Hoa mắt vì các khoản phí!
Ngày tựu trường, ngày khai giảng năm học mới chuẩn bị đến cũng là lúc phụ huynh có thêm hàng trăm mối lo. Đặc biệt, trong hoàn cảnh giá cả leo thang chóng mặt như hiện nay thì việc sắm sửa cho con trước thềm năm học mới dường như đang đè nặng lên vai mỗi gia đình.
Chị Mai Khanh (Hà Nội) cho biết, năm học này, ngày tựu trường của 2 con chị khác nhau, vì thế, ngay từ cuối tháng 7, chị đã phải đóng tiền sách giáo khoa, đồng phục, tiền học phí, tiền bán trú, tiền ăn, tiền điều hòa cho con học hè trong tháng 8.
"Mặc dù nhà trường thông báo học hè là tự nguyện nhưng tôi lo con mình bị hổng nhiều kiến thức do phải học trực tuyến trong thời gian dài vì dịch bệnh nên đã cho các cháu đi học hè. Với cháu học lớp 9 này thì năm học tới đây chắc chắn gia đình tôi sẽ thêm nhiều gánh nặng về các khoản phí học thêm nữa".
Chị Khanh còn nhận được thêm thông báo của nhà trường: "Với các khoản phí đầu năm học như: phí phát triển cơ sở vật chất, phí học liệu - sách vở là khoản thu bắt buộc hiện chưa thu trong đợt này. Nhà trường sẽ triển khai thu trong thông báo tiếp theo. Như vậy, vài tuần nữa, gia đình tôi lại thêm trăm mối lo".
Với sách giáo khoa - vật phẩm phổ thông cho tất cả học sinh cả nước mà năm nay cũng tăng giá đến chóng mặt. Đó là chưa kể tiền vở, tiền bút, tiền bọc vở rồi những đồ dùng học tập thiết yếu khác. Hơn nữa, ngoài sách giáo khoa, phụ huynh còn phải tính thêm cả khoản chi phí đội lên như tiền mua sách tham khảo cho con. Từ Toán, Văn, Tiếng Anh đến Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh… cũng cần sách tham khảo và sách bài tập. Mà giá sách tham khảo luôn đắt hơn gấp 2-3 lần giá sách giáo khoa.
Có con năm nay vào lớp 3 (ở Phú Thọ), chị Vân Hà chia sẻ: "Năm nay tôi không cho con đi học hè nhưng cũng đã phải đóng tiền sách giáo khoa và đồng phục cho con. Vào năm học mới sẽ là các khoản: quỹ ban phụ huynh, quỹ trường, học phẩm, nước uống, sổ liên lạc điện tử, điều hòa, khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường… Nghĩ đến thôi là tôi đã "toát mồ hôi" rồi".
Theo chị Hà, nếu chia trung bình cho cả năm học và thu hàng tháng thì cũng không phải là số tiền quá lớn nhưng dồn lại đầu năm thì quả thật là khó. Chị Hà cho biết thêm, cháu thứ 2 đang học mẫu giáo chị cũng phải đóng nhiều khoản linh tinh và các khoản phát sinh rất nhiều. Chị Hà cũng chỉ biết cố gắng đóng theo yêu cầu của các cô vì nghĩ con mình còn bé và chắc vì tốt cho con nên cô mới yêu cầu phải đóng.
Bộ GD&ĐT yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học
Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các tỉnh thành chỉ đạo cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện đúng nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo.
Cụ thể, chỉ đạo cơ sở đào tạo xây dựng mức học phí, lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, góp phần bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai các chính sách hỗ trợ, miễn giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học.
Đối với giá sách giáo khoa, vật tư thiết bị giáo dục, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành có liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn. Xử lý các vi phạm, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản có liên quan.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý về việc thực hiện vận động, sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định. Đồng thời các cơ sở đào tạo phải công khai cam kết về chất lượng giáo dục, đào tạo, chịu trách nhiệm giải trình về các mức thu trước người học và xã hội.
Các khoản tiền nhà trường, ban đại diện phụ huynh không được phép thu
Căn cứ vào khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện phụ huynh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban, bao gồm:
- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường;
- Bảo vệ an ninh nhà trường;
- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;
- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.