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn, sống khoẻ hơn và chống lại các tác dụng phụ của thuốc kháng virus ARV.

1. Lợi ích của hoạt động thể chất với người nhiễm HIV/AIDS

Những tiến bộ trong điều trị HIV và AIDS đã làm giảm số ca mắc và tử vong liên quan đến AIDS trên toàn thế giới.

Kể từ khi ra đời liệu pháp kháng virus (ART) đã kéo theo những thay đổi mạnh mẽ trong sinh lý bệnh của người bệnh HIV và triệu chứng của nhiễm trùng. Những người nhiễm HIV/AIDS không còn có tỷ lệ teo cơ hoặc nhiễm trùng cơ hội liên quan đến AIDS nữa.

Tuổi thọ của bệnh nhân HIV tăng lên gấp ba lần. Đồng thời, các triệu chứng chủ yếu liên quan đến rối loạn chuyển hóa ngày càng tăng, bao gồm loạn dưỡng mỡ, tăng lipid máu, tăng tích tụ mỡ vùng bụng.

Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn uống kém, lối sống ít vận động, căng thẳng kéo dài… Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy các rối loạn chuyển hóa cũng là một trong những tác dụng phụ của liệu pháp kháng virus (ART).

Việc áp dụng các hoạt động thể chất và bài tập thể dục đã được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính, mang lại sức khỏe tốt cho người nhiễm HIV/AIDS.

Vì sao người nhiễm HIV/AIDS nên tập thể dục? - Ảnh 2.

Tập thể dục đem lại nhiều lợi ích cho người nhiễm HIV/AIDS.

- Cải thiện tâm lý: Nghiên cứu cho thấy tập thể dục nhịp điệu 60 phút với cường độ vừa phải, 3 lần/tuần có thể cải thiện rối loạn tâm lý ở người nhiễm HIV/AIDS, giảm thiểu trầm cảm và lo lắng, nâng cao cảm giác hạnh phúc, cải thiện giấc ngủ hiệu quả.

- Cải thiện sinh lý: Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện các chỉ số như BMI, chu vi vòng eo, chỉ số lipid máu (giảm cholesterol, LDL, tăng HDL), sức mạnh cơ bắp, mật độ xương… cho người HIV/AIDS.

- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Các bài tập aerobic hay các bài tập đối kháng mang lại hiệu quả cao, cải thiện nhịp tim, chức năng phổi. Từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường ở người HIV/AIDS.

- Cải thiện các tác dụng phụ của liệu pháp ART: Mặc dù thuốc ARV làm giảm tải lượng virus trong máu, nhưng sử dụng thuốc kéo dài có thể khiến người bệnh gặp một số tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ, phát ban, buồn nôn, rối loạn lipid máu… Việc luyện tập thể dục có tác dụng tích cực trong việc giảm thiểu các tác dụng phụ liên quan đến việc điều trị.

2. Người nhiễm HIV/AIDS nên tập luyện thế nào?

Những người nhiễm HIV/AIDS có thể thực hiện các hoạt động thể chất và tập thể dục giống như những người không nhiễm HIV/AIDS. Bất kỳ những chuyển động cơ thể nào giúp cơ bắp hoạt động và tiêu tốn năng lượng đều tốt cho sức khỏe. Đặc biệt:

- Tập thể dục nhịp điệu: Các bài tập thể dục nhịp điệu giúp tim bạn đập mạnh hơn, nhịp thở tăng lên, đốt cháy chất béo và cải thiện chức năng tim mạch ở người HIV/AIDS.

- Bài tập đối kháng: Các bài tập rèn luyện sức mạnh làm săn chắc cơ bắp như nâng tạ, sử dụng dây kháng lực, chống đẩy, gập bụng, kéo xà, squat chân.

- Các hoạt động thường ngày: Các hoạt động hàng ngày như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, khiêu vũ, nhảy dây, bơi lội… cũng là những hoạt động thể chất tốt cho người nhiễm HIV/AIDS.

- Các hoạt động khác: Tập khí công, thái cực quyền, yoga cũng làm tăng cường sức mạnh, sự dẻo dai của cơ bắp, sự cân bằng và tính linh hoạt của cơ thể. Đặc biệt, những bài tập này còn giúp cải thiện tâm trạng người bệnh HIV/AIDS và phù hợp với những người lớn tuổi hoặc người có hạn chế về thể chất.

Vì sao người nhiễm HIV/AIDS nên tập thể dục? - Ảnh 4.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.

3. Những lưu ý khi tập luyện

Lưu ý rằng, trước khi bắt đầu tập luyện thể dục, người nhiễm HIV/AIDS cần nói chuyện với các chuyên gia y tế để hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của bạn. Đặc biệt, với những người cao tuổi nhiễm HIV/AIDS hoặc có các vấn đề sức khỏe khác đều cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn được bài tập và mức độ hoạt động an toàn, có lợi cho mình.

Các bài tập nên được thực hiện đều đặn với mức độ tăng dần. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu đi bộ từ 20 phút, 3 lần một tuần. Sau đó, khi khỏe hơn một chút, bạn có thể tăng thời gian đi bộ lên 30 phút, 4 lần một tuần. Hoặc khi đạp xe, hãy tăng dần thời gian đạp thêm vài phút mỗi ngày, hoặc nâng tạ nặng hơn một chút sau một thời gian luyện tập.

Không nên tập luyện quá sức bởi nó có thể khiến bạn đau cơ, mệt mỏi và tăng nguy cơ chấn thương. Khi tập luyện, hãy chú ý đến hình thức và tư thế tập. Tham gia tập luyện tại nhà hoặc tại phòng tập thể dục, phòng tập cộng đồng để được kết nối với những người khác.

Ngoài ra, đừng quên ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, uống đủ nước. Hãy lắng nghe cơ thể của bạn, nó sẽ cho bạn biết khi nào bạn có thể tăng - giảm tốc độ, hay cần nghỉ ngơi.

Ngày này, do có nhiều tiến bộ trong điều trị và kiểm soát bệnh, những người nhiễm HIV/AIDS đã có cơ hội sống lâu và trọn vẹn hơn. Những vấn đề y tế liên quan đến nhiễm trùng cơ hội (AIDS) được thay bằng các bệnh lý tuổi già. Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ là cách giúp người nhiễm HIV/AIDS vui khỏe mỗi ngày, hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đái tháo đường, huyết áp, đột quỵ…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đừng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.


BSNT. Hương Trà
Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn