Đường sách, phố sách: Nhiều nơi chưa thực sự coi trọng không gian văn hóa đọc

20-12-2019 07:42 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nhằm tạo đà cho văn hóa đọc phát triển và tạo không gian văn hóa mới lạ và hấp dẫn, nhiều địa phương ở nước ta đã cho ra đời đường sách, phố sách.

Tuy nhiên, không phải đường sách, phố sách nào ở nước ta cũng để lại dấu ấn và thành công vì thực tế cho thấy, một số không gian văn hóa đọc này cho thấy những tồn tại và hạn chế.

Hoạt động hơn 2 năm, tuy nhiên Phố sách Hà Nội lại chưa thật sự tạo được dấu ấn và để lại nhiều trăn trở, suy tư với các nhà quản lý và công chúng. PGS.TS. Nguyễn An Tiêm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam từng đánh giá, Phố sách Hà Nội thời gian qua đang lúng túng. Từ lúc thành lập đến nay, đã 3 lần đổi cơ quan quản lý song sự ảm đạm vẫn hiện hữu. Những dịp tết, lễ cũng có nhiều hoạt động thu hút bạn đọc, nhưng rồi thường xuyên trở về tình trạng đìu hiu. PGS.TS. Nguyễn An Tiêm cũng cho rằng, sách phải đến với bạn đọc bằng không gian mở thì tại Hà Nội, mỗi nhà sách như cái lồng kính quây kín lại, không có quyển sách nào được “thò” ra ngoài nên không có sự tiếp cận giữa sách và người. Trên thực tế, thời gian qua không gian Phố sách Hà Nội khá vắng vẻ, ngày cuối tuần có nhiều bạn trẻ đến tham quan nhưng đa số đến để chụp ảnh “check in” rồi ra về, khó thấy hình ảnh bạn trẻ mặn mà với việc mua sách, đọc sách.

Trong khi đó, Đường sách TP. Vũng Tàu, sau hơn 1 năm hoạt động cũng chưa thấy nhiều khả quan. Được biết, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của Đường sách Vũng Tàu chỉ đạt 3 tỷ đồng nhưng doanh thu từ sách ước chỉ chiếm 20%. Đáng buồn nhất trong việc phát triển không gian văn hóa đọc ở nước ta, đó là cơ quan chức năng TP.Huế vừa “khai tử” không gian sách ở cuối đường Hai Bà Trưng sau hơn một năm hoạt động thí điểm. Theo đề án, Đường sách TP. Huế có tổng mức đầu tư 7,5 tỷ đồng, giới thiệu trên 10.000 đầu sách (40% sách mới và 60% sách đã qua sử dụng). Thời điểm mới đi vào hoạt động, Đường sách TP. Huế được nhiều người dân đến đọc sách, mua sách và tham gia các chương trình văn hóa nghệ thuật phụ trợ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, đường sách TP. Huế bộc lộ nhiều hạn chế và sai sót. Từ phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng TP. Huế đã vào cuộc xác minh những tồn tại, bất cập của không gian văn hóa này. Qua các đợt thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện chủ đầu tư kinh doanh sách và các xuất bản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ (sách lậu), lấn chiếm toàn bộ vỉa hè; lắp đặt nhà vệ sinh không đảm bảo mỹ quan; kinh doanh mặt hàng không nằm trong phạm vi đề án như quầy bày bán đồ gốm, xe nước mía...

Đường sách, phố sách: Nhiều nơi chưa thực sự coi trọng không gian văn hóa đọcĐường sách TP.HCM là điển hình thành công trong việc xây dựng không gian văn hóa đọc ở nước ta.

Theo bà Phạm Thị Quỳnh Dao - Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP. Huế, UBND thành phố đã ra quyết định yêu cầu Công ty CP sách Huế C&C chấm dứt việc triển khai thí điểm đề án không gian đường sách Hai Bà Trưng. Bởi cơ quan chức năng đã nhiều lần yêu cầu công ty này khắc phục những sai phạm như bán sách giả, sách lậu, lấn chiếm vỉa hè... nhưng đơn vị này chưa khắc phục xong. Vì vậy, chính quyền TP. Huế đã yêu cầu công ty chấm dứt việc thí điểm đề án và hoàn trả mặt bằng trước ngày 10/1/2020. Đón nhận thông tin này, nhiều người dân ở cố đô Huế không khỏi buồn phiền vì một không gian văn hóa mới chưa kịp định hình bản sắc đã bị khai tử. Tuy nhiên, không ít ý kiến ủng hộ việc dừng lại đường sách này, đây là hành động quyết liệt, mạnh mẽ của cơ quan chức năng đối với đơn vị làm ăn không nghiêm túc, coi thường độc giả vì bán sách lậu, sách giả...

Có thể nói ở nước ta, Đường sách TP.HCM là một trong những cái tên nổi bật và tạo ra nhiều tiếng vang nhất về việc phát triển văn hóa đọc. Sau hơn 3 năm hoạt động, Đường sách TP.HCM ngày càng lớn mạnh cả về chất lượng và doanh thu. Theo đơn vị quản lý Đường sách TP.HCM, trong quý 3/2019, Đường sách TP.HCM không chỉ tăng trưởng về doanh thu mà còn là điểm hẹn sôi động cho người yêu sách. Tính đến hết quý 3 năm nay, Đường sách TP.HCM đã tổ chức 53 sự kiện như trưng bày, triển lãm sách, các loại hình văn hóa, nghệ thuật và thường xuyên diễn ra các hoạt động giới thiệu sách, giao lưu tác giả tác phẩm. Doanh thu Đường sách TP.HCM trong quý 3/2019 đạt 10,63 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số bản sách bán được là 203.771 cuốn (năm 2018 là 167.388 cuốn), tăng 22% so cùng kỳ năm trước. Những con số này tiếp tục cho thấy, Đường sách TP. HCM đã, đang trở thành điểm hẹn sôi động về văn hóa đọc với người dân trong nước cũng như du khách quốc tế khi đến với thành phố mang tên Bác.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đường sách, phố sách phát triển và có hiệu quả như Đường sách TP.HCM đã làm được, thì các đơn vị, tổ chức cần biết khai thác yếu tố đặc trưng lịch sử, văn hóa bản địa của vùng đất, con người ở vùng đất đó và không ngừng đổi mới. Bên cạnh đó, các đường sách và phố sách phải biết huy động mọi nguồn lực xã hội chung tay vì lợi ích cộng đồng, cùng với đó cần nhận được sự hỗ trợ tích cực cả về vật chất, ý tưởng, cách làm của nhiều ban ngành, đoàn thể để sách trở thành trung tâm của những không gian văn hóa đọc.


Mai Kiên
Ý kiến của bạn