1. Rối loạn tiền đình nguy hiểm thế nào?
Rối loạn tiền đình là sự rối loạn thăng bằng tại cơ quan tiền đình và thần kinh trung ương mà biểu hiện thường gặp là mất hoặc giảm khả năng giữ thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, có thể kèm ù tai, buồn nôn... Rối loạn tiền đình đi kèm với một vài bệnh lý như thiếu máu não, đái tháo đường, tăng huyết áp có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, đe dọa tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình:
- Viêm tai giữa do nhiễm virus hoặc vi khuẩn.
- Sau chấn thương đầu gây tổn thương cơ quan tiền đình tiểu não.
- Rối loạn tuần hoàn máu như tắc động mạch tiền đình, co thắt động mạch cột sống ảnh hưởng đến tai trong hoặc não bộ.
- Do các yếu tố di truyền và môi trường sống (ô nhiễm tiếng ồn, stress, ít vận động…).
- Sử dụng thuốc giảm đau kéo dài.
Rối loạn tiền đình có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Dễ trầm cảm, té ngã, hay nguy cơ đột quỵ, tai biến…2. Một số thuốc kháng histamin trị rối loạn tiền đình
- Cinnarizin: Thuốc cinnarizin thuộc nhóm thuốc histamin thế hệ 1, thường được dùng trong rối loạn tiền đình theo đường uống. Thuốc có tác dụng ngăn chặn những thụ thể trong các cơ quan sau cùng của hệ tiền đình, từ đó gây ức chế quá trình sản sinh histamin và chất acetylcholin.
Dùng thuốc trong rối loạn tiền đình với các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, choáng váng, ù tai. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng phòng ngừa say tàu xe, chứng đau nửa đầu, rối loạn tuần hoàn ngoại biên... Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là gây buồn ngủ, ngủ gà (không tỉnh táo), rối loạn tiêu hóa...
- Dimenhydrinate: Dimenhydrinate là thuốc kháng histamin H1, có tác dụng an thần gây ngủ và chống nôn. Thuốc có thể giúp giảm triệu chứng buồn nôn, chóng mặt trong rối loạn tiền đình.
Dimenhydrinate có thể gây các tác dụng phụ: Nhịp tim nhanh, buồn ngủ, lo lắng, bồn chồn, chán ăn, đau vùng thượng vị… Do thuốc có tác dụng an thần nên cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc
- Promethazine: Thuốc promethazine có tác dụng chống nôn trong rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, thuốc cũng gây một số tác dụng phụ: Ngủ gà, nhìn mờ, tăng hoặc giảm huyết áp, mệt mỏi, ù tai, khô miệng…
Thận trọng khi dùng thuốc này với bệnh nhân mắc bệnh hen, tăng nhãn áp góc đóng, bí tiểu tiện, phì đại tuyến tiền liệt, tắc môn vị - tá tràng, phụ nữ mang thai và cho con bú và không dùng cho trẻ em.
Do promethazine gây buồn ngủ, nên thận trọng khi lái xe hoặc điều khiển máy móc.
3. Làm gì để tránh tác dụng phụ của thuốc kháng histamin?
Các thuốc kháng histamin H1 qua được hàng rào máu não nên có tác dụng phụ gây buồn ngủ nên không làm những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo khi dùng thuốc. Thời gian thuốc tác dụng ngắn nên người dùng phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày.
Để tránh các tác dụng phụ của các thuốc kháng histamin cần lưu ý:
- Nên uống thuốc sau bữa ăn để giảm kích ứng dạ dày.
- Khi uống thuốc cần tránh làm việc trên cao, lái xe, vận hành máy móc…
- Thuốc có thể làm tăng các triệu chứng ngoại tháp khi dùng kéo dài như co cứng, chậm chạp, rối loạn vận động bao gồm múa vờn, múa giật, rung giật cơ... Do đó, nên tránh hoặc hạn chế dùng thuốc ở người già.
- Không uống rượu khi sử dụng các thuốc kháng histamin.
Ngoài ra, thuốc kháng histamin có thể gây đau đầu, khô miệng, tăng tiết mồ hôi, tăng cân, phản ứng dị ứng và giảm huyết áp khi dùng liều cao...
Để dùng thuốc kháng histamin trị rối loạn tiền đình an toàn, người bệnh cần:
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Tuyệt đối không tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Trong khi sử dụng thuốc nếu có bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư.