Hà Nội

Liên tiếp các vụ học sinh mang thai: Nhà trường, gia đình không biết là điều bất bình thường

20-02-2023 11:29 | Thời sự
google news

SKĐS - "Phụ nữ mang thai đến khi sinh nở cơ thể thay đổi rất nhiều như: nôn, mặt sưng, buồn ngủ, tăng cân... mà phụ huynh không hề hay biết đó là một điều bất bình thường", TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm.

Vụ 3 nam sinh lớp 8 nghi xâm hại nữ sinh lớp 6: Cần giáo dục giới tính cho con theo lứa tuổiVụ 3 nam sinh lớp 8 nghi xâm hại nữ sinh lớp 6: Cần giáo dục giới tính cho con theo lứa tuổi

SKĐS - Vụ việc 3 nam sinh lớp 8 nghi xâm hại nữ sinh lớp 6 ở Quảng Ngãi khiến dư luận bàng hoàng, phụ huynh lo lắng khi con đến trường học. Chuyên gia tâm lý chỉ cách để con có thể tự nhận thức về việc bảo vệ bản thân, phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn.

Nhiều vụ việc học sinh sinh con gây bức xúc trong dư luận

Thời gian qua, 2 trường hợp học sinh ở Bắc Giang và Phú Thọ sinh con gây xôn xao dư luận. Một trường hợp là học sinh lớp 7 của một trường THCS thuộc huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) đã một mình hạ sinh bé trai nặng 2,7kg trong nhà tắm. Điều đáng nói trong quá trình mang thai, gia đình, nhà trường đều không phát hiện.

Hay trường hợp bé gái ở Phú Thọ sinh con vào cuối năm 2022 khi mới 11 tuổi khiến nhiều người bàng hoàng. Trước đó cũng có nhiều trường hợp mẹ bầu khi mới 15, 16 tuổi đi khám khi thai đã lớn.

Theo BS. Nguyễn Trung Đạo (BV Phụ sản Hà Nội), chuyện học sinh yêu sớm, quan hệ tình dục, thậm chí có thai, sinh con trước tuổi 18 ngày nay không còn hiếm.

BS. Đạo cho biết, hầu hết những "thai phụ tuổi teen" này đến khám khi thai đã lớn, được tư vấn giữ thai. Với những trường hợp thai ít tuần, không ít phụ huynh lựa chọn biện pháp đình chỉ thai nghén.

"Điều khiến các thầy thuốc sản phụ khoa xót xa là không ít trường hợp được đưa đến khám thai vẫn vô tư, thản nhiên trêu đùa với bạn trai trong khi bố mẹ lo đến bạc đầu. Dường như các em chưa thấy sợ hãi, chưa nhận thức được những ảnh hưởng nghiêm trọng của việc quan hệ sớm, bệnh lây qua đường tình dục, phá thai hay mang thai khi tuổi còn nhỏ đến tương lai, sức khỏe, thậm chí việc nghỉ học cũng chưa từng nghĩ đến", BS. Đạo nói.

Học sinh mang thai: Sự quan tâm, trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường ở đâu? - Ảnh 2.

Một giờ học lồng ghép giáo dục giới tính của học sinh Trường Marie Curie (Hà Nội).

Giáo dục giới tính cần là một môn học

Dưới góc độ là một chuyên gia giáo dục - TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: "Phụ nữ mang thai đến khi sinh nở cơ thể thay đổi rất nhiều như: nôn, mặt sưng, buồn ngủ, tăng cân... mà phụ huynh không hề hay biết đó là một điều bất bình thường. Câu hỏi đặt ra là sự quan tâm và trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường ở đâu?".

Theo TS. Vũ Thu Hương, giáo dục giới tính cần là một môn học, là một hành trang để truyền tải tới học sinh, thúc đẩy các em có thái độ hành vi đúng đắn trong việc nâng cao sự hiểu biết về sức khỏe sinh sản, kỹ năng làm chủ bản thân, tôn trọng người khác. "Nhiều phụ huynh chỉ lưu tâm tới điểm số của các con trên lớp, không quan tâm tới tâm sinh lý, tình cảm của con nên đã xảy ra rất nhiều trường hợp đáng tiếc, không thể cứu vãn. Đã đến lúc các bậc phụ huynh và giáo viên nên cởi mở hơn trong việc giáo dục giới tính cho các con".

Còn PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện nay, sự phát triển sinh học của trẻ đã khác so với trước đây. Nhiều trẻ 10 tuổi đã bắt đầu bước vào tuổi dậy thì và các con có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin liên quan đến quan hệ tình dục trên internet. Hơn nữa, nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng con mình còn quá nhỏ, chưa cần giáo dục giới tính, chưa cần nói đến quan hệ tình dục. Bởi vậy, nhiều phụ huynh đã tự tạo ra một khoảng cách vô hình với con cái khiến trẻ thiếu đi một nơi tin cậy nhất để được chia sẻ và giải đáp những thắc mắc về vấn đề đang gặp phải.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cần tăng cường các kiến thức giáo dục giới tính cho trẻ. Cùng với nhà trường, xã hội thì các bậc cha mẹ là những người đầu tiên cần định hướng, trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản… cho con. "Thay vì lảng tránh, phụ huynh nên chủ động dành thời gian để chia sẻ một cách cởi mở về những kinh nghiệm và hiểu biết của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản".

Trường hợp con mang thai ngoài ý muốn thì cha mẹ cần phải làm gì? Theo chuyên gia giáo dục giới tính Bùi Minh Ngọc thuộc Trung tâm Trẻ em và Phát triển, khi con mang thai ngoài ý muốn thì với trẻ chưa đến tuổi trưởng thành (18 tuổi) vẫn cần bảo hộ của cha mẹ hoặc người giám hộ. Điều quan trọng là phát hiện sớm từ ngày đầu dù điều này khó nhận biết với trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần dạy cho trẻ dấu hiệu sớm và biết quan sát thay đổi trên cơ thể.

"Khi xảy ra sự việc, trẻ thông báo với gia đình thì cha mẹ cần phải bình tĩnh, thông suốt để xử lý. Lựa chọn sinh con ra và nuôi con, sinh con ra và cho con nuôi hoặc bỏ thai... tùy vào yếu tố thời điểm, sự bàn bạc của gia đình, tính sẵn có của dịch vụ, mong muốn của cá nhân liên quan để gia đình có hướng xử lý. Cha ông có câu "Con dại cái mang". Con cái có những sai lầm thì cha mẹ phải hỗ trợ con hết sức về thể chất, tinh thần để con vượt qua và hướng tới tương lai lâu dài phía trước", chuyên gia Bùi Minh Ngọc nêu quan điểm.

Giáo dục giới tính trong trường học hiện nay ra sao?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành theo Quyết định số 16/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, giáo dục giới tính được đưa vào trong nội dung chương trình và các yêu cầu cơ bản cần đạt của chương trình và sách giáo khoa môn Khoa học lớp 5. Trải qua nhiều lần hướng dẫn thực hiện chương trình và sách giáo khoa, hướng dẫn giảm tải, hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng, nội dung và yêu cầu cơ bản cần đạt về nội dung Giáo dục giới tính luôn được đặt ra và hướng dẫn cụ thể.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, nội dung giáo dục giới tính được đưa vào Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội từ lớp 1, lớp 2, lớp 3 và Chương trình môn Khoa học lớp 4, lớp 5. Các nội dung liên quan đến giáo dục giới tính như phòng tránh xâm hại,... cũng được đưa vào nội dung của một số môn học khác như Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm từ lớp 1.

Như vậy, nội dung về giáo dục giới tính trong chương trình các môn học học chính thức, bắt buộc trong các lớp ở bậc tiểu học, các nội dung đưa vào bảo đảm phù hợp với phát triển tâm lý lứa tuổi của học sinh.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để đưa nội dung giáo dục giới tính vào trong nội dung Chương trình giáo dục mầm non mới một cách phù hợp với tâm sinh lý trẻ mầm non.

Theo báo cáo mới nhất công bố cuối năm 2022 của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế), giai đoạn 2019-2021, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca phá thai. Số ca mang thai tuổi vị thành niên (15-19 tuổi) chưa có xu hướng giảm trong những năm gần đây, chiếm khoảng 2,5% - 3% tổng số phụ nữ mang thai. Mỗi năm có thêm 3.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên.

Hà Nội yêu cầu thanh tra các cơ sở y tế ngoài công lập lựa chọn giới tính thai nhiHà Nội yêu cầu thanh tra các cơ sở y tế ngoài công lập lựa chọn giới tính thai nhi

SKĐS - Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tăng cường thanh tra các cơ sở y tế ngoài công lập về lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, pháp luật về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.



Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn