Đêm cuối năm, những cơn mưa phùn báo xuân ánh ướt khiến không gian như sánh đặc giá băng và hơi nước. Ánh đèn đường dường như cũng trở nên vàng vọt hơn trong màn mưa và sự vắng lặng. Quấn mình trong hai lần áo phao giữ nhiệt, tôi ngồi thu lu bên mái hiên một ngôi nhà mặt đường Lê Duẩn trò chuyện cùng anh Phạm Quốc Việt - người sáng lập, đội trưởng Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel. Răng đánh cầm cập và hơi thở tỏa khói trắng khiến tôi nói như hụt hơi, còn anh Việt vẫn cười nói sôi nổi. Vóc người rắn chắc và nụ cười rất hiền khiến khuôn mặt bừng sáng dưới đèn khuya. Anh bảo, anh đã có hàng trăm ngày thức thâu đêm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế này nên cũng đã quen.

Lặng lẽ dưới ánh đèn đường- Ảnh 1.

Nhìn ra màn mưa, Phạm Quốc Việt nói: "Ngay lúc này, gần 100 thành viên trong đội của tôi cũng đang túc trực ở các nẻo đường thường hay xảy ra tai nạn như Vành đai 2, Vành đai 3, Cầu Giấy, Đại Cồ Việt, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Hoàn Cầu… sẵn sàng ứng cứu người gặp tai nạn. Các thành viên chia ca trực, khoảng 4 người mỗi đêm, được tôi quản lý, điều phối bằng một phần mềm trên điện thoại. Cứ 21 giờ 30 phút, mọi người lại gặp mặt tại 42 Nguyễn Xiển để họp trước khi toả đi các tuyến đường. Nếu có sự cố, toàn đội sẽ liên lạc qua nhóm chat chung để kịp thời báo tin và hỗ trợ ứng cứu nạn nhân. Đồng thời nhóm chuyên trách sẽ cung cấp hình ảnh, thông tin cho công an và người nhà nạn nhân để xử lý các bước tiếp theo. Chỉ mong từ nay tới Tết anh em tôi thất nghiệp, mọi nẻo đường đều yên bình để không gia đình nào mất Tết".

Và cứ thế, câu chuyện ấm áp tình người, nhiệt huyết về trách nhiệm trước mạng sống của đồng bào giữa chúng tôi đã khiến giá lạnh tan biến từ lúc nào. Nhưng dù thời gian trò chuyện có dài bao lâu, dù khả năng viết lách của tôi có cao đến mức nào…, thì con số hơn 15.000 vụ tại nạn giao thông được anh Việt cùng các thành viên trong đội đã hỗ trợ kịp thời kể từ năm 2016 đến nay vẫn không thể có thước phim, bài viết nào có thể chuyển tải hết những hi sinh, vất vả, áp lực và đong đếm được hết ân tình mà những con người bình dị này đã dành cho cuộc đời. 

Tuy là một nhóm tình nguyện tự phát, anh Việt đã bàn bạc với các đội viên của mình xác định rõ tôn chỉ hoạt động của đội là "Không bỏ rơi" - "Không thu phí" - "Không tranh cãi" - "Không phân biệt" - "Không kết án". Theo đó, "Không bỏ rơi" là tôn chỉ tiên quyết của các thành viên, tuyệt đối không bỏ rơi nạn nhân khi gặp hay được điều phối cứu nạn và "Không phân biệt" là không phân biệt nạn nhân hay người gây tai nạn, giàu nghèo, tôn giáo và người ngoại quốc hay nguyên nhân bị thương mà chỉ có một ưu tiên duy nhất "Ai bị thương nặng hơn sẽ được ưu tiên".

Để đạt được sự đồng thuận tuyệt đối trong hàng chục đội viên, mà hầu hết trong số họ còn mang gánh nặng mưu sinh là điều không hề đơn giản, nếu như bản thân người đội trưởng không gương mẫu và nghiêm túc thực hiện. Cùng nhìn lại quá trình thành Đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel, mới thấy hết được những nỗ lực mà người đội trưởng bản lĩnh này đã trải qua. 

Sinh ra và lớn lên tại Nam Định, Phạm Quốc Việt có ông nội, các cô chú đều công tác trong ngành y nên anh rất hiểu những hệ lụy nghiêm trọng nếu người gặp tai nạn giao thông không được cứu nạn, hỗ trợ cấp cứu kịp thời. Hơn nữa, bản thân anh sau lần bị tai nạn giao thông tại Tuyên Quang không được ai hỗ trợ, nằm chơ vơ mãi đến khi có lực lượng chức năng đến nên anh thấu hiệu cảm giác lo sợ, cô đơn và tuyệt vọng cùng cực của người gặp nạn. Vậy là bằng vốn kiến thức sơ cứu đơn giản được huấn luyện trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, Phạm Quốc Việt quyết định khởi đầu hành trình cứu nạn của mình và đồng đội.

Lặng lẽ dưới ánh đèn đường- Ảnh 2.

Toàn đội tập trung trước lúc lên đường làm công tác ứng trực, tuần tra cứu nạn.

Không phải là không từng có những đắn đo về việc "vác tù và hàng tổng", nhất là sau khi xuất ngũ, công việc chưa ổn định, phải thuê trọ và hàng ngày bấn bíu với những chuyến xe dịch vụ để kiếm sống. Trong thời gian làm việc, nếu nhận được tin có nạn nhân cần hỗ trợ là Phạm Quốc Việt lập tức lên đường làm việc thiện. Từ trải nghiệm của bản thân, anh quyết định đứng ra kêu gọi thêm nhiều người khác là tài xế xe ôm công nghệ thành lập nên nền móng đầu tiên của Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel, gồm 5 người vào tháng 9 năm 2019 đều là các bác tài xe ôm công nghệ. 

Các thành viên ban đầu đã được Tổ chức Kĩ năng sinh tồn Việt Nam đào tạo sơ cấp cứu ban đầu và chính thức tổ chức trực chốt và đi tuần hỗ trợ sơ cứu vào ban đêm và ban ngày lại trở về với công việc đời thường. Ngay trong năm đầu tiên thành lập, đội đã hỗ trợ tổng cộng gần 4000 vụ, trong đó có ngày cao điểm nhất là: 32 nạn nhân. Trung bình một ngày tiếp nhận và hỗ trợ 10-15 vụ với số nạn nhân khoảng 26 người được hỗ trợ, sơ cứu.

Những năm tiếp theo, số lượng đội viên phát triển nhiều thêm, họ bàn nhau phân công thiết lập các điểm trực tại điểm đen tai nạn trên thành phố Hà Nội như  Nguyễn Xiển - Ngã Tư Sở - Kim Liên - Ngã Tư KangNam - Long Biên - Cầu Diễn - Yên  Phụ… Với nhiều nghề nghiệp khác nhau như shipper, xe ôm công nghệ, sinh viên, y tá, nhân viên khách sạn, nhân viên kỹ thuật, nhân viên IT… ở nhiều lứa tuổi, hoạt động của những "thiên thần đường phố" này thực sự đã mang lại cơ hội sống, cơ hội được cấp cứu chữa trị kịp thời cho hàng ngàn người mỗi năm. 

Đa phần là các vụ va chạm nhẹ, với thương tích là xây xát ngoài da, còn lại có khoảng 800 đến 1000 ca gãy xương hoặc bị thương nặng cần vận chuyển bằng xe sơ cứu chuyên dụng. Có nhiều ca tử vong sau khi được khám nghiệm, đội đã hỗ trợ chuyển về nhà xác hoặc chuyển về với gia đình. Đối với các trường hợp nạn nhân đã có dấu hiệu tử vong, nếu đội đến hiện trường, đội vẫn cố gắng hỗ trợ duy trì sự sống trong khả năng và điều phối xe ô tô hỗ trợ sơ cứu đến đưa đi viện ngay lập tức. Nếu nạn nhân tử vong, đội sẽ hỗ trợ bảo vệ hiện trường.

Và từ đội xe mô tô, tháng 2 năm 2022, Phạm Quốc Việt từ nhiều nguồn hỗ trợ đã mạnh dạn mua chiếc xe ô tô đầu tiên và cải hoán thành xe cứu hộ mang tên 01 – Life (01 - Cuộc Sống ), rồi chiếc xe thứ 2 mang tên 02 – Trust ( 02 - Niềm Tin ) và Tháng 6 năm 2022 chiếc xe 03 – Hope ( 03 - Hope ) được tập đoàn T&T cùng ngân hàng SHB trao tặng được đưa vào hoạt động. Các xe đều thực hiện Hỗ trợ sơ cứu khẩn cấp tại hiện trường – vận chuyển nạn nhân tiếp cận bệnh viện gần nhất và hỗ trợ nạn nhân tử nạn về với gia đình miễn phí dù ở tỉnh xa. 

Hiểu và ủng hộ việc làm của con trai, bố của Phạm Quốc Việt là ông Phạm Kiên Cường đã đầu tư một cửa hàng sửa chữa xe máy và phục hồi xe tai nạn mang tên TRẠM CỨU HỘ 01 tại phố Vũ Tông Phan để làm mô hình thí điểm tái tạo nguồn thu cho tổng quỹ. Nơi đây trở thành trụ sở sinh hoạt và kho chứa vật dụng tiêu hao và các trang thiết bị chuyên dùng của đội. Và cứ thế, ông chủ Trạm cứu hộ lại miệt mài hành trình xuyên đêm cứu hộ tai nạn giao thông và ban ngày lại trở về với ốc vít, dầu mỡ để kiếm sống. Thu nhập từ cửa hàng của anh cũng dành một phần để mua sắm vật tư y tế và duy trì quỹ đội. Các đội viên khác cũng dành dụm chi tiêu của mình để đóng góp ít nhiều vào quỹ để mua vật tư y tế hỗ trợ công việc.


Lặng lẽ dưới ánh đèn đường- Ảnh 3.

"Tôi luôn cho rằng, thiên thần có 2 sứ mệnh một là có thể chăm sóc giúp đỡ cho những người không may gặp nạn giúp đỡ họ cách cần thiết khi họ thật sự cần, chăm sóc cho họ,tôn trọng họ, và yêu thương người bị nạn như người thân của mình, lắng nghe thật sâu nỗi đau của con người và đưa họ đến sự an yên và niềm tin tưởng khi họ được giúp đỡ. Sứ mệnh thứ 2 là ở bên những người không qua khỏi, động viên họ không để họ một mình lúc rời xa, lắng nghe nguyện vọng cuối cùng của họ nếu có thể, và giúp họ chăm chút cẩn thận thân xác còn lại để người thân của họ sớm có thể đến mà đưa họ về", Phạm Quốc Việt tâm sự.

Câu chuyện bị cắt ngang khi điện thoại của Việt dồn dập báo tin nhắn, anh lập tức gọi điện thoại để điều phối các tổ tuần tra đang ở gần khu vực xảy ra tai nạn đến tiếp ứng cho đội trực tại chỗ. Anh cũng không quên dặn phải chú ý an toàn và nếu không có nhân chứng thì phải quay, chụp lưu giữ bằng chứng để tránh bị hàm oan. 

Sau khi điều phối đâu đấy, quay lại nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi, Việt nhún vai bảo, chuyện bị hàm oan, bị hiểu lầm trong quá trình cứu người thường xảy ra nên mọi thành viên của đội cũng đã rèn cho mình kỹ năng ứng phó và coi đây là mối nguy hiểm thứ hai khi tiếp cận hiện trường. Mỗi năm không dưới 100 lần bản thân anh và các thành viên của đội bị người nhà hay người va chạm với nạn nhân hành hung và sỉ nhục. Vì thế, không phải ai cũng bước qua được áp lực tâm lý này, trong ba năm qua, đã có 50 người đã rời đội do không chịu nổi sự đe dọa, chửi bới và tấn công của người nhà nạn nhân.

Rồi anh kể lại vụ việc mới đây nhất tại đại lộ Thăng Long mà anh trực tiếp đến cứu nạn. Có hai chú cháu nọ bị tai nạn trong tình trạng bị say rượu, người chú ngồi phía sau bị thương rất nặng ở khu vực vùng mắt khiến mắt của nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng. Anh tiếp cận và nói với người cháu: "Tôi là người sơ cứu thuộc đội hỗ trợ sơ cứu hãy để cho tôi sơ cứu cho bạn và chú của bạn". Thế nhưng vì không tỉnh táo, người cháu đã buông lời rất tục tĩu và hùng hổ đòi tấn công giữa lúc anh Việt đang sơ cứu vết thương cho người chú. Anh ta còn gọi điện cho đám bạn nhậu báo rằng mình đã bị tai nạn và đang bị quây đánh cần người đến tiếp ứng, mặc cho người ở hiện trường khuyên can. Chỉ dăm phút sau, một tốp thanh niên nồng nặc hơi men rà xe chạy tới, tưởng người dân đang can ngăn người cháu là đối tượng cần tấn công nên đã lao vào đánh. Có người thấy anh đang lúi húi băng bó cho nạn nhân cũng đâm bổ lại và vung nắm đấm. Rất may anh ta nhận ra chiếc áo Việt đang mặc là đồng phục của Đội sơ cứu nên kịp thời thu tay lại.

"Song điều đó không làm chúng tôi buồn, chúng tôi chỉ buồn khi không thể giữ được sinh mạng của con người dù đã nỗ lực hết sức. Tôi nhớ mãi vụ cháy tại đường Phạm Ngọc Thạch 1 năm về trước. Khi chúng tôi tiếp cận cùng lực lượng phòng cháy chữa cháy và được biết bên trong có người đang gặp nạn, tôi đã điều động toàn bộ nhân lực của khu vực chốt trực gần nhất tiếp cận hiện trường và đứng ngoài để sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu những nạn nhân sẽ được chuyển ra. Nhưng rất tiếc vụ cháy đó năm người đã không qua khỏi. Nhìn những thi thể nạn nhân được chuyển ra mà chúng tôi đứng như chết lặng chẳng biết làm gì hơn nữa đành phải đưa họ lên xe về nhà xác bệnh viện Đống Đa để chờ cơ quan chức năng làm thủ tục điều tra. Song chúng tôi phải chứng kiến nhiều nhất là phút lâm chung của những nạn nhân tai nạn giao thông, mà 70% số vụ việc có liên quan đến bia rượu. Trong giờ khắc cuối cùng trên dương thế của nạn nhân, tôi và các anh em trong đội sẽ ghé vào tai nạn nhân và nói: "Bạn hãy bình an mà ra đi, tôi sẽ liên hệ với người nhà của bạn, sẽ đón bạn về sớm thôi, hãy bình an nhé, tôi vẫn sẽ ở đây cùng bạn, cho đến khi bạn được người thân đón về, còn bây giờ, hãy coi tôi như người thân của bạn, giống như tôi đã coi bạn như người thân của mình để giúp đỡ" – Phạm Quốc Việt buồn buồn thuật lại.

Đồng hồ chỉ 1h30 sáng, mưa đã ngớt, cũng đã đến giờ "thu quân" của cả đội. Tôi cùng Việt lên xe trở về Trạm cứu hộ của anh. Tới nơi đã thấy có nhiều bạn trẻ xuýt xoa bên chén trà nóng, mí mắt ướt sương và má, mũi đỏ hồng trong giá lạnh. Họ đều còn rất trẻ, nên mang màu sắc đặc trưng của gen Y, gen Z, tràn đầy tinh thần lạc quan và nhiều ý tưởng sáng tạo. Họ kể cho tôi nghe nhiều vụ việc khiến tôi hiểu rằng họ không chỉ giàu lòng thương người mà còn thực sự táo bạo và quyết đoán. Bởi việc cứu giúp nạn nhân tai nạn giao thông không đơn thuần là việc đi ngoài đường, thấy có người bị thương thì dừng lại giúp mà đó thực sự là những phút giây cân não tìm cách sơ cứu để giành lại mạng sống cho con người. Thậm chí là phải vượt qua sự e ngại, hồ nghi của nạn nhân và mọi người xung quanh như "xe ôm mà cũng đòi sơ cứu", "khéo lại người lành thành người què"…, kiên trì thuyết phục để không bỏ qua giai đoạn vàng của quá trình sơ cứu.

Một vụ việc mà đối với mọi thành viên của đội thực sự vô cùng ám ảnh như vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây ở đường Láng. Xe ô tô mất lái và đâm vào cây xăng trong đó có rất là nhiều người đang đổ xăng khiến hiện trưởng hết sức hỗn độn và thảm khốc. Đội đã có mặt kịp thời để cùng cùng lực lượng cấp cứu lần lượt đưa những nạn nhân từ nặng cho đến nhẹ đi cấp cứu. Bạn Nguyễn Thị Mai, sinh năm 2002, quê ở Nghệ An chia sẻ: "Khi đó em rất cuống, anh Việt đã động viên cả nhóm trấn tĩnh lại và vừa cấp cứu, anh vừa hướng dẫn chúng em quan sát một cách kỹ lưỡng để có thể phân loại những nạn nhân nặng nhẹ khác nhau. Sau đó bình tĩnh sơ cứu cho từng người một hoặc hướng dẫn cho người khác ở hiện trường sơ cứu cho những nạn nhân. Giờ thì tất cả chúng em đều đã có thể tự lực để phối hợp hiệu quả trong việc sơ cứu hiện trường có nhiều nạn nhân". Mai trở thành tình nguyện viên của đội một cách tình cờ khi trong lần chứng kiến anh Việt cùng các đội viên sơ cứu cho người bạn của mình, Mai đã bị thuyết phục bởi sự nhiệt tình và tận tâm của những "thiên thần" giao thông và quyết tâm trở thành một phần của đội.

Còn bạn Đỗ Tiến Dũng, sinh năm 1991, một trong năm thành viên đầu tiên của đội cũng cho biết: "Như nhiều thành viên khác, tôi cũng có những khó khăn trong cuộc sống, nhiều anh chị em vẫn còn đi ở trọ và tài sản chẳng có gì đáng giá. Song mỗi ngày đồng hành cùng đội để cứu giúp những người bị nạn, tôi càng thêm trân trọng những giá trị của cuộc sống, rằng không có món quà nào trao gửi đến người khác có ý nghĩa hơn là sự hy vọng. Anh Việt đã thực sự cho thấy vai trò của leader, không chỉ làm gương bằng sự nhiệt thành, xông pha của bản thân mà còn tạo nên một team năng động, đoàn kết và yêu thương, đùm bọc lẫn nhau".


Lặng lẽ dưới ánh đèn đường- Ảnh 4.

Lặng lẽ dưới ánh đèn đường- Ảnh 5.

Đội Hỗ trợ sơ cứu Fas Angel thực hiện sơ cứu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông tại các khu vực nội thành Hà Nội

Chúng tôi chỉ đơn giản làm vì sự yêu thương con người với con người. Trong thời gian tới nếu có điều kiện hơn tôi sẽ mở song song một số trạm cứu hộ và mở thêm những điểm trực phủ rộng khắp Hà Nội, mở rộng các hoạt động chia sẻ, lan tỏa kiến thức sơ cấp cứu đến mọi người, mọi nhà. Và nhất là sẽ nỗ lực không ngừng để các bạn tình nguyện viên có thể duy trì được "ngọn lửa" nhiệt huyết trong mình, luôn sẵn sàng giúp đỡ một ai đó khi họ cần. Khi hoàn tất mục tiêu ở Hà Nội tôi sẽ tiến hành tiếp tục xây dựng đội hỗ trợ sơ cứu tại các tỉnh thành khác."

Lặng lẽ dưới ánh đèn đường- Ảnh 6.

Anh Phạm Quốc Việt nhận giải thưởng Sáng kiến vì cộng đồng do Tạp chí Cộng sản Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức.

Lặng lẽ dưới ánh đèn đường- Ảnh 7.

Anh Phạm Quốc Việt nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia xuất sắc năm 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng

Và, khi chuẩn bị ảnh cho bài viết này, thật khó để tìm được những bức ảnh đẹp bởi giữa cái lạnh cắt da thịt và dưới ánh đèn đường mờ tỏ trong sương đêm, khuôn mặt của những "thiên thần áo xanh" ấy sẽ không thật rạng rỡ. Quá trình tác nghiệp của họ rất nhanh giữa bối rối, đông đảo của những người dân bên đường nên góc máy khuất mặt hoặc bị nhòe mờ… Nhưng có sao nhỉ, họ làm việc thiện đâu phải để tôn vinh, ca ngợi nhưng cộng đồng đã thấy được vẻ đẹp cao quý từ sự bình dị, đời thường của họ. Họ đẹp nhất, tỏa sáng nhất trong chính những khoảnh khắc tập trung mọi giác quan, mọi kỹ năng để cứu người.

Đội trưởng FAS Angel được Chủ tịch nước tặng huân chương Dũng cảm

Đội trưởng Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel Phạm Quốc Việt vừa được Chủ tịch nước tặng huân chương Dũng cảm vì cứu người trong vụ cháy chung cư mini Khương Hạ.

Quyết định tặng huân chương Dũng cảm cho anh Việt được Chủ tịch nước ký ngày 26/12/2023.

Trước đó, ngày 13/9/2023, anh Phạm Quốc Việt cùng đội viên FAS Angel tham gia cứu thành công 12 người trong vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.



Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn