Rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế, khiến người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo,... Hệ tiền đình gồm những bộ phận nằm ở tai trong và não có chức năng giữ thăng bằng, duy trì tư thế, dáng đi, đảm bảo phối hợp cử động giữa toàn thân, mắt và đầu. Bởi vậy, nếu có tổn thương nào tại hệ thống này đều có thể làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiền đình, điển hình là chóng mặt, mất thăng bằng.
Rối loạn tiền đình được chia thành 2 loại chính là rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương:
– Loại rối loạn tiền đình ngoại biên: Do tổn thương phần tiền đình nằm ở tai trong, thường biểu hiện triệu chứng rầm rộ là cơn chóng mặt thoáng qua đột ngột. Đây là loại chiếm đa số từ 90 – 95% trường hợp.
– Loại rối loạn tiền đình trung ương: Do tổn thương ở nhân tiền đình nằm ở trong não, các triệu chứng không rầm rộ như rối loạn tiền đình ngoại biên. Đây là loại ít gặp hơn.
1. Rối loạn tiền đình do đâu và ai dễ mắc rối loạn tiền đình?
Có nhiều yếu tố gây rối loạn tiền đình trong đó rối loạn tiền đình ngoại biên có thể xuất phát từ các nguyên nhân như: Viêm dây thần kinh tiền đình do virus, u dây thần kinh số 8, viêm tai giữa, rối loạn chuyển hóa (suy giáp, tăng ure máu, tiểu đường)… chấn thương và dị dạng tai trong, nhiễm độc tai do thuốc.
Nếu rối loạn tiền đình trung ương thường do các nguyên nhân tại não như nhồi máu não, u não, xuất huyết não, đau nửa đầu migraine, viêm não, bệnh parkinson, rối loạn tuần hoàn máu não…
Ngoài ra, còn có những yếu tố nguy cơ của bệnh rối loạn tiền đình như: Tuổi tác cao, những người lớn tuổi (từ 40 tuổi trở lên) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người trẻ. Người thường xuyên chịu áp lực tâm lý, căng thẳng, lo lắng quá mức. Sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích, thiếu ngủ, ít tập luyện thể thao, chế độ ăn uống không khoa học…
Rối loạn tiền đình là một hội chứng gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tuổi càng cao thì dễ gặp hơn. Theo nghiên cứu đa số người bệnh khoảng tuổi 40 tuổi trở lên, nhiều nhất ở lứa tuổi trung niên, người cao tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh. Tuổi càng cao thì càng có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình cao hơn người trẻ.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây rối loạn tiền đình đang ngày càng trẻ hóa do những tác động của môi trường và lối sống.
Rối loạn tiền đình ngày càng có xu hướng mở rộng đến độ tuổi đang làm việc, nhiều người có công việc văn phòng, sinh viên và cả học sinh. Giải thích vấn đề này, các nghiên cứu cho thấy rối loạn tiền đình có thể xảy ra do làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ít vận động, thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính. Bệnh còn liên quan đến ăn ngủ thất thường, tư thế ngồi một chỗ lâu, thoái hóa đốt sống cổ, giảm lưu lượng máu lên não.
2. Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
Rối loạn tiền đình có thể chỉ xuất hiện vài ngày rồi hết nhưng cũng có thể kéo dài, tái phát nhiều lần. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc của bệnh nhân mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trong cơn bệnh, nếu người bệnh cố gắng đi lại thì có thể bị ngã, gây chấn thương trầy xước da hay thậm chí là gãy tay, chân, chấn thương sọ não (do đập đầu vào vật cứng/nền đất cứng),... Biến chứng nguy hiểm nhất của rối loạn tiền đình là gây đột quỵ do máu lên não kém. Vì vậy, khi phát hiện bệnh, người bệnh nên thực hiện điều trị rối loạn tiền đình tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ.
3. Lời khuyên thầy thuốc
Rối loạn tiền đình ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống, vì vậy, khi nghi ngờ cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm chẩn đoán như: Đo não đồ hoặc làm các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, CT Scanner hoặc phải sử dụng cộng hưởng từ (MRI) để tìm đúng nguyên nhân gây hội chứng rối loạn tiền đình. Để từ đó có các phương pháp điều trị thích hợp.
Để phòng rối loạn tiền đình cách tốt nhất là thường xuyên tập thể dục thể thao. Đối với người làm việc văn phòng cần tránh ngồi quá lâu trước máy vi tính. Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động vùng đầu, cổ gáy.
Cần uống nước thường xuyên khoảng 2 lít/ngày, nên để ly nước lọc trên bàn làm việc để tập thói quen uống nước thường xuyên, tránh để quá khát mới uống nước.
Khi bệnh nhân đã mắc rối loạn tiền đình thì phải cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt, như không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh để tránh tiếng ồn.
Ngoài ra, cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt... Trường hợp chóng mặt kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, mờ mắt, thì nên đi khám ngay.
Mời độc giả xem thêm video:
8 thói quen xấu là “thủ phạm” gây nên bệnh sỏi thận.