Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, trước khi thông qua toàn bộ Luật, các ĐBQH tiến hành biểu quyết thông qua 03 điều về hành vi bạo lực gia đình; góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Tiếp đó, các ĐBQH đã tiến hành biểu quyết toàn bộ dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) bằng hình thức bấm nút điện tử. Kết quả, có 465 ĐBQH có mặt tán thành (chiếm 93,37%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật.
Trước khi các ĐBQH tiến hành biểu quyết thông qua Luật, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tiếp thu ý kiến các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng chuyển quy định tại khoản 1 Điều 31 về Điều 2 giải thích từ ngữ, đồng thời rà soát nội hàm quy định như thể hiện tại khoản 4 Điều 2 dự thảo Luật.
Về nội dung phòng ngừa bạo lực gia đình, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, bỏ điểm a khoản 2 Điều 17 và chỉnh lý Điều 18 như dự thảo Luật.
Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và cơ quan có liên quan, UBTVQH cũng đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật có liên quan và đã thống nhất việc tiếp thu, chỉnh lý Điều 24 theo hướng: quy định rõ căn cứ và trường hợp Trưởng Công an xã yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc; bỏ quy định về thời gian người bị bạo lực gia đình làm việc tại trụ sở Công an xã và quy định về trình tự, thủ tục đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nếu họ không đến như thể hiện tại Điều 24 dự thảo Luật.
Đồng thời, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Chủ tịch UBND cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định, tổ chức việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Đồng thời, khoản 4 và khoản 5 Điều 32 cũng được chỉnh lý tương tự.
Ngoài những nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng toàn bộ dự thảo Luật và chỉnh lý về nội dung và kỹ thuật lập pháp tại 15 điều luật khác.
Để bảo đảm Luật nhanh chóng đi cuộc sống, tăng cường tính khả thi của Luật, đặc biệt là nội dung mới trong các quy định về cấm tiếp xúc, góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, thực hiện công vụ phục vụ cộng đồng… UBTVQH đề nghị Chính phủ: chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, gia đình, cơ quan, tổ chức hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật...
Một trong những điểm mới so với Luật ban hành năm 2007 là sửa đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong đó, các hành vi bạo lực gia đình gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý…
Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Tiết lộ hoặc phát tán thông tin thuộc đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực; Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp; Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi.
Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình; Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 14/11: Lạnh Sống Lưng Lời Khai Nghi Phạm Sát Hại Hàng Xóm Vì Cành Nhãn Đập Vào Hiên Nhà | SKĐS.