Mùa bão bất thường, trái quy luật
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sự biến chuyển của hiện tượng ENSO kết hợp với biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tính cực đoan của thời tiết, khí hậu. Dự báo năm 2024 thiên tai sẽ diễn biến rất phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc, mưa đá nhiều hơn mức bình thường vào nửa đầu năm và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều vào nửa cuối năm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nửa đầu mùa (tháng 6-8), số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có thể ít hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên từ tháng 9-12, bão có thể hoạt động mạnh hơn, dồn dập hơn với số lượng cơn bão nhiều hơn, khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, trái quy luật.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến hết tháng 6, El Nino chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 80-85%. Từ tháng 7, tháng 8, sẽ chuyển dần sang trạng thái Lanina với xác suất từ 65-75%.
Do ảnh hưởng của sự chuyển pha (từ El Nino sang trung tính rồi sang La Nina) nên từ nay đến tháng 8, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 3-5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng một cơn đổ bộ vào đất liền. Con số này thấp hơn so với trung bình nhiều năm (từ 5-6 cơn, trong đó khoảng 2 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta).
Dự báo vào cuối năm, hiện tượng ở trạng thái La Nina có thể xảy ra với xác suất khoảng 65-75%. Theo thống kê, thời kỳ La Nina tác động thường gây ra mưa nhiều, bão lớn. Từ tháng 9-11, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 7-9 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 3-4 cơn đổ bộ vào đất liền. Con số này lớn hơn so với trung bình nhiều năm (từ 6-7 cơn, trong đó khoảng 2-3 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta).
Cơ quan khí tượng cũng lưu ý, mùa bão năm nay có khả năng xuất hiện những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ. Đặc biệt, La Nina tác động vào nửa cuối năm 2024 có thể gây ra các đợt mưa lớn, dồn dập ở miền Trung, kịch bản mưa lũ lịch sử năm 2020 có thể tái diễn.
Cơ quan khí tượng nhận định, tại miền trung trong tháng 9, khu vực từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tháng 10, tổng lượng mưa ở miền Trung phổ biến cao hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm.
Trước đó, trong năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino với đặc trưng mưa bão ít. Trên cả nước xảy ra 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (gồm 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới), thấp hơn trung bình nhiều năm. Đáng lưu ý, không một cơn bão nào đổ bộ nước ta năm 2023.
Tuy nhiên, miền Trung năm 2023 cũng đón nhiều đợt mưa lớn, trong đó đợt mưa từ ngày 13-17/11 gây ra lượng từ 400-700mm ở khu vực Quảng Trị đến Bình Định, riêng tỉnh Thừa Thiên Huế có nơi trên 1000mm như Bạch Mã 1924mm, Bình Điền 1272mm, Xuân Lộc 1310mm, Nam Đông 1154mm. Lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan khí tượng phát cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 ở Huế, Đà Nẵng do đợt mưa lớn này.
Sẽ có khoảng 11-13 cơn bão trên Biển Đông
Dự báo về tình hình mưa bão, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN&MT cho hay, mùa mưa bão năm nay sẽ có khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9-11/2024). Ven biển Đông Nam Bộ dự báo có 3 đợt triều cường cao, vào các ngày 18-23/9, 16-22/10, 12-20/11 và 12-18/12.
Trong đó, đợt triều ngày 16-22/10 và 12-20/11, mực nước trạm Vũng Tàu có thể đạt trên 4,3m. Nguy cơ cao ngập úng khu vực trũng thấp và vùng ngoài đê bao, nhất là khi trùng với thời gian gió chướng hoạt động mạnh tại khu vực. Trong tháng 7-8/2024, ven biển các tỉnh Tây Nam Bộ có khả năng xuất hiện 1-2 đợt nước biển dâng bất thường kèm theo sóng lớn gây sạt lở đê biển, nhất là tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Trong trạng thái La Nina, mùa mưa tại Bắc Bộ có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật khí hậu, tại Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm. Thời gian mưa lớn xuất hiện chính ở Bắc Bộ là tháng 7-9, ở Trung Bộ tháng 9-11. Tuy nhiên, mưa lớn cục bộ với cường suất lớn từ 50-100mm trong 3-6 giờ có khả năng xuất hiện nhiều trong thời gian tới, đề phòng gây sạt lở và lũ quét ở vùng núi, ngập úng đô thị. Đặc biệt, cảnh báo kịch bản La Nina tác động vào nửa cuối năm 2024 có thể xuất hiện các đợt mưa tập trung nhiều tại khu vực Trung Bộ.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, cuối năm 2024, hiện tượng ENSO chuyển sang trạng thái La Nina (pha lạnh) thường gắn với mưa nhiều có thể gây mưa lũ và ngập lụt. Theo kịch bản diễn biến như hiện nay, nếu xảy ra thì khá tương đồng với những năm xảy ra thiên tai cực đoan, bất thường trong quá khứ mà gần đây nhất là năm 2020. Cụ thể là hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung nhiều vào nửa cuối mùa gắn liền với khu vực Trung Bộ. Do đó, cần hết sức đề phòng, chúng ta không loại trừ có khả năng xuất hiện những đợt mưa lớn, nhiều tập trung ở Trung Trung Bộ vào nửa cuối năm, đặc biệt là tháng 9, 10, 11.
"Ngoài ra, chúng tôi muốn nhấn mạnh với sự thay đổi bất thường từ pha nóng sang pha lạnh, rồi biến đổi khí hậu trong thực tế đã diễn ra trong nhiều năm qua, thì năm nay hầu như chắc chắn xảy ra và cần phải đề phòng hiện tượng mưa lớn cục bộ diễn ra không chỉ trong mùa mưa mà cả trong đầu mùa mưa và mùa khô gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở đô thị. Đây là bài toán cần phải tính tới trong thời gian tới", ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 20/5: Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa.