Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Việt Nam triển khai rất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, ngay từ thời gian đầu, Việt Nam xác định vaccine COVID-19 là biện pháp hữu hiệu nhất giúp ứng phó với đại dịch COVID-19.
Chiến lược vaccine của nước ta tập trung vào các nội dung chính: Thành lập Quỹ Vaccine; triển khai ngoại giao vaccine; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Chúng ta đã thực hiện thành công Chiến lược vaccine trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, tiếp cận rất khó khăn ở giai đoạn đầu của cuộc chiến phòng chống dịch.
Việt Nam đã triển tiêm vaccine COVID-19 cho người trên 18 tuổi, tiêm cho trẻ từ 12- dưới 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi.
Những dấu mốc của chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử
- 10h45 sáng 24/2/2021, chuyến bay chở 117.600 liều vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca về đến sân bay Tân Sơn Nhất, phục vụ nhu cầu phòng chống dịch cấp bách của nước ta. Đây là lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên về Việt Nam. Các liều vaccine phòng COVID-19 này được ưu tiên phân bổ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, các tỉnh tâm dịch, vùng có dịch
- Ngày 8/3/2021, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hải Dương đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Cán bộ y tế đầu tiên và cũng là công dân đầu tiên của Việt Nam tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 là chị Phạm Thị Tuyết Nhung, 40 tuổi là nhân viên y tế thuộc Trung tâm y tế Thành phố Hải Dương, thuộc tổ lấy mẫu COVID-19 tại cộng đồng.
Ngay sau đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, các cán bộ y tế tham gia chống dịch cũng đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trong ngày đầu tiên triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, tổng cộng đã thực hiện tiêm cho 377 người là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.
Ngay sau sau đó, tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được đẩy mạnh khi lượng vaccine về nhiều hơn.
- Đến ngày 10/7/2021, Việt Nam chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc.
Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại nước ta, huy động tổng lực cùng tham gia với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ trung ương đến địa phương, gồm cả lực lượng dân y, quân y, công lập, tư nhân.
Sau khi phát động, tất cả các địa phương nhanh chóng triển khai với sự hưởng ứng của người dân, tốc độ tiêm tăng nhanh chóng. Cùng với việc Việt Nam liên tục tiếp nhận các lô vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn mua sắm, nguồn hỗ trợ của các nước, cơ chế COVAX…, việc phân bổ vaccine và triển khai tiêm chủng được bố trí linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn dịch và tình hình của từng địa phương.
- Sau đối tượng người lớn từ 18 tuổi trở lên, Việt Nam đã lên kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện để tiêm vaccine COVID-19 cho người từ 12 - dưới 18 tuổi. Cuối tháng 10/2021, TPHCM là địa phương đầu tiên triển khai việc tiêm chủng cho đối tượng này.
- Tiếp đó, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em.
- Ngày 14/4/2022 đã tiếp tục ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong chiến lược vaccine ở nước ta là Việt Nam đã chính thức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai chiến dịch tiêm chủng này.
Sau Quảng Ninh, ngày 16/4, TP HCM và Thủ đô Hà Nội đã tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Nối tiếp sau đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi này. "Mảnh ghép" quan trọng trong chiến lược bao phủ vaccine cứ như vậy dần hoàn thiện, đưa cuộc sống trở lại bình thường trên cả nước.
"Đi sau, về trước"
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 26/2, cả nước đã tiêm tổng cộng hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19. Ttrong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 223 triệu liều; Cho trẻ từ 12-17 tuổi là gần 24 triệu liều; Cho trẻ từ 5-11 tuổi là hơn 18.5 triệu liều.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, về tiêm vaccine phòng COVID-19, Việt Nam là quốc gia có số liều vaccine phòng COVID-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vaccine cao và tốc độ tiêm nhanh; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển.
Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vaccine COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vaccine; Là quốc gia có số liều vaccine sử dụng, tỷ lệ bao phủ vaccine cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới.
Có được thành công này là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, coi đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong tiến trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, trong quá trình thực hiện Chiến dịch tiêm vaccine, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan; đồng thời trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến với WHO, với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới để triển khai tiêm chủng cho các đối tượng một cách khoa học, hiệu quả, đảm bảo an toàn.
WHO ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine COVID-19.
Trong lần trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Bộ Y tế, tân trưởng đại diện WHO - bà Angela Maree Pratt đánh giá cao Việt Nam đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và hiện tại Việt Nam là một trong những nước rất thành công trong tiêm chủng vaccine COVID-19 khi có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất trong khu vực: "Nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và tiêm vaccine, Việt Nam đã mở cửa phát triển kinh tế, điều này cho thấy y tế và kinh tế có mối quan hệ mật thiết. Những kết quả này đã giúp Việt Nam củng cố tính sẵn sàng cũng như khả năng ứng phó những tình huống tương tự về phòng chống dịch".