Hà Nội

Hàng nghìn giáo viên đề nghị bỏ thi thăng hạng: 'Mong cấp trên quyết định sớm để chúng tôi yên tâm giảng dạy"

10-08-2023 08:28 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau khi đại diện Sở Nội vụ Hà Nội thông tin dự kiến tháng 10 sẽ xây dựng đề án về việc thi hay xét thăng hạng, nhiều giáo viên cho rằng việc lo ôn thi trong mấy tháng này sẽ ảnh hưởng đến tập trung nghiên cứu SGK mới, xây dựng bài giảng… khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu.

Sau loạt kiến nghị, Bộ GD&ĐT nhất trí bỏ thi thăng hạng chức danh giáo viênSau loạt kiến nghị, Bộ GD&ĐT nhất trí bỏ thi thăng hạng chức danh giáo viên

SKĐS - Liên quan đến việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với yêu cầu 9 năm và thi tuyển gây hoang mang cho giáo viên, tối 4/8, Bộ GD&ĐT đã chính thức giải đáp một số vấn đề liên quan đến Thông tư 08 này.

Mấy ngày qua, hơn 2.500 giáo viên Hà Nội đã gửi tâm thư đến UBND TP. Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội kiến nghị bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhằm giảm bớt gánh nặng cho giáo viên. Thông tin này đang gây xôn xao và thu hút sự quan tâm của dư luận.

Dự kiến tổ chức thi hoặc xét chậm nhất trong tháng 12/2023

Trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Cảnh - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội mới đây cho biết đã nhận được "tâm thư" của gần 2.500 giáo viên Hà Nội nêu nguyện vọng mong muốn được thành phố xem xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Ngay sau đó, Sở Nội vụ Hà Nội đã trao đổi thông tin với Sở GD&ĐT, đồng thời, sẽ căn cứ theo quy định của luật, nghị định, thông tư và tình hình thực tế của Hà Nội để có những đề xuất phù hợp.

Trong Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ "Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp". Bộ Nội vụ đang xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ban, ngành sửa đổi Nghị định theo hướng xét thăng hạng, bỏ thi. Tuy nhiên, do chưa có văn bản sửa đổi nên hiện nay Nghị định 115/2020/NĐ-CP vẫn đang còn hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, đối với ngành giáo dục Hà Nội, ngoài thực hiện Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGĐT "Quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập". Thông tư này cũng hướng dẫn hai hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, trong đó, xét thăng hạng có rất nhiều tiêu chí chấm điểm về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và phải rà soát, thẩm định, phê duyệt từng hồ sơ.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, thẩm quyền tổ chức xét hay thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh. Đối với Hà Nội, UBND thành phố đã phân cấp cho Sở Nội vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Do diễn biến của dịch COVID-19 nên 3 năm qua, Hà Nội không tổ chức thi hay xét tuyển thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Năm 2023, Sở Nội vụ đã có Văn bản số 1783/SNV-CCVC "Hướng dẫn tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập". Trong đó, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị đăng ký lập danh sách đề nghị nâng ngạch chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II.

"Qua đăng ký sơ bộ, đến ngày 28/7/2023 đã có 30/30 quận, huyện, thị xã và 3 sở đăng ký gửi báo cáo về cơ cấu danh sách viên chức giáo viên đủ điều kiện tiêu chuẩn thăng hạng với khoảng 30.000 hồ sơ. Với số lượng hồ sơ đăng ký nhiều như vậy, việc chấm hồ sơ phải huy động rất đông đội ngũ giám khảo chấm có năng lực chuyên môn và thời gian kéo dài khoảng 2 tháng, tốn kém kinh phí và khả năng khó thực hiện, không thiết thực, hiệu quả. Nếu số lượng quá lớn, hình thức xét tuyển là gần như khó thực hiện được", ông Cảnh thông tin. 

Hàng nghìn giáo viên viết tâm thư mong bỏ thi thăng hạng, Sở Nội vụ Hà Nội nói gì? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, do chưa có số liệu chính thức hồ sơ đăng ký nên phương án thi hay xét thăng hạng chưa được Sở Nội vụ quyết định và chưa đề xuất cụ thể.

Sau khi có danh sách chính thức (ngày 30/9/2023 hết thời hạn đăng ký danh sách), dự kiến trong tháng 10/2023, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ xây dựng đề án trình UBND thành phố, trong đó nêu rõ thi hay xét thăng hạng. Trong tháng 11, UBND thành phố xin ý kiến Bộ Nội vụ, nếu đồng ý thì UBND thành phố phê duyệt đề án và dự kiến tổ chức thi hoặc xét chậm nhất trong tháng 12/2023.

Phản biện của các thầy cô

Liên quan đến việc Sở Nội vụ Hà Nội lên tiếng về đề xuất xét thăng hạng giáo viên, trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) - người đại diện cho 2.541 giáo viên các trường đang làm hồ sơ dự thăng hạng trên địa bàn thành phố đã có ý kiến phản biện về chia sẻ của Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội về việc "nếu số lượng quá lớn, hình thức xét tuyển là gần như khó thực hiện được".

Thầy Đường cho rằng, việc thu hồ sơ thì các trường rà soát, kiểm tra khá kỹ. Sau đó phòng Tổ chức cán bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội đã thu. Quá trình thu này hồ sơ đã kiểm tra lần 2... Như vậy, Sở Nội vụ không cần tham gia nếu tin tưởng Sở GD&ĐT Hà Nội. Ngoài ra, việc chấm hồ sơ chỉ cần Sở Nội vụ xây dựng thang điểm, chuyển về Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ chấm và chịu trách nhiệm. "Còn việc số lượng hồ sơ đăng ký nhiều đó là điều đương nhiên bởi đân dân, đông học sinh, đông giáo viên thì phải đông hồ sơ".

Cô Trần Việt Hồng - giáo viên Trường THPT Xuân Mai (Hà Nội) chia sẻ: "Tháng 10 Sở Nội vụ mới ra quyết định việc thi hay xét, đồng nghĩa với việc 30.000 giáo viên phải lo ôn thi trong mấy tháng này. Việc giáo viên lo ôn thi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tập trung nghiên cứu sách giáo khoa mới, xây dựng bài giảng để dạy theo chương trình mới. Năm học 2023-2024 chuẩn bị bắt đầu, mong cấp trên đưa ra quyết định xét thăng hạng càng sớm càng tốt để chúng tôi yên tâm giảng dạy".

Phản biện về thông tin Sở Nội vụ đưa ra về "số lượng hồ sơ đăng ký nhiều, việc chấm hồ sơ phải huy động rất đông đội ngũ giám khảo chấm có năng lực chuyên môn và thời gian kéo dài khoảng 2 tháng, tốn kém kinh phí", thầy Nghiêm xuân Hùng - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A cho rằng: "Ở tầm nhìn ngắn hạn, khi giáo viên đầu tư toàn bộ thời gian, tâm sức cho việc chuẩn bị giáo án chương trình phổ thông mới, người hưởng lợi lớn nhất là học trò và ngành giáo dục.

Hàng nghìn giáo viên đề nghị bỏ thi thăng hạng: 'Mong cấp trên quyết định sớm để chúng tôi yên tâm giảng dạy" - Ảnh 3.

Thầy Đường cùng các thầy cô trong số hơn 2.500 giáo viên ở Hà Nội gửi tâm thư bỏ thi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Xét ở tầm nhìn dài hạn, khi giáo viên có nhiều năm cống hiến với nghề, có những chứng chỉ theo yêu cầu, có những thành tích nhất định (3 trong những tiêu chí quan trọng để hoàn thiện hồ sơ dự thăng hạng) được đảm bảo quyền lợi, không bị tâm lý đè nặng nếu dự thi chẳng may không đạt môn Ngoại ngữ/Tin học, họ được thăng hạng, họ được hưởng những chính sách đãi ngộ hợp lý, thì rõ ràng họ phấn khởi, yêu nghề hơn, làm việc say mê và tâm huyết hơn rất nhiều.

Ở đây chúng tôi đề cập đến những tác động cả về tâm lý, cả về hiệu quả công việc mà việc xét thăng hạng sẽ đem lại cho một lực lượng giáo viên được rà soát kỹ lưỡng ngay từ các cơ sở giáo dục. Vậy lợi ích kinh tế của việc xét thăng hạng là điều không thể nhìn thấy và đánh giá bằng những con số nhưng ai cũng nhận ra. Lợi ích đó là lâu dài và mang tầm vĩ mô".

Cô Lê Thị Dung - giáo viên Trường THPT Sóc Sơn cho biết: "Tôi thấy rằng tất cả các thầy cô có tên trong danh sách được tham gia thăng hạng chắc chắn phải là những giáo viên điển hình của các đơn vị tuyển chọn. Tại sao tôi lại khẳng định như vậy? Vì các thầy cô đều trải qua rất nhiều kỳ giáo viên giỏi các cấp, là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được công nhận các danh hiệu. Điều này chứng tỏ các thầy cô là những người có chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm.

Hơn nữa, để được thăng hạng, tất cả mọi người đều phải trải qua cuộc họp ban liên tịch, ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường xét kỹ lưỡng. Với những tiêu chí và điều kiện đưa ra ở trên, tôi nghĩ rằng việc xét duyệt cho các thầy cô là phương án phù hợp, sẽ không tốn kém thời gian, công sức như nêu trên".

Đồng quan điểm, cô Bích Nguyệt - một trong số hơn 2.500 giáo viên gửi tâm thư cũng cho rằng, nếu việc xét hồ sơ tốn thời gian và vất vả thì Sở Nội vụ nên giao cho cơ sở làm và chịu trách nhiệm trước cấp trên. Thủ đô số lượng viên chức lớn là điều hiển nhiên và phù hợp với quy mô dân số.

"Nếu việc thi là công khai và minh bạch thì theo tôi việc xét thi thăng hạng cũng đạt được tiêu chí như vậy. Tôi nghĩ việc xét thăng hạng còn đạt được hiệu quả cao hơn vì việc đánh giá năng lực giáo viên sẽ thực chất hơn thông qua những thành tích cụ thể, thiết thực trong khi thi chỉ qua một bài có thể may rủi, nội dung thi lại không thực tế. Hơn nữa, việc thi cũng gây áp lực, ảnh hưởng tới tâm lý của giáo viên".

Hàng nghìn giáo viên đề nghị bỏ thi thăng hạng: ‘Mong Sở GD&ĐT Hà Nội có hướng dẫn cụ thể’Hàng nghìn giáo viên đề nghị bỏ thi thăng hạng: ‘Mong Sở GD&ĐT Hà Nội có hướng dẫn cụ thể’

SKĐS - Sau khi Bộ GD&ĐT nhất trí về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bên cạnh niềm vui khi những tâm tư của mình đã được Bộ GD&ĐT quan tâm thì nhiều giáo viên vẫn còn những băn khoăn và lo lắng.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn