Lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại: Cảnh báo nhiều, vẫn mắc bẫy (!)

15-05-2019 06:02 | Pháp luật

SKĐS - Mặc dù các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại... không phải mới, nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”.

Vẫn là thủ đoạn lừa đảo như giả danh cơ quan điều tra gọi điện thoại dọa liên quan đến vụ án đang điều tra, chiếm tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo, thông báo trúng thưởng... Tuy nhiên, các đối tượng ngày càng tạo dựng các tình huống khá tinh vi đánh vào tâm lý của người bị hại.

Dựng lên các tình huống rất tinh vi để lừa đảo

Thông tin từ Công an quận 2, TP. HCM cho biết, cơ quan này liên tục nhận được đơn của bị hại liên quan đến lừa đảo qua mạng, qua điện thoại... Mặc dù báo chí đã tuyên truyền rất nhiều, cơ quan công an cũng thường xuyên tuyên truyền các thủ đoạn lừa đảo, nhưng do các câu chuyện, tình huống mà đối tượng dựng lên ngày càng tinh vi, nội dung cũng phong phú hơn khiến những người nhẹ dạ cả tin “sập bẫy”, thậm chí mất tiền tỷ. Như trường hợp bà Phạm Thị Thu Hương ở phường An Phú, quận 2, nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên bưu điện, thông báo bà có đứng tên mở thẻ tín dụng tại một ngân hàng ở Hà Nội và nợ số tiền gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, người này cho biết, bà còn mở rất nhiều tài khoản tại Hà Nội cho bọn tội phạm rửa tiền hoạt động. Khi bà nói không mở tài khoản ở ngân hàng đó và không có liên quan thì đối tượng chuyển máy cho nhiều người khác nói là điều tra viên và thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an đang điều tra chuyên án rửa tiền, đã bắt được đối tượng cầm đầu và nhiều đối tượng khác. Hiện VKSND TP. Hà Nội đang có lệnh bắt giam đối với bà Hương về hành vi giúp bọn tội phạm rửa tiền và yêu cầu bà ra Hà Nội gấp để hợp tác điều tra.

Băng nhóm hack 500 tài khoản facebook, lừa đảo tiền tỷ bị công an TP. Vinh triệt phá.

Băng nhóm hack 500 tài khoản facebook, lừa đảo tiền tỷ bị công an TP. Vinh triệt phá.

Do chúng làm như thật nên sau đó bà Hương lo sợ và nhờ đối tượng giúp đỡ. Chỉ chờ như vậy, đối tượng liền yêu cầu bà chuyển số tiền tiết kiệm để kiểm tra là “tiền sạch” hay “tiền bẩn” và yêu cầu giữ bí mật. Nếu không chuyển tiền và bị lộ bí mật thì đến 17h cùng ngày, công an sẽ đến bắt. Bà Hương đã làm theo lời đối tượng và đến ngân hàng rút tiền trong sổ tiết kiệm chuyển cho đối tượng 150 triệu đồng.

Với thủ đoạn tương tự, bà Nguyễn Thị Thúy Minh ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, bị lừa chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng trên 500 triệu đồng; anh Trương Anh Tuấn ở phường Cát Lái bị lừa 50 triệu đồng; chị Lê Thị Nương ở phường An Phú bị lừa 36 triệu đồng...

Trước đó, Công an TP.Vinh (Nghệ An) cho biết đã triệt phá băng nhóm hack 500 tài khoản facebook, lừa đảo tiền tỷ. Cụ thể, cơ quan công an đã tạm giữ hình sự Nguyễn Hữu Tiến (SN 1995, trú phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cùng 12 đối tượng khác để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo qua mạng. Theo tài liệu điều tra, thủ đoạn của nhóm đối tượng này là hack facebook người dùng, chiếm đoạt mật khẩu rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản đó hỏi mượn tiền. Tiến hành xác minh làm rõ, cơ quan công an xác định có khoảng 500 tài khoản facebook là nạn nhân của nhóm đối tượng. Mỗi vụ lừa đảo các đối tượng chiếm đoạt trung bình từ 50 - 100 triệu đồng, song cũng có nạn nhân bị chiếm đoạt đến 300 triệu đồng, theo đó ổ nhóm này đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của người dân sau thời gian dài hoạt động.

Người dân được mời làm việc thì đến cơ quan công an có địa chỉ rõ ràng

Phân tích các thủ đoạn lừa đảo, Trung tá Khương Sỹ Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận 2, TP. HCM cho biết, điều ma mãnh là các đối tượng giả làm sẵn các tiếng động như còi hụ, rồi thực hiện cuộc đối thoại xét hỏi giữa cán bộ điều tra với người phạm tội... Khi người bị hại nghe điện thoại, chúng mở đoạn âm thanh còi hú và thực hiện cuộc “xét hỏi” của cơ quan điều tra để người gọi điện đến nghe thấy sẽ tin đây là cơ quan điều tra thật và thực hiện theo yêu cầu của chúng.

Về thủ đoạn lừa đảo trúng thưởng, theo cơ quan công an, một số người khi xem hình ảnh đối tượng gửi cứ tưởng lễ trao giải thưởng thật, nhưng đó là hình ghép và khi liên hệ số điện thoại đối tượng cung cấp, người bên kia là đồng bọn nói đã trúng thưởng nên bị hại tin. Như trường hợp của chị Trần Thị D. ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, đã bị một người đàn ông tầm trên 30 tuổi, xưng là nhân viên Công ty Viettel, thông báo chị trúng giải nhất là xe máy SH Mode trị giá 64 triệu. Đây là giải thưởng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty Viettel. Để nhận giải thưởng, chị gửi 2 triệu đồng vào số tài khoản 0116... làm lệ phí mới chuyển xe SH vào tổ chức trao giải tại quận 1, TP. HCM. Ban đầu chị cũng không tin, nhưng ngay lúc đó đối tượng nói lần trước đã có người trúng giải trưởng và cho chị số điện thoại người đã trúng thưởng để chị liên hệ xác minh. Đối tượng còn gửi hình ảnh buổi lễ trao giải thưởng xe máy, ôtô, iPhone... vào zalo cho chị xem. Sau khi xem hình ảnh đối tượng gửi và điện thoại hỏi người đã trúng thưởng, chị Dung liên hệ với số điện thoại ban nãy gọi để đồng ý gửi lệ phí nhận giải thưởng. Nhưng đợi mãi không thấy người đến trao giải thưởng.

Trung tá Khương Sỹ Kiên cảnh báo, trong quá trình sử dụng mạng xã hội, người dân phải cảnh giác không để đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào liên quan đến hành vi lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn kịp thời và bắt giữ đối tượng. Đặc biệt, cơ quan công an không bao giờ làm việc qua điện thoại, nếu có làm việc sẽ gửi giấy mời người có liên quan đến cơ quan công an làm việc. Người dân chú ý, nếu được mời làm việc thì đến cơ quan công an có địa chỉ rõ ràng chứ không làm việc ở bất cứ nơi nào khác.


Ngọc Đỗ - N. Sơn
Ý kiến của bạn