1. Khi nào dùng thuốc tăng tuần hoàn não trị rối loạn tiền đình?
Rối loạn tiền đình có thể là các cơn chóng mặt thoáng qua, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện tình trạng chóng mặt nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng hay thay đổi từ nằm sang ngồi được.
Nếu người bệnh bị rối loạn tiền đình nặng, ngoài chóng mặt dữ dội, còn có các triệu chứng đi kèm như nôn nhiều và kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung, rối loạn vận mạch khiến da tái xanh, giảm nhịp tim, vã mồ hôi, nghiêm trọng hơn là té ngã gây chấn thương do không kiểm soát được thăng bằng. Khi bị bệnh này nhiều người có xu hướng sử dụng thuốc tăng tuần hoàn não.
Mặc dù bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng của toàn bộ cơ thể nhưng để có thể duy trì các chức năng bình thường, bộ não cần được cung cấp 20% lượng máu từ tim, 25% lượng oxy trong hệ tuần hoàn và 25% lượng đường trong máu. Do đó, nếu quá trình cung cấp máu lên não có vấn đề sẽ khiến tình trạng thiếu máu lên não, từ đó gây ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào não.
Hiện rối loạn tiền đình vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Thiếu máu não là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Do đó, nhóm thuốc hỗ trợ điều trị tăng tuần hoàn máu não được sử dụng trong trường hợp này.
2. Các loại thuốc tăng tuần hoàn não hay dùng
- Piracetam: Thuốc tác động trên não bộ và hệ thần kinh, có tác dụng bảo vệ chống lại tình trạng thiếu oxy ở các cơ quan này. Nhờ đó, giảm các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt... trong rối loạn tiền đình.
Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc là: Mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, trướng bụng, bồn chồn, dễ bị kích động, nhức đầu, ngủ gà, mất ngủ. Do thuốc piracetam có thể gây buồn ngủ và run rẩy nên người bệnh tránh lái xe và vận hành máy móc khi dùng thuốc. Piracetam được thải trừ qua thận, nên cần thận trọng trong trường hợp suy thận. Piracetam không được sử dụng trong trường hợp suy gan.
- Cerebrolysin: Thuốc có nhiều tác động lên tế bào thần kinh bao gồm giúp tăng sinh, biệt hóa, điều hòa chức năng của tế bào thần kinh, tăng cường lưu lượng máu lên não và bảo vệ não khỏi các thương tổn do thiếu máu cục bộ gây ra.
Thận trọng khi dùng cerebrolysin cho bệnh nhân tăng huyết áp. Lưu ý, với bệnh nhân có chức năng thận suy giảm nên thận trọng khi dùng cerebrolysin vì thuốc bài tiết qua thận.
- Ginkgo biloba: Có tác dụng loại bỏ các gốc tự do, ngăn ngừa sự phá hủy màng tế bào và duy trì chuyển hóa của não. Thuốc được dùng trong trường hợp rối loạn tuần hoàn não, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ...
Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng ginkgo biloba bao gồm: Buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, bồn chồn, nôn, dị ứng da... Ginkgo biloba không nên dùng cho người cường giáp và thận trọng dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp.
3. Một số lưu ý khi dùng thuốc tăng tuần hoàn não
Để dùng thuốc tăng tuần hoàn não an toàn, người bệnh cần lưu ý:
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tăng tuần hoàn não khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc mà chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình dùng thuốc, cần trao đổi với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Ngoài việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, không nên lạm dụng các chất kích thích. Đồng thời, tăng cường vận động thường xuyên tùy theo điều kiện và sức khỏe của mình để khí huyết lưu thông, cải thiện tuần hoàn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bạn có nguy cơ ung thư đại tràng không?