Hà Nội

'Cảm giác cứu sống được một người bệnh là niềm hạnh phúc khó có thể diễn tả bằng lời'

03-03-2023 08:48 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Khi chứng kiến những khuôn mặt nhăn nhó, những tiếng kêu yếu ớt vì bệnh tật, bác sĩ dù có có mệt mỏi đến thế nào thì cũng vẫn phải đứng lên và chạy thật nhanh để "chiến đấu", có như vậy thì mới xứng đáng với niềm tin của người bệnh đặt lên vai mình…

Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, BS. Giàng A Lu (Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải) trải lòng: "Năm 1999, khi đang theo học lớp 11 tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái thì bố tôi bị bệnh nặng. Mặc dù đã được các thầy thuốc nhiệt tình cứu chữa nhưng do bệnh tình quá nặng, nên những ngày cuối đời bố tôi được gia đình đưa về nhà tại bản Chế Tạo, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Tôi không thể nào quên kỳ nghỉ hè năm đó, khi người bố thân yêu đã ra đi trong vòng tay của tôi, lúc đó tôi chỉ biết nhìn mà không giúp gì được cho bố… Sau ngày hôm đó tôi đã quyết định bằng giá nào mình cũng phải đi theo ngành y."

Những kỷ niệm, nỗi nhớ bố khiến chàng trai 17 tuổi khi đó càng quyết tâm hơn. Đúng như kỳ vọng, Giàng A Lu đã thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên (nay là Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên). Nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn, không có đủ tài chính để ăn học, Giàng A Lu phải vừa học vừa đi làm thêm tại quán cơm, khi bưng bê, lúc lại rửa bát…. 

Để vừa có tiền trang trải cho cuộc sống lại không bị ảnh hưởng đến kết quả học tập, giáo trình cũng luôn kề bên anh trong những lúc làm việc. Cứ như vậy, 7 năm của quãng đời sinh viên vô cùng khó khăn rồi cũng qua đi.

Những trăn trở thành nỗi buồn không tên của bác sĩ người dân tộc H'Mông - Ảnh 1.

Bác sĩ Giàng A Lu khám bệnh cho các em học sinh. Ảnh: NVCC.

Năm 2007, Giàng A Lu tốt nghiệp Bác sỹ Đa khoa, Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên. Ngay sau khi tốt nghiệp, anh may mắn được nhận vào công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải. Đến năm 2008, lại được Ban giám đốc cử đi học gây mê hồi sức tại Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, khi trở về anh vinh dự được trực tiếp có mặt trong các ca mổ tại Trung tâm.

BS. Giàng A Lu kể: "Với mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành Y, năm 2012 tôi đã đi thi sau Đại học tại Trường Đại học Y Hà Nội. Sau những nỗ lực, tôi đỗ Chuyên khoa I chuyên ngành Ngoại khoa. Sau 2 năm, tốt nghiệp và trở về đơn vị công tác, tôi đã được trực tiếp mổ cấp cứu cùng các thầy và đồng nghiệp, cứu sống được nhiều người bệnh tại huyện vùng cao Mù Cang Chải".

Cái cảm giác khi cứu sống được một người bệnh là niềm hạnh phúc khó có thể diễn tả bằng lời. Đó cũng chính là động lực để bản thân tôi luôn thôi thúc, cần phải phấn đấu để có thể cống hiến nhiều hơn...

BS. Giàng A Lu tâm sự:

Tháng 8/2020, BS. Giàng A Lu được Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cử đi học nghiệp vụ giám định pháp Y khóa XXX do Viện pháp Y Quốc gia tổ chức. Sau khi nhận chứng chỉ, BS. Lu đã cùng thầy của mình là BS. Cứ A Hồng - giám định viên, đồng hành cùng các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, đi giám định pháp y tử thi, giám định pháp y tình dục… trả lại sự công bằng cho người đã khuất cũng như người bị hại, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Những trăn trở thành nỗi buồn không tên của bác sĩ người dân tộc H'Mông - Ảnh 2.

Bác sĩ Giàng A Lu cùng các cộng sự trong ca mổ. Ảnh: NVCC.

Những trăn trở thành nỗi buồn không tên…

Trải qua 16 năm làm công tác trong ngành Y, BS. Giàng A Lu vẫn luôn có những trăn trở không nói thành lời. Nhìn cơ sở vật chất của Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải còn chật hẹp, không đủ buồng phòng để triển khai các hoạt động khám chữa bệnh; Trang thiết bị như hệ thống mổ nội soi, máy thở, máy nội soi dạ dày, máy chụp Xquang kỹ thuật số, máy chụp cắt lớp vi tính (CTscaner)… chưa được đầu tư nên khối điều trị gặp không ít khó khăn, BS. Giàng A Lu khi đó lại rơi vào một nỗi buồn không tên… Được nhìn thấy Trung tâm Y tế huyện Mù Càng Chải với một diện mạo mới, đủ lớn, đủ mạnh là điều mà BS. Lu vẫn hằng mơ ước.

Ông Cứ A Hồng - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mù Cang Chải, cho biết, BS. Giàng A Lu là cán bộ có đời sống hơi trầm tư, nhưng lại rất sôi nổi với công việc. Đặc biệt, vì có lợi thế là người dân tộc Mông nên thuận lợi nhiều trong giao tiếp với người bệnh.

"BS. Giàng A Lu đã giải quyết được nhiều ca bệnh cấp cứu, mang lại sự sống, góp phần giảm thiểu số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Hiện BS. Lu đang tham mưu cho Trung tâm trong công tác xây dựng kế hoạch, tham gia chỉ đạo tuyến, trực tiếp tham gia công tác cấp cứu cho bệnh nhân. Sau 10 năm phấn đấu, BS. Giàng A Lu cũng đã được tặng 3 Bằng khen và nhiều giấy khen khác của huyện Mù Cang Chải và tỉnh Yên Bái", Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mù Cang Chải cho hay.

Là một bác sĩ, thấu hiểu công việc của những người làm trong ngành Y dù rất vất vả, khó khăn và nhiều thử thách nhưng BS. Giàng A Lu cho rằng, đó không là gì so với những nỗi đau đớn của người bệnh. Vì khi chứng kiến những khuôn mặt nhăn nhó, những tiếng kêu yếu ớt vì bệnh tật, bác sĩ dù có có mệt mỏi đến thế nào thì cũng vẫn phải đứng lên và chạy thật nhanh để "chiến đấu", có như vậy thì mới xứng đáng với niềm tin của người bệnh đặt lên vai mình…

>>> Xem thêm: Ngành y tế Việt Nam vượt khó sau Đại dịch COVID-19

Mời bạn đọc xem tiếp video: Bác sĩ chỉ rõ những dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo "sức khỏe" của lá gan:

Các Dấu Hiệu Và Triệu Chứng Cảnh Báo -Sức Khỏe- Lá Gan - SKĐS



Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn