Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, học sinh các tỉnh thành sẽ tựu trường sớm nhất trước 2 tuần và ngày 5/9 sẽ chính thức khai giảng bước vào năm học mới 2023-2024. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trường đã sẵn sàng cho ngày tựu trường.
Cũng giống như các năm học trước, năm học này, nhiều phụ huynh đã và sẵn sàng đón nhận những bức xúc với những khoản thu "không đóng thì ngại, mà đóng thì ấm ức".
Một phụ huynh tên Đ.A.N ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ về chuyện mấy ngày trước, phụ huynh lớp con chị phải họp để đóng góp tiền mua điều hòa, máy chiếu, quạt trần, bóng đèn; sơn sửa lại phòng học, sơn lại song sắt cửa sổ và vệ sinh công nghiệp toàn lớp học.
"Mặc dù khóa trước ra trường vẫn để lại tất cả những thiết bị đó nhưng sau khi phụ huynh khảo sát thực tế thì điều hòa không mát, máy chiếu mờ, quạt trần và nhiều bóng đèn bị cháy, thanh sắt cửa sổ gỉ sét, phòng học bị ngấm mốc… nên phụ huynh đã phải họp bàn gấp để mua mới hoặc sửa chữa cho kịp thời gian năm học mới".
Chị N. cho biết thêm, các khoản thu này là ban phụ huynh lớp đứng ra kêu gọi ủng hộ chứ nhà trường không yêu cầu phụ huynh nộp. "Không riêng gì lớp con tôi mà nhiều lớp khác cũng vậy vì khóa trước ra trường dùng đã hỏng, không thể sử dụng lại được. Tôi cứ nghĩ sơn sửa lớp học cùng một số thiết bị trong lớp học sẽ thuộc về kinh phí của trường mà sao phụ huynh lại phải đóng góp? Phụ huynh chúng tôi tự hỏi nhau không biết còn tiền điện và tiền lắp mạng internet, liệu phụ huynh có phải "chung tay?".
Cũng là câu chuyện các khoản đóng góp tự nguyện đầu năm học, ngày 9/8, một phụ huynh có con học lớp 1 ở Thanh Trì (Hà Nội) đã đăng tải bài viết lên mạng xã hội phản ánh việc giáo viên chủ nhiệm lớp con yêu cầu cha mẹ học sinh đóng góp lắp điều hòa và máy chiếu phục vụ học tập của các con, đặc biệt, kèm theo cam kết phải tặng lại các tài sản này cho nhà trường sau khi các con tốt nghiệp lớp 5.
"Phụ huynh nào không cam kết tặng lại các tài sản này, nhà trường sẽ không cho lắp mới. Vậy nên thành thông lệ, các khối lớp đều phải làm như thế", phụ huynh này chia sẻ và băn khoăn việc vì sao các gia đình phải cam kết tặng lại trường, trong khi những tài sản này có thể để lại học sinh khóa sau sử dụng cho tiết kiệm. Nội dung bài viết nhanh chóng nhận được nhiều lượt bình luận và chia sẻ, hầu hết đều phản đối việc làm của nhà trường.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết đã nhận được thông tin phản ánh từ phụ huynh và đang cho xác minh vụ việc.
Theo ông Ngát, chiều hôm qua đơn vị có đoàn làm việc, xác minh sự việc tại trường. Tất cả lãnh đạo và thầy cô nhà trường đều khẳng định không có sự việc trên. Để có thông tin hai chiều, Phòng GD&ĐT đang tiếp tục làm việc với những phụ huynh có thông tin tố cáo nhà trường, đảm bảo tính khách quan và chính xác. "Nếu trường làm sai, Phòng GD&ĐT chắc chắn sẽ có phương án xử lý nghiêm, quyết không bao che".
Những khoản thu đầu năm học phụ huynh cần biết
Theo quy định hiện hành, phụ huynh học sinh sẽ phải đóng một số khoản thu đầu năm học như học phí, bảo hiểm y tế, quần áo đồng phục... theo quy định mà nhà trường được phép thu như sau:
Học phí: Thực hiện theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của mỗi địa phương.
Bảo hiểm y tế: Theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2012 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh bằng 4,5% nhân mức lương cơ sở nhân với số tháng tham gia tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ Bảo hiểm y tế (mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng). Cụ thể: 1.490.000 đồng (lương cơ sở) x 4,5% (mức đóng của học sinh) x 70% (Nhà nước đã hỗ trợ 30%) x 12 tháng = 563.220 đồng/học sinh/năm.
Quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu: Áp dụng theo điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.
Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu chi.
Riêng các khoản thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh ở từng địa phương hoặc thu theo Nghị quyết của HĐND từng tỉnh/thành như: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú; học 2 buổi/ngày; học phẩm cho trẻ mầm non; nước uống học sinh; dạy thêm học thêm trong nhà trường… sẽ được áp dụng tùy từng địa phương, đơn vị.
Tất cả phải có sự thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh.