Sáng 6/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm vụ và giải pháp". Hội nghị có sự tham dự của Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải; nguyên phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức...
Ông Nguyễn Thọ Tường, Phó Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM phát biểu, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM là hết sức cần thiết, vừa thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của nhân dân TPHCM đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa giúp phát huy các giá trị vật chất, tinh thần về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh.
Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM là nhiệm vụ lâu dài
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố phát biểu tham luận, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kéo dài nhiều nhiệm kỳ. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM, quá trình củng cố, tạo lập các giá trị văn hóa trên địa bàn thành phố dựa trên nền tảng từ những giá trị của cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM góp phần làm cho môi trường sống của thành phố chứa đựng những tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa Con người Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào văn hóa con người thành phố và trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, đặc thù của người dân thành phố.
Vậy nên, bà Phạm Phương Thảo cho rằng việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần phấn đấu để tạo điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là trong năm 2023 này.
Để đạt được hiệu quả tốt, thời gian tới, thành phố cần tập trung xây dựng văn hóa, con người thành phố phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo Bác; hoàn thành quy hoạch tổng thể không gian văn hóa Hồ Chí Minh; đẩy mạnh hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp về Bác...
Đồng thời, thành phố cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tạo điều kiện để phát huy không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành nét đặc trưng văn hóa của nhân dân TPHCM. Triển khai xây dựng không gian văn hóa bằng công trình, sản phẩm cụ thể, tạo sự lan tỏa sâu rộng.
"Mỗi đơn vị, cộng đồng, gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ. Tôi mong rằng mỗi người dân sẽ trở thành một đại sứ văn hóa", bà Thảo cho hay.
Xây dựng bản sắc riêng biệt để phát triển bền vững
Đại diện Ban Thường vụ Quận ủy Quận 1 cho biết, TPHCM là đầu tàu về hội nhập văn hóa, kinh tế sớm và nhanh nhất cả nước. Vậy nên, để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng thành phố phát triển bền vững thì thành phố cần xây dựng được bản sắc riêng biệt của mình và làm cho người dân thấu hiểu được những bản sắc đó, để bản sắc đó đồng hành cùng cuộc sống của người dân.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một quyết sách độc đáo của Đảng bộ thành phố, là một trong những phương thức để Đảng bộ và Nhân dân thành phố thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, trong sạch về tư tưởng, chính trị, đạo đức trên nền rảng tư tưởng của Đảng.
Bà Trịnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tham luận tại hội nghị, để xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhanh, bền vững, đồng bộ với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì cần chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, đồng bộ; cần giải quyết triệt để nạn "ăn xin", "chăn dắt, lợi dụng trẻ em và người già"; xây dựng thành phố an toàn, thân thiện; xây dựng thương hiệu của thành phố qua đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị...