Chiêu trò "thổi giá"
Gần đây, trên thị trường xuất hiện thông tin nhiều người săn tìm mua cây bạch hải đường (cây hải đường hoa trắng, thuộc họ cây trà) với mức giá cao từ vài chục triệu cho tới cả tỷ đồng một cây trưởng thành.
Thu mua hoa bạch hải đường số lượng lớn, bất chấp giá cả"; "Cần mua hoa bạch hải đường"; "Tìm mua hải đường trắng nguyên bản, không ghép, giá cả không quan trọng"… Đó là những dòng quảng cáo ngập tràn trên mạng xã hội trong những ngày qua, tạo nên cơn sốt săn lùng, truy tìm chưa từng có.
Theo những lời quảng cáo, cây bạch hải đường này hoa trắng, là loại đột biến quý hiếm chứ không phải hoa màu đỏ lâu nay vẫn thấy, nên giá rất cao. Nhiều người sẵn sàng trả giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí cây có đường kính 30cm trở lên có giá không dưới 1 tỷ đồng. Họ cho rằng màu trắng chính là đột biến của hải đường đỏ.
PGS.TS Đặng Văn Đông, chuyên gia nghiên cứu về cây cảnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Học viện Nông nghiệp cho biết, cây bạch hải đường không hề có giá trị như những gì đang được quảng cáo khi rao bán trên thị trường.
Cơn sốt bạch hải đường xuất phát từ nguyên nhân do trước đây người ta không chú ý nên cây này hiếm, ít xuất hiện trên thị trường. Một số người lợi dụng điều này muốn tạo ra cơn sốt, đẩy giá cây lên để mang lại giá trị cao cho mình. Bạch hải đường không phải là cây quý, cũng không phải cây đột biến từ hải đường đỏ mà đây là do quá trình lai tạo trong tự nhiên sinh ra.
Bạch hải đường là giống cây mọc tự nhiên rất dễ trồng, có thể gieo hạt và dâm cành vì thế trước đây giống cây này mặc dù giá chỉ vài chục nghìn đồng nhưng cũng hiếm khách mua. Người mua chủ yếu là hải đường đỏ do có ý nghĩa dưỡng phú quý. Dù vậy, giá trị hải đường đỏ cũng không hề cao, chỉ dao động từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng. Còn cây bạch hải đường thì không hề có điểm gì đặc biệt.
Cây bạch hải đường nhân giống dễ hơn hải đường hoa đỏ rất nhiều, bởi bạch hải đường có thể sử dụng phương pháp dâm cành còn hải đường đỏ chỉ có thể gieo hạt. Khoảng 2 tháng trở lại đây, người ta đẩy giá lên. Đây là mức giá "không tưởng" cho một loài cây ít có giá trị cả về khoa học lẫn kinh tế.
Cảnh giác với chiêu trò "đột biến"
PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, trước đây, cơn sốt lan đột biến khiến nhiều cơ quan chuyên môn cũng như quản lý nhà nước phải vào cuộc làm rõ để cảnh báo. Thế nhưng do lợi nhuận quá cao, trong thời gian ngắn, dễ dàng, nên nhiều người điều kiện kinh tế khó vẫn đi vay mượn người thân, ngân hàng để đầu tư. Nhiều người đã mất nhà, mất đất, mất sạch tài sản từ cơn sốt này. Đến nay, chiêu trò thổi giá bạch hải đường cũng tương tự, người chơi phải đối mắt với rất nhiều rủi ro.
Bạch hải đường cùng họ với hoa trà, đỗ quyên, là cây rất dễ nhân giống kể cả bằng gieo hạt và giâm cành, chiết, ghép cành. Loài này không cần phải sử dụng đến công nghệ hiện đại để nhân giống, chỉ cần dùng các biện pháp kỹ thuật truyền thống là cho ra cây con mang đầy đủ đặc tính cây mẹ. Nếu áp dụng thêm nhà lưới giâm cây, có hệ thống phun mù tự động, dùng thuốc kích thích ra rễ, phân bón phù hợp từng giai đoạn, chăm sóc phù hợp… cây sẽ sinh trưởng rất nhanh. Hải đường là cây tương đối dễ trồng, do đó giá thành nó cũng khá rẻ.
"Suốt thời gian qua, dù cho giới khoa học đã nói nhiều, nhưng thị trường lan đột biến vẫn cứ nhiễu loạn do chưa có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Dần dần, với sự "biến mất" của những chủ vườn ôm tiền bỏ chạy, những chiêu trò bị công an đưa ra ánh sáng, thị trường lan đột biến trở lại giá trị thật. Theo phản ứng dây chuyền, các vườn lan khác cũng sẽ chung số phận.
Với thị trường bạch hải đường, cơ quan chức năng cần làm rõ các chiêu trò thổi giá, tranh gây ra hoang mang, nhiễu loạn, khiến nhiều người mờ mắt lao theo sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếng", PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết.
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, đặc tính của thực vât là có thể xảy ra quá trình biến dị sinh học. Biến dị sinh học chính là những biến đổi mới, mà cơ thể thực vật thu được do tác động của các yếu tố môi trường và do quá trình tái tổ hợp di truyền. Đột biến là quá trình tự nhiên của cây, có loại di truyền, có loại không. Nó không mang lại giá trị khoa học cũng như thực tiễn nào, bởi trong phòng thí nghiệm, người ta có thể tạo ra hàng trăm, hàng nghìn loài đột biến theo ý muốn mà không cần trông chờ tìm thấy trong tự nhiên.