Theo thống kê, tỉnh Quảng Bình hiện có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi. Trong đó 31 hồ bị hư hỏng xuống cấp với nhiều mức độ khác nhau.
Được biết, hầu hết các công trình hồ, đập này được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Kinh phí bố trí cho việc bảo trì, sửa chữa thường xuyên các công trình này còn nhiều hạn chế, nên việc hư hỏng, xuống cấp là không thể tránh khỏi.
Cùng với đó, tỉnh này hiện có 85 điểm dễ xảy ra sạt lở, ảnh hưởng, đe dọa đến hơn 1.100 hộ dân với 8 điểm nguy cơ cao. Toàn tỉnh Quảng Bình có 25 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, tổng chiều dài 53 km.
Được biết, trong khi chờ bố trí kinh phí thực hiện duy tu, bảo dưỡng và xây dựng các công trình phòng chống sạt lở, các địa chủ động rà soát, xây dựng phương án di dời và vận động người dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi trú tránh an toàn khi xảy ra mưa lớn, lũ lụt.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, với mức độ sạt lở xảy ra thường xuyên, ngày càng nghiêm trọng, địa phương đã có phương án di dời các hộ dân trong tình huống khẩn cấp.
"Hiện tượng sạt lở núi xảy ra với cường độ và thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh thành lập lực lượng xung kích ngay từ cấp thôn, xã. Khi xảy ra sự cố sạt lở lực lượng này đã được đào tạo chuyên nghiệp, trang bị bài bản để ứng phó, giúp đỡ người dân và phối hợp với chính quyền trong sẵn sàng ứng phó ngay tại chỗ, thực hiện phương án ứng phó 4 tại chỗ", ông Nam cho biết.
Tại huyện miền núi Minh Hóa - địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ, theo báo cáo của UBND huyện này, trên địa bàn hiện đang được đầu tư xây dựng 4 công trình chống sạt lở bờ suối và 1 công trình chống sạt lở đồi núi, gồm: Kè chống sạt lở bờ suối đoạn qua tiểu khu 4 (thị trấn Quy Đạt); kè chống sạt lở bờ suối đoạn qua tiểu khu 2 - tiểu khu 5 (thị trấn Quy Đạt); công trình kè chống sạt lở bờ suối xã Hóa Sơn; kè chống sạt lở bờ suối tại thị trấn Quy Đạt và công trình kè chống sạt lở đồi núi thị trấn Quy Đạt (giai đoạn 1).
Đây là những công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, những công trình này đang gặp nhiều vướng mắc.
Mới đây, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cùng đoàn đi kiểm tra thực địa các công trình phòng, chống sạt lở và một số điểm có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn huyện Minh Hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu UBND huyện Minh Hóa, Ban Quản lý Dự án chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình chống sạt lở. Cùng với đó, các sở, ngành liên quan phối hợp khảo sát, đánh giá cụ thể địa chất khu vực sạt lở, nguyên nhân sạt lở để tham mưu giải pháp khắc phục hiệu quả sát với tình hình thực tiễn.
Ngoài ra, huyện Minh Hóa cần xây dựng cụ thể, chi tiết phương án phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng lẫn tài sản cho người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Kiên quyết di dời những hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, tuyệt đối không được chủ quan lơ là.
Mưa Lớn Không Dứt, Cảnh Báo Tình Trạng Lũ Quét, Sạt Lở Tại 52 Huyện Thị Xã | SKĐS