Đứng ngồi không yên đợi công bố thi 3 môn hay 4 môn
Theo quyết định hiện hành của UBND TP. Hà Nội, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ có 4 môn thi, gồm 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ 4 công bố vào tháng 3 hàng năm. Việc thi 4 môn được triển khai từ năm 2019, sau hàng chục năm chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn. Năm 2020 và 2022, TP. Hà Nội đã bỏ môn thứ 4 do dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Trong khi nhiều tỉnh thành đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023 thì tại Hà Nội, học sinh, phụ huynh vẫn đang lo lắng và sốt ruột đợi chờ Sở GD&ĐT thông báo quyết định có thi môn thứ 4 vào lớp 10 hay không.
Có con chuẩn bị thi vào lớp 10, những ngày này, chị Đỗ An Nhiên (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn trong tâm thế thấp thỏm chờ đợi thông báo chính thức từ Sở GD&ĐT Hà Nội về môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay.
"Tôi không thể hiểu được tại sao nếu có môn thứ 4 thì Sở GD&ĐT TP. Hà Nội không chốt luôn từ đầu năm học để các con sớm tập trung vào ôn luyện hoặc quyết hẳn môn thứ 4 cố định đi mà năm nào cũng bắt học sinh, phụ huynh và dĩ nhiên cả giáo viên phải mệt mỏi đợi chờ. Theo tôi, điều quan trọng là chất lượng dạy và học của cả quá trình, còn thi cử kiểu này vẫn là sự đối phó, chỉ học sinh là khổ.
Các con học sinh bớt được một môn thi là bớt nhiều áp lực trong bối cảnh các con đã phải chịu quá nhiều vất vả trong mấy năm học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Mong lãnh đạo thành phố Hà Nội thấu hiểu, chia sẻ với những vất vả của các con học sinh và những lo lắng của phụ huynh", chị An Nhiên nêu ý kiến.
Cũng có con năm nay chuẩn bị thi vào lớp 10, anh Phạm Đức Hùng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, năm nào thi vào 10 ở Hà Nội cũng căng thẳng gây áp lực cho các con và gia đình. "Ra Tết, tôi cũng có chung tâm trạng với các bậc phụ huynh có con học lớp 9, cũng đứng ngồi không yên. Tôi mong Sở GD&ĐT Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 bởi lứa các con sinh năm 2008 này rất thiệt thòi khi toàn bộ khối kiến thức của 3 năm lớp 6-7-8 các con đều phải học online. Chưa kể, tâm sinh lý của các con cũng bị ảnh hưởng khi phải ở nhà học trực tuyến trong thời gian dài".
Đồng quan điểm, chị Trần Mai Khanh (ở Cầu Giấy) ý kiến: "Để dành được tấm vé vào lớp 10 trường công lập, con tôi quay cuồng với lịch học thêm Toán - Văn - Anh dày đặc kín tuần, cháu luôn trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng. Từ giữa học kỳ 1 tới nay, ngày nào 6h30 cháu ra khỏi nhà, 21h30 mới về đến nhà rồi ăn vội vàng và lại ngồi học đến 1, 2 giờ sáng. Thứ bảy, chủ nhật đều không có khái niệm ngày nghỉ.
Các cháu học sinh cuối cấp như con tôi đã rất áp lực rồi, ngành giáo dục Thủ đô có nhất thiết phải ép các cháu còng lưng, mờ mắt để ôn luyện môn thi thứ 4 trong thời gian ngắn nữa hay không? Tôi thực sự rất lo cho sức khỏe của con mình".
Chị Khanh cũng cho biết thêm, ngoài thời gian đi làm thì chị cũng chóng mặt về việc phải đưa con đến lớp học thêm xong lại tranh thủ quay về nhà nấu cơm và canh giờ để đi đón con. Nhiều lúc chị cảm thấy kiệt sức nhưng vẫn phải cố. Có lẽ chỉ những ai có con thi vào 10 mới thấu hiểu được những nỗi khổ trên".
Là một phụ huynh có con thứ hai năm nay cũng vào lớp 10, chị Nguyễn Hồng Vân (Hà Đông) cho biết, tuổi của các con là tuổi được đi học, được rèn luyện trong môi trường giáo dục mà lại bắt các con chọn lựa học tiếp hay học nghề, học trường công hay trường tư. "Thật sự, qua việc thi cử chọn trường này tôi thấy đây như một cuộc chiến căng não, cả học sinh và gia đình đang bị dồn rất nhiều áp lực. Hiện đã có nhiều tỉnh thành chỉ tổ chức 3 bài thi vào lớp 10 gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ nhằm giảm tải áp lực cho các cơ sở giáo dục, phụ huynh, học sinh. Vậy tại sao Hà Nội không học tập? Mong lãnh đạo TP. Hà Nội có những quyết sách về giáo dục để giảm tải cho các bậc học".
Chia sẻ với PV, em Nguyễn Chí Hiếu (học sinh lớp 9 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết em rất lo lắng cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. Hiếu bày tỏ: Với môn thứ 4 em lo lắng hơn bởi thời gian từ khi công bố đến khi diễn ra kỳ thi không nhiều, phạm vi đề thi có thể bao trùm kiến thức cả năm lớp 9. Trong khi đó, dịch COVID-19 kéo dài, việc học liên tục bị gián đoạn suốt ba năm qua, nếu phải thi thêm môn thi thứ 4 vào lớp 10 sẽ vất vả cho em và các bạn. Em mong rằng năm nay chúng em cũng được như các anh chị năm ngoái là được bỏ môn thi 4 để giảm áp lực học tập và thi cử".
Việc thi môn thứ 4 có cần thiết?
Nói về lý do vì sao công bố môn thi thứ 4 vào tháng 3, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, nếu công bố sớm, học sinh sẽ không học các môn không thi, dẫn đến không đảm bảo chất lượng dạy và học.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, một đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình kế hoạch tuyển sinh lớp 10 đến UBND thành phố, dự kiến sẽ sớm được phê duyệt trong tuần tới để phụ huynh, học sinh và các trường nắm bắt. Về môn thi thứ 4, Sở GD&ĐT Hà Nội hiện vẫn chưa quyết định thi môn gì bởi còn phải bốc thăm. Sở sẽ công bố ngay khi có thông tin.
"Cá nhân tôi ủng hộ quyết định bỏ thi môn thứ 4" - đó là chia sẻ của anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả 2 cuốn sách Cùng con vượt qua các kỳ thi; Tư vấn kỳ thi vào 10.
Anh Phúc cho biết, trong vài năm lại đây, đến hẹn lại lên Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố môn thi thứ 4 vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các phụ huynh có con thi vào lớp 10 đều phản đối. Môn thi được công bố muộn không những gây áp lực cho phụ huynh và học sinh, nó còn nở rộ thị trường ăn theo khi tràn lan sách tham khảo, còn hiệu quả thật sự để đánh giá năng lực của các con không phụ thuộc vào môn đó, nếu không muốn nói là sự lãng phí từ việc tổ chức thi thêm một môn.
Theo anh Phúc, thời điểm Sở GD&ĐT Hà Nội công bố môn thứ 4, hầu hết thí sinh đều tranh thủ nhồi nhét kiến thức, nhưng điểm môn thi không phản ánh đúng kết quả 9 năm học tập. Trong khi các địa phương công bố các môn thi sớm, thiết nghĩ, Sở GD&ĐT Hà Nội nên quyết định xem môn thi thứ 4 còn phù hợp không, đặc biệt khi toàn quốc áp dụng chương trình GDPT mới.
Vậy việc thi môn thứ 4 có cần thiết không? Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội: "Việc thi môn thứ 4 theo cách trên là không cần thiết vì kể từ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới, bước sang giai đoạn "giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Theo tôi, không đáng lo giáo viên dạy lệch, học sinh học lệch để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như trên. TP.HCM nhiều năm nay chỉ thi 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Họ không chống dạy lệch, học lệch bằng cách như Hà Nội. Tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm vẫn đảm bảo chất lượng".