1. Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình là tình trạng rối loạn hệ thống thăng bằng của cơ thể do hệ thống tiền đình của tai trong, các trung tâm xử lý của hệ thần kinh trung ương bị tổn thương hoặc cả hai.
Các triệu chứng của rối loạn chức năng tiền đình ngoại vi và trung ương có thể chồng chéo lên nhau. Các triệu chứng thường bao gồm buồn nôn, nôn, choáng váng, dáng đi không vững, rung giật nhãn cầu. Trong đó chóng mặt và mất cân bằng tư thế được ghi nhận là triệu chứng chính.
Hầu hết các cơn chóng mặt thường kéo dài dưới một phút (điển hình là 30 giây), nhưng có thể kéo dài tới 60 phút...
Rối loạn tiền đình được phân loại là rối loạn tiền đình ngoại biên và trung tâm, trong đó rối loạn tiền đình ngoại biên phổ biến hơn.
2. Các phương pháp điều trị rối loạn tiền đình
Phục hồi chức năng tiền đình là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với nhiều rối loạn có nguồn gốc ngoại biên và cả những rối loạn có nguồn gốc trung ương, do đó làm giảm các triệu chứng và sự mất cân bằng thường dẫn đến té ngã.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các lựa chọn điều trị rối loạn tiền đình có thể được điều trị như sau:
- Dùng thuốc
- Phục hồi chức năng tiền đình (bài tập ổn định mắt và đầu, rèn luyện nhận thức vị trí).
- Tâm lý trị liệu (đặc biệt quan trọng trong chứng chóng mặt do tâm lý).
- Phẫu thuật.
3. Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng
3.1. Thuốc ức chế tiền đình
Thuốc ức chế tiền đình là thuốc làm giảm cường độ chóng mặt và rung giật nhãn cầu do mất cân bằng tiền đình. Thuốc làm giảm độ nhạy chuyển động và say tàu xe, bao gồm ba nhóm thuốc chính: Thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng histamine và thuốc benzodiazepin.
Benzodiazepines: Diazepam, clonazepam, lorazepam và alprazolam là những thuốc benzodiazepin thường được kê đơn do tác dụng giải lo âu và chống trầm cảm, giúp giảm thiểu sự lo lắng và hoảng sợ liên quan đến chứng chóng mặt.
Nhóm thuốc này có thể tác dụng phụ: Phụ thuộc thuốc, suy giảm trí nhớ, tăng nguy cơ té ngã... Do đó, việc sử dụng các thuốc này trong ức chế tiền đình nên được hạn chế về thời gian. Tuy nhiên, không nên dừng chúng đột ngột vì có thể gây hội chứng cai nghiện.
Thuốc kháng cholinergics: Thuốc kháng cholinergic là thuốc ức chế tiền đình có tác dụng ức chế quá trình tác động vào tế bào thần kinh nhân tiền đình cũng như làm giảm vận tốc rung giật nhãn cầu. Thuốc duy nhất hiệu quả để dự phòng và điều trị chứng say tàu xe là scopolamine.
Tác dụng phụ nổi bật thường bao gồm khô miệng, giãn đồng tử và an thần.
3.2. Thuốc chống nôn
Thuốc chống nôn là loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát nôn và buồn nôn. Lựa chọn thuốc phụ thuộc vào đường dùng và tác dụng phụ.
- Thuốc tiêm chủ yếu được sử dụng trong trường hợp cấp cứu, bao gồm dexamethasone và ondansetron.
- Các thuốc uống chỉ được sử dụng cho chứng buồn nôn nhẹ, nên dùng dưới lưỡi, bao gồm:
+ Kháng histamin: Meclizine hoặc dimenhidrinate thường được sử dụng vì chúng hiếm khi gây tác dụng phụ nghiêm trọng hơn ngoài buồn ngủ.
+ Các phenothiazin: Prochlorperazine và promethazine cũng là thuốc chống nôn hiệu quả nhưng tác dụng phụ bao gồm an thần và khả năng xuất hiện các triệu chứng ngoại tháp (rối loạn trương lực cơ và bệnh Parkinson).
+ Thuốc làm tăng tốc độ làm rỗng dạ dày, như metoclopramide và domperidone cũng hữu ích trong việc kiểm soát nôn.
4. Các thuốc điều trị nguyên nhân
4.1. Viêm dây thần kinh tiền đình
Viêm dây thần kinh tiền đình là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn tiền đình cấp tính (bao gồm chóng mặt với rung giật nhãn cầu). Mặc dù nó được cho là do sự hoạt động của virus Herpes simplex loại 1 trong dây thần kinh tiền đình, nhưng điều trị bằng thuốc kháng virus không mang lại lợi ích. Trên thực tế, methylprednisolone đã được chứng minh cải thiện đáng kể sự phục hồi chức năng tiền đình ngoại biên ở bệnh nhân này.
Việc điều trị triệu chứng cũng nên được thực hiện trong những ngày đầu tiên bằng thuốc ức chế tiền đình và thuốc chống nôn. Người bệnh có thể ngừng điều trị bằng thuốc ức chế tiền đình khi các triệu chứng cấp tính được kiểm soát. Lưu ý, không khuyến khích dùng các thuốc này điều trị rối loạn tiền đình mạn tính.
4.2. Đau nửa đầu tiền đình
Đau nửa đầu tiền đình là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây chóng mặt và choáng váng. Việc điều trị bao gồm tránh kích hoạt, dùng thuốc và phục hồi chức năng tiền đình.
- Đối với các cơn cấp tính, kiểm soát triệu chứng bằng thuốc ức chế tiền đình và thuốc chống nôn.
- Phác đồ điều trị dự phòng dựa trên phác đồ điều trị chứng đau nửa đầu, bao gồm thuốc chẹn beta (propranolol, metoprolol); thuốc chẹn kênh canxi (verapamil), thuốc chống trầm cảm (amitriptyline, fluoxetine venlafaxine); thuốc chống co giật (valproate, topiramate) và chất ức chế anhydrase carbonic (acetazolamide).
4.3. Bệnh Meniere
Bệnh Meniere là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây chóng mặt có nguồn gốc từ tai, bao gồm chóng mặt từng cơn, mất thính lực dao động cùng bên và ù tai.
Điều trị rối loạn tiền đình do Meniere có thể áp dụng điều trị triệu chứng với thuốc ức chế tiền đình và thuốc chống nôn.
Phương pháp điều trị dự phòng: Bệnh nhân nên tuân theo chế độ ăn hạn chế muối và bù nước thích hợp, nên tránh caffein và ngừng hút thuốc. Nếu bệnh nhân không kiểm soát tốt các triệu chứng bằng chế độ này, thì thuốc lợi tiểu nhẹ (như hydrochlorothiazide - triamterene ), có thể làm giảm tần suất các đợt cấp. Cần lưu ý rằng thuốc lợi tiểu có thể gây hạ natri máu và hạ huyết áp đáng kể, đặc biệt ở người cao tuổi và những người đang ăn kiêng hạn chế muối.
Phương pháp điều trị bệnh: Điều trị bằng phác đồ betahistine, liều cao trong thời gian dài bằng betahistine (ít nhất 48 mg 3 lần/ngày) đã cho thấy tác dụng đáng kể đối với tần suất của các cơn đau. Sử dụng steroid xuyên màng nhĩ có thể là một cách tiếp cận tốt ở những bệnh nhân kháng betahistine, những người mắc bệnh Meniere hai bên và những người có thính giác tương đối tốt ở bên tai bị ảnh hưởng. Có thể dùng liều duy nhất gentamicin qua màng nhĩ, sau khi các phương pháp điều trị bằng thuốc khác đã thất bại.
Cùng với vật lý trị liệu và thay đổi lối sống, phương pháp dùng thuốc là một trong ba trụ cột điều trị rối loạn tiền đình. Việc sử dụng thuốc trong từng trường hợp xuất phát từ việc đánh giá đúng các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của bệnh rối loạn tiền đình và các tác dụng phụ. Thuốc ức chế tiền đình chỉ nên được sử dụng trong trường hợp cấp tính để giảm bớt các triệu chứng căng thẳng vì sử dụng kéo dài có thể gây mất cân bằng tiền đình mãn tính.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Kiểm soát tình trạng máu nhiễm mỡ ở người đái tháo đường.