Hà Nội

PrEP có phải vaccine phòng lây nhiễm HIV không?

18-10-2023 19:14 | Y tế
google news

SKĐS - PrEP cần phải được sử dụng một lần mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ, khi dừng, thuốc sẽ hết tác dụng bảo vệ. Vậy PrEP có phải vaccine phòng lây nhiễm HIV không?

Theo TS. Đoàn Thị Thùy Linh – Phó trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, PrEP không phải là vaccine.

Vaccine giúp hệ miễn dịch sinh ra kháng thể của cơ thể để chống lại một nhiễm trùng nào đó trong thời gian dài.

PrEP là sự kết hợp của 2 loại thuốc kháng virus để dự phòng lây nhiễm HIV. PrEP cần phải được sử dụng một lần mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ, khi dừng, thuốc sẽ hết tác dụng bảo vệ.

Các chuyên gia cho rằng, PrEP không phải vaccine, nhưng được ví như vaccine bởi hiệu quả dự phòng trước phơi nhiễm HIV lên đến 90%. Đây được coi là một trong những giải pháp tối ưu góp phần hạn chế HIV lây lan hiện nay, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS.

Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Phương pháp này tuy không thay thế được vaccine HIV hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác nhưng nó là cách đơn giản làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) qua các thử nghiệm lâm sàng và các can thiệp thực tế trên thế giới.

Các nghiên cứu của WHO đã chứng minh sử dụng PrEP đúng cách làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến 97% qua đường tình dục và 75% đối với nhóm tiêm chích ma túy.

PrEP có phải vaccine phòng lây nhiễm HIV không? - Ảnh 1.

Khi sử dụng PrEP mỗi ngày, PrEP có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%. Do đó tuân thủ dùng PrEP đều đặn là vô cùng quan trọng để dự phòng HIV.

PrEP không phải là một vaccine, mà là phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng việc uống 1 loại thuốc uống hoặc tiêm. Tuy nhiên, hiện nay thuốc tiêm chưa có ở Việt Nam. Do đó, việc điều trị PrEP tại Việt Nam hiện nay là sử dụng thuốc ARV có chứa Tenofovir/Emtricitabine (TDF/FTC) hàm lượng TDF/FTC 300/200mg: uống 1 viên/ngày. Thế giới vẫn chưa tìm ra được loại vaccine nào có hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV.

Cụ thể hơn, PrEP sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao được khuyến cáo điều trị PrEP bao gồm những người quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc đường âm đạo mà không dùng bao cao su với 2 bạn tình trở lên; người quan hệ tình dục với một người nhưng người đó có 1 hoặc nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV; những người có bạn tình, vợ/chồng bị nhiễm HIV chưa được điều trị ARV hoặc đang điều trị ARV nhưng tải lượng virus HIV từ 200 bản sao/ml trở lên; những người đã từng mắc hoặc đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, những người đã có điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV song vẫn có những hành vi nguy cơ cao; những người sử dụng chung bơm kim tiêm; những người có nhu cầu được điều trị PrEP….

Những lưu ý khi sử dụng PrEP

- Đối với người có nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đường âm đạo hoặc qua đường máu: PrEP chỉ có tác dụng bảo vệ tối đa sau khi sử dụng đủ 21 ngày thuốc ARV liên tục.

- Đối với nam quan hệ tình dục đồng giới qua hậu môn: Hiệu quả tối đa sau 7 ngày uống liên tục hoặc uống 2 viên TDF/FTC trước khi quan hệ tình dục 2 -24 giờ. Thời gian bảo vệ sau lần phơi nhiễm cuối cùng.

- Đối với người quan hệ tình dục qua đường âm đạo và nguy cơ lây nhiễm qua đường máu: PrEP cần được tiếp tục sử dụng đến hết 28 ngày sau lần phơi nhiễm cuối cùng.

- Đối với người nam quan hệ tình dục đồng giới qua hậu môn: Cần tiếp tục sử dụng thuốc PrEP 2 ngày sau lần quan hệ tình dục cuối cùng.

Ngoài ra, người dùng PrEP cũng cần lưu ý:

- PrEP chỉ là một phần trong chiến lược dự phòng tổng thể HIV, PrEP cần có thời gian để đạt được hiệu quả bảo vệ tối đa, vì vậy cần sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.

- PrEP cần uống đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Phản ứng phụ khi dùng PrEP đó là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt nhẹ và sẽ hết trong 1-2 tuần. Nếu kéo dài, nên gọi điện hoặc đến gặp bác sĩ ngay để được khám và tư vấn.

- PrEP không dự phòng được các nhiễm trùng lây qua đường tình dục như: Lậu, giang mai, sùi mào gà, viêm gan B, C… do vậy vẫn cần sử dụng bao cao su thường xuyên đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục.

PrEP và 2 phương thức điều trị phòng ngừa phơi nhiễm HIVPrEP và 2 phương thức điều trị phòng ngừa phơi nhiễm HIV

SKĐS - Hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã được chứng minh rõ ràng với con số thống kê thực tế rằng những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ đúng sử dụng thuốc ARV hàng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%.


Dương Hải
Ý kiến của bạn