Hà Nội

Cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên các cấp học, nguyên nhân do đâu?

23-07-2023 07:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ GD&ĐT thừa nhận, tính đến hết năm học 2022 - 2023, tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Bộ GD&ĐT: Đảm bảo cung ứng đủ sách giáo khoa cho năm học mới trước 15/8Bộ GD&ĐT: Đảm bảo cung ứng đủ sách giáo khoa cho năm học mới trước 15/8

SKĐS - Về việc cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới, Bộ GD&ĐT cho biết, các đơn vị đều cam kết bảo đảm cung ứng đủ số lượng đặt hàng sách giáo khoa mới lớp 4, 8, 11 trước 15/8.

Thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho thấy, đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17.000 giáo viên công lập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được.

Cả nước thiếu tới hơn 118.000 giáo viên các cấp học, nguyên nhân do đâu? - Ảnh 2.

Trong khi đó, cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 nhưng thực tế vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Cùng đó, cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Ngoài ra, năm học 2022 - 2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc).

Bộ GD&ĐT cho rằng, việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển (theo quy định chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục 2019); thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp.

Bên cạnh đó, tại các địa phương thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp còn triển khai một cách cơ học. Một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.

Phân tích về nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu tăng hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên). Còn cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).

Cả nước thiếu tới hơn 118.000 giáo viên các cấp học, nguyên nhân do đâu? - Ảnh 3.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 2023 - 2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao bảo đảm số lượng và chất lượng (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu); sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định số 111 của Chính phủ; đồng thời xây dựng, rà soát, hoàn thiện Đề án phát triển đội ngũ giáo viên với tầm nhìn dài hạn, làm căn cứ cho việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên.

Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác; thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Thiếu gần 10.000 giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội xin giao thêm biên chế

Tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội có quy mô trường lớp lớn là 2.845 trường học với hơn 2,3 triệu học sinh. Số trường học tiếp tục tăng dần qua từng năm, trung bình 30-50 trường học phải xây mới mỗi năm.

Hiện số lượng học sinh của thành phố mỗi năm đều tăng; trong đó số học sinh các trường mầm non, phổ thông công lập tăng gần 6%. Vì thế, số lượng học sinh/lớp ở các trường công lập của Hà Nội đều lớn hơn quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Thậm chí, có những trường tại một số quận, số lượng học sinh trung bình khối tiểu học là 56 học sinh/lớp, khối THCS là 53 học sinh/lớp.Khi số lượng học sinh, số lượng lớp, số trường tăng, kéo theo số lượng người làm việc tại khối giáo dục cũng phải tăng theo nhằm đáp ứng yêu cầu "có học sinh, có lớp thì phải có giáo viên''.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục cơ bản giữ nguyên. Năm 2022, số lượng biên chế toàn thành phố chỉ đáp ứng 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã nêu một số đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT liên quan đến đặc thù giáo dục của thành phố như bổ sung, sửa đổi quy chế tuyển sinh đầu cấp THCS, THPT; xem xét điều chỉnh Thông tư 13 liên quan đến công nhận trường chuẩn quốc gia với tiêu chí diện tích của các trường nội thành Hà Nội. Đồng thời, đề xuất Bộ GD&ĐT tiếp tục có ý kiến với Bộ Nội vụ trình Chính phủ giao thêm biên chế cho Hà Nội, do địa bàn đang thiếu xấp xỉ 10 nghìn giáo viên các cấp học.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Lịch sử sai dữ kiện: Bộ GD&ĐT nói gì?Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Lịch sử sai dữ kiện: Bộ GD&ĐT nói gì?

SKĐS - Trước phản ánh liên quan đến đề thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có chi tiết trong một câu hỏi chưa chính xác, Bộ GD&ĐT vừa có thông tin phản hồi.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn