Canh mồng tơi là món ăn thanh mát, bổ dưỡng và rất thích hợp để thưởng thức trong những ngày nắng nóng. Rau mồng tơi có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như canh, luộc, salad. Với những lợi ích cho sức khỏe, bạn nên bổ sung món ăn này vào thực đơn của gia đình mình.
1. Giá trị dinh dưỡng của rau mồng tơi
Rau mồng tơi có vị ngọt nhẹ, tính mát và là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, bao gồm vitamin A, vitamin C, canxi, sắt và chất xơ. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, rau mồng tơi chứa 2,9 g chất xơ trong mỗi 100 g rau. Đây là lượng chất xơ tương đối cao so với các loại rau khác, ví dụ như rau cải bó xôi (2,4 g/100 g) và rau diếp (1,6 g/100 g).
Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giúp tăng cường nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và tạo cảm giác no lâu. Chất xơ cũng giúp giảm cholesterol và đường huyết, đồng thời hỗ trợ kiểm soát cân nặng.
Ngoài ra, rau mồng tơi còn chứa nhiều dưỡng chất khác có lợi cho sức khỏe, bao gồm:
- Vitamin A: Giúp cải thiện thị lực, tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
- Vitamin C: Tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa và giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
- Canxi: Giúp phát triển, duy trì xương và răng chắc khỏe.
- Sắt: Ngăn ngừa thiếu máu và cải thiện sức khỏe tim mạch.
2. Tác dụng của rau mồng tơi
Theo Viện Y dược học dân tộc TPHCM, cả Đông y và Tây y đều khẳng định loại rau này có tác dụng nhuận tràng. Theo Đông y, mồng tơi là loại rau có tính hàn, vị ngọt, giúp thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, từ đó giúp cơ thể mát mẻ hơn trong những ngày nắng nóng. Hàm lượng nước cao trong mồng tơi cũng giúp bổ sung nước cho cơ thể, bù lại lượng nước mất đi do mồ hôi.
Theo y học cổ truyền, rau mồng tơi có vị chua ngọt, tính lạnh, quy vào kinh tâm, tì, can, đại trường, tá tràng. Nhờ vậy, rau mồng tơi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Giải độc, thanh nhiệt: Rau mồng tơi giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố, giảm tích tụ nhiệt trong người, từ đó hỗ trợ điều trị các bệnh như mụn nhọt, rôm sảy, lở loét miệng lưỡi.
- Nhuận tràng, trị táo bón: Hàm lượng chất xơ dồi dào trong rau mồng tơi giúp kích thích nhu động ruột, làm mềm phân, hỗ trợ tiêu hóa và trị táo bón hiệu quả, đặc biệt tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
- Lợi tiểu: Rau mồng tơi có tác dụng lợi tiểu, giúp tăng cường chức năng bài tiết của thận, hỗ trợ điều trị các bệnh về đường tiết niệu như sỏi thận, viêm bàng quang.
- Tăng cường sức đề kháng: Rau mồng tơi chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin A, C, sắt, canxi... giúp tăng cường hệ miễn dịch.
- Tốt cho tim mạch: Rau mồng tơi giúp giảm cholesterol xấu (LDL), tăng cholesterol tốt (HDL), tốt cho tim mạch.
- Làm đẹp da: Rau mồng tơi chứa nhiều vitamin A, C và E có tác dụng chống oxy hóa, giúp làm đẹp da, giảm nếp nhăn, tăng độ đàn hồi cho da.
- Ổn định đường huyết: Rau mồng tơi có tác dụng hạ đường huyết.
- Tốt cho mắt: Rau mồng tơi chứa vitamin A dồi dào, giúp sáng mắt, cải thiện thị lực.
3. Lưu ý khi chế biến rau mồng tơi
- Nên chọn rau mồng tơi tươi ngon, lá xanh mướt, không bị dập nát, úa vàng.
- Rửa sạch rau mồng tơi nhiều lần dưới vòi nước chảy để loại bỏ bụi bẩn và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
- Nên nấu rau mồng tơi vừa chín tới, không nên nấu quá lâu để giữ được vitamin và khoáng chất cũng như màu xanh của rau.
- Không nên xào rau mồng tơi với dầu mỡ. Rau mồng tơi chứa nhiều chất nhầy có tác dụng hấp thụ cholesterol. Khi xào với dầu mỡ, chất béo trong dầu sẽ bám vào chất nhầy, làm giảm khả năng hấp thụ cholesterol của rau.
- Người tiêu hóa kém như tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng nên hạn chế ăn mồng tơi.
4. Một vài cách nấu canh mồng tơi
Canh cua mồng tơi
Nguyên liệu nấu canh cua
- 0,2 đến 0, 5kg cua đồng (tùy lượng người ăn trong nhà).
- 1 bó rau mồng tơi, có thể thêm rau đay, rau dền và 1 quả mướp hương (tùy lượng người ăn).
Cua đồng làm sạch để ráo nước, khêu gạch cua để riêng. Sau đó đem giã hoặc xay phần thịt cua đã làm sạch, thêm một chút muối để phần thịt cua khi đun có thể đông chắc lại. Hòa phần thịt cua đã nhuyễn với một lượng nước tương ứng với lượng thịt cua, lọc qua rây có lưới nhỏ hoặc lọc gạn truyền thống (cách lọc này hơi lâu nhưng lại hạn chế được những cặn cua xay máy).
Chưng gạch cua, cho một chút dầu ăn hoặc mỡ lợn vào chảo, phi thơm hành khô rồi cho gạch vào chưng trên lửa nhỏ cho đến khi dậy mùi thơm và có màu vàng nhẹ. Đợi khi canh cua vừa chín tới thì trút gạch vào nồi canh, đợi khi sôi đều thì tắt bếp.
Sau khi phần nguyên liệu đã được sơ chế thì đun nước cua đã được lọc, một số người thích cho thêm một chút mắm tôm khô để khi sôi, canh dậy mùi hơn. Để lửa nhỏ liu riu và khuấy nhẹ đều tay một lúc để thịt cua nổi đều lên. Khi sắp sôi có thể cho lửa to một chút với mục đích nước trùm lên phần thịt cua, chú ý không để trào gạch ra ngoài khi nước canh cua sôi. Sau đó gạt nhẹ thịt cua sang một góc nồi rồi cho rau và mướp vào, nêm gia vị vừa ăn. Lúc này cho phần gạch cua đã chưng lên trên phần thịt cua, sôi đều trong một lát để rau không bị nát rồi múc canh ra bát to.
Canh mồng tơi nấu tôm khô đơn giản
Nguyên liệu cơ bản:
- 1 bó mồng tơi, 1 quả mướp.
- 50 – 70 g tôm khô.
- 1 củ hành tím nhỏ.
Sơ chế nguyên liệu:
- Mồng tơi nhặt lấy lá non, rửa sạch, để ráo nước. Mướp rửa sạch, cắt miếng. Hành tím băm nhỏ.
- Tôm khô ngâm nước ấm cho mềm, vớt ra để ráo nước, nếu ngâm trước vài tiếng thì nên ngâm nước lạnh.
Cách nấu:
Tôm khô giã nhỏ hoặc đập giập tùy theo ý thích. Cho một chút dầu ăn, phi hành đã băm, xào sơ tôm khô cho thơm. Người nào không thích cho dầu thì đợi nồi nóng lên, để lửa nhỏ cho tôm đã giã vào đảo săn lại. Cho khoảng 1 lít nước vào nồi, đun sôi. Khi nước sôi, cho mồng tơi vào nấu khoảng 2 phút, nêm nếm gia vị vừa đủ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
6 cách dùng sắn dây giúp thanh mát cơ thể trong mùa hè.