Nhắc đến "Tổ Tim mạch" đầu tiên – những thầy sáng lập ra ngành Tim mạch Việt Nam không thể không nhắc đến tên tuổi của GS Đặng Văn Chung, GS Đỗ Đình Địch, PGS Bùi Thế Kỷ, GS Trần Đỗ Trinh, GS Phạm Gia Khải, GS Phạm Khuê, PGS Đinh Văn Tài và sau này là GS. Nguyễn Lân Việt, GS. Đỗ Doãn Lợi…
Là một trong những "học trò cưng" của GS Phạm Gia Khải và cũng là một trong những bác sĩ tim mạch can thiệp đầu ngành hiện nay với hơn 30 kinh nghiệm, PGS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai; Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam đã có nhiều cống hiến cho ngành tim mạch Việt Nam với các công trình nghiên cứu, bài báo khoa học, viết sách… Ông là chủ biên 6 sách giáo khoa và chuyên khảo, tham gia biên soạn 15 sách giáo khoa và sách chuyên khảo, trong đó có 3 quyển xuất bản tại Hoa Kỳ, có trên 100 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong đó có nhiều bài được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín. PGS Phạm Mạnh Hùng cũng là chủ nhiệm một đề tài cấp Bộ đã bảo vệ thành công, hiện đang chủ trì 2 đề tài cấp Bộ. Ngoài ra ông còn tham gia 4 đề tài đa quốc gia, 5 đề tài cấp nhà nước, 5 đề tài cấp bộ cùng nhiều giải thưởng khoa học khác.
Đã hơn nửa thập kỷ đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, PGS Hùng và các đồng nghiệp đã không ngừng nỗ lực để ghi danh Việt Nam lên bản đồ tim mạch thế giới. PGS Hùng phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi khẳng định cho đến giờ phút này Viện tim mạch Quốc gia luôn luôn đi đầu trong triển khai các kỹ thuật cao trong điều trị bệnh tim mạch, tiệm cận với nền tim mạch trong khu vực và tiến tới gần hơn các nền tiên tiến trên thế giới".
Với 3 lĩnh vực tim mạch chính là lâm sàng nội khoa tim mạch, ngoại khoa tim mạch và tim mạch can thiệp, Viện Tim mạch Quốc gia đã phát triển đồng đều cả 3 lĩnh vực nhưng nổi trội nhất là tim mạch can thiệp. Lĩnh vực này không chỉ đi đầu trong nước mà còn có những tiến bộ để có thể chia sẻ được với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
"Từ thế bị động, phụ thuộc vào các suất đi học nước ngoài, hiện nay chúng ta đã có những thế mạnh vượt bậc để có thể chia sẻ và hướng dẫn lại các nước trên thế giới. Ví dụ như can thiệp tim bẩm sinh, can thiệp bệnh lý van tim (nong van 2 lá), phát triển một số kỹ thuật gần đây được các trung tâm trên thế giới đến học như can thiệp các bệnh lý động mạch chủ, đặt stent graft…" – PGS Hùng cho biết.
Dưới sự dẫn dắt của PGS Hùng, trong năm qua Viện Tim mạch Quốc gia tiếp tục triển khai các kỹ thuật tiên tiến cũng như các kỹ thuật mới, lần đầu được triển khai ở Việt Nam: thay van động mạch chủ qua đường ống thông, sửa van 2 lá qua đường ống thông, thay van hai lá qua đường ống thông, triệt đốt giao cảm động mạch thận trong điều trị tăng huyết áp... Nhờ những kỹ thuật này, bệnh nhân bị một số bệnh hiểm nghèo như bệnh van tim ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân đã mổ thay van trước đây không cần mổ phanh, chỉ cần gây tê tại chỗ chọc mạch ở đùi và sau vài tiếng có thể đi lại được bình thường, hạn chế được nhiều biến chứng, đặc biệt ở những người lớn tuổi. Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật tiên tiến khác khác như thăm dò chẩn đoán hình ảnh, siêu âm tim, can thiệp các bệnh lý động mạch vành phức tạp, can thiệp các rối loạn nhịp tim phức tạp, cấy máy tạo nhịp tim nâng cao, các kỹ thuật can thiệp mạch máu ngoại biên, can thiệp điều trị tăng huyết áp, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh tim mạch… cũng có những tiến bộ đáng kể. Với những tiến bộ trên, người bệnh Việt Nam được hưởng lợi ngay trong nước một cách kịp thời, số lượng bệnh nhân tim mạch ra nước ngoài điều trị giảm đáng kể trong đó có cả những cán bộ cấp cao, người có điều kiện về kinh tế cũng đã tin tưởng chữa trị ngay trong nước.
Chia sẻ về những tiến bộ trong ngành tim mạch tại Việt Nam, PGS Hùng nhận định: "Hiện nay chúng ta đã có tên trên bản đồ tim mạch thế giới. Các hội nghị tim mạch lớn của Hoa kỳ, Châu âu, hoặc tại khu vực như ở Singapore đều có một phiên chia sẻ kinh nghiệm các bệnh tim mạch đặc thù của Việt Nam. Có thể nói chúng ta rất tự hào sánh vai với các nền tim mạch tiên tiến trong khu vực ít nhất là trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á".
Trong hơn nửa thập kỷ qua, với tư cách là người đứng đầu của Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, PGS Hùng cùng đội ngũ tim mạch trong nước đã không ngừng học hỏi phát triển để đưa Viện Tim mạch Quốc gia không chỉ là nòng cốt về mặt chuyên môn mà còn chỉ đạo, đào tạo các tuyến. Liên tiếp những khóa đào tạo, hội nghị hội thảo chuyên môn về các chuyên đề đặc biệt đã được triển khai. Đội ngũ tim mạch trong nước luôn được tạo điều kiện tối đa để cập nhật phát triển các kiến thức, các kỹ thuật mới nhất đặc biệt là công tác đào tạo cho các bác sĩ tuyến dưới.
"Trách nhiệm của chúng tôi là người triển khai các kỹ thuật mới đồng thời đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến dưới một cách linh hoạt" – PGS Hùng nhấn mạnh.
Bộc bạch về những điểm độc đáo riêng trong cách đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tim mạch ở Việt Nam, PGS Hùng cho biết: "Đối với Việt Nam, chúng ta có cách "đi tắt" nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cơ bản trong đào tạo. Nếu như ở nước ngoài thời gian đào tạo bác sĩ can thiệp tim mạch cần tới 8 năm sau tốt nghiệm đại học Y với 4 năm học nội trú, sau đó 2 năm học chuyên khoa (fellow) tim mạch chung và 2 năm học chuyên Tim mạch can thiệp. Ở Việt Nam phải "cắt ngắn" về thời gian bằng cách về tận nơi chuyển giao cho các tuyến.
Chúng ta lựa chọn các bác sĩ đã đào tạo chuyên khoa tim mạch hoặc đã làm trong chuyên ngành tim mạch ít nhất 2 năm sau đó đào tạo tim mạch can thiệp với sự chuyển giao ngay tại cơ sở. Các bác sĩ sẽ có một năm học tại Viện Tim mạch sau đó một năm về thực hành tại địa phương nơi bác sĩ đó công tác.
Khi có các ca can thiệp, các thầy sẽ về tận địa phương để "cầm tay chỉ việc" ngay tại chỗ giúp các học viên có thể triển khai được một cách nhanh nhất, chủ động hơn, sát với tình hình thực tế, tiết kiệm và hiệu quả hơn so với chỉ thực hành ở tuyến trên.
Việc này sẽ thực hiện liên tục cho tới khi đảm bảo bác sĩ địa phương có thể thực hành độc lập các kỹ thuật cơ bản. Sau đó, các bác sĩ tuyến trên vẫn kết nối để đào tạo liên tục để mở rộng và thực hiện được các kỹ thuật phức tạp hơn".
Đó là cách độc đáo mà PGS Hùng và các đồng nghiệp đã thực hiện trong nhiều năm qua. Với cách làm trên, trong một khoảng thời gian không quá dài chúng ta có thể triển khai được rất nhiều trung tâm để đáp ứng nhu cầu can thiệp tim mạch của các tuyến.
Tiếng gọi "thầy" xuất phát từ sự kính trọng và mến yêu, khi PGS.TS.BS. Phạm Mạnh Hùng không chỉ là một bác sĩ điều trị chuyên sâu về tim mạch can thiệp mà còn có hơn 30 năm kinh nghiệm khi giảng dạy bộ môn Tim mạch tại Đại học Y Hà Nội - một trong những ngôi trường lâu đời nhất tại Việt Nam. Chia sẻ với PV về trách nhiệm vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc, PGS Hùng trải lòng: "Tâm huyết giảng dạy cho các thế hệ ngành y có lẽ đã "ăn vào máu" của tôi.
Từ trong lời thề của Hippocrates, bác sĩ ngoài vai trò khám chữa bệnh, cần phải có trách nhiệm chuyển giao đào tạo cho các thế hệ sau. Nó giống như lớp sóng sau chồng lên lớp sóng trước, khi lớp sóng sau được truyền nghề và truyền cảm hứng cùng với liên tục được tiếp cận các kiến thức, kỹ thuật hiện đại tiên tiến hơn thì chắc chắn sẽ giỏi hơn các thầy đi trước và chính là cái phúc cho nền y học nước nhà. Đó vừa là mong muốn vừa là động lực để chúng tôi có thêm nhiệt huyết để cống hiến cho việc giảng dạy trong ngành y".
Chia sẻ thêm về những điều khác biệt trong việc giảng dạy của ngành y, PGS. Hùng cho rằng cách giảng dạy của ngành y cũng rất khác những ngành nghề khác. Ngoài việc dạy lý thuyết và tư duy, cập nhật các nghiên cứu khuyến cáo mới, không có cách nào tốt hơn cho các sinh viên y là cần những người thầy nhiệt tình hướng dẫn từ cách thăm khám bệnh nhân, cách đưa ra các quyết định chẩn đoán và điều trị đến những động tác thực hiện các kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp. Điều đó là một trong những yếu tố mấu chốt để có thể có các thế hệ thầy thuốc giỏi nối tiếp nhau.
"Với tôi, dù khó khăn gian khổ đến đâu nhưng khi đã chọn nghề thầy thuốc và nghề thầy giáo thì động lực lớn nhất là có được những lớp học trò trưởng thành, có thể cứu giúp được nhiều người bệnh ở các tuyến, có một tay nghề vững vàng được dân tin yêu và từ đó có thể sống được với nghề. Phải có những người thầy thuốc tốt với chuyên môn vững vàng, tâm trí sáng suốt thì tức khắc chúng ta sẽ có được sự tin tưởng từ người dân.
Nghề Y là một nghề gian khổ, nếu không nói là cực nhọc, người đã làm nghề y là những người có sự dấn thân và đam mê, đồng tiền kiếm bằng nghề rất nhọc nhằn, nhưng có một điều chắc chắn là các thầy thuốc hoàn toàn có quyền tự hào về những gì mình đã làm cho người cho đời và xứng đáng với tôn trọng của xã hội".
Chia sẻ những niềm vui nhỏ là nguồn động lực trong những năm khó khăn với ngành y vừa qua, PGS. Hùng tâm sự: "Trong lúc khó khăn nhất thì những thế hệ học trò vẫn được đào tạo và trưởng thành, góp chút sức lực nhỏ bé vào việc điều trị ở các tuyến địa phương đặc biệt là những tuyến rất xa xôi, can thiệp được những ca tim mạch phức tạp, cứu được nhiều những bệnh nhân trong điều kiện khó khăn. Đó là món quà vô giá với một người thầy giáo, thầy thuốc như tôi".