Hà Nội

Bác sĩ ở vùng cao - Điểm tựa tinh thần của những ‘bệnh nhân đặc biệt’

26-02-2023 06:39 | Y tế

SKĐS - Sự góp sức của đội ngũ y tế cơ sở tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa đã góp phần chữa trị, cai nghiện, giúp nhiều người tái hòa nhập cộng đồng.

Cấp phát methadone không kể cuối tuần hay ngày lễ tết.

Đều đặn mỗi ngày, tại Trạm Y tế xã Mường Bú, huyện Mường La (tỉnh Sơn La), những người đang điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone đã có mặt từ sớm để uống thuốc. Điểm cấp, phát methadone này đã duy trì hoạt động hơn 7 năm nay, là điểm tựa tinh thần đặc biệt của những người nghiện đang điều trị tại cộng đồng.

Ông Lò Văn Đích - bệnh nhân đang điều trị methadone ở xã Mường Bú tâm sự: Trước đây khi sử dụng thuốc phiện, cơ thể ốm yếu, gầy gò, nặng chưa đến 40 kg. Sau hơn 5 năm kiên trì điều trị, nay ông đã tăng thêm 7kg, tinh thần cũng phấn chấn hơn, cuộc sống dần ổn định trở lại: "Từ ngày điều trị methadone tôi thấy người khỏe hẳn lên. Mỗi ngày đến trạm uống một lần, dư dả thời gian để về tham gia lao động sản xuất, chăn nuôi lợn gà. Các cán bộ ở đây rất quan tâm, luôn động viên tư tưởng, động viên tôi uống đều để đạt hiệu quả tốt nhất".

Bác sĩ vùng cao là điểm tựa tinh thần của những ‘bệnh nhân đặc biệt’ - Ảnh 1.

Cấp, phát methadone là công việc hằng ngày của các cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La).

Đồng hành với ông Đích và hơn 100 người đang điều trị nghiện trên địa bàn, các y, bác sĩ Trạm Y tế xã Mường Bú phải rất nỗ lực, trách nhiệm và tâm huyết. Bởi công việc của y tế cơ sở vốn đã rất vất vả, áp lực; việc cấp, phát methadone lại phải thực hiện hằng ngày, không kể thứ 7, chủ nhật, hay ngày lễ tết. Thêm nữa, điều trị nghiện tại cộng đồng đòi hỏi sự kiên trì, tự giác; thế nhưng, không phải ai cũng làm được điều đó.

Bác sĩ Lò Văn Lan, Phó trưởng trạm Y tế xã Mường Bú chia sẻ: "Địa bàn xã Mường Bú rộng, đối tượng nghiện nhiều, việc cấp phát methadone cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều người có tâm lý là đến lúc nào là muốn được phát thuốc lúc đấy, có lúc đến từ 5h sáng. Một số người thì hay bỏ liều, không đến uống thuốc thường xuyên".

"Trong trạm luân phiên nhau, ngày trực của ai thì người đó sẽ thực hiện cấp, phát thuốc. Vì số lượng người điều trị trên địa bàn xã rất đông, giờ quy định là 7 – 9h sáng nhưng chúng tôi thường phải có mặt sớm hơn. Chúng tôi cũng nắm bắt tâm tư của mọi người, tư vấn, động viên, làm sao để mọi người tuân thủ điều trị, không bỏ liều dù chỉ 1 - 2 ngày", bác sĩ Lò Văn Lan nói.

Bác sĩ vùng cao là điểm tựa tinh thần của những ‘bệnh nhân đặc biệt’ - Ảnh 2.

Cán bộ, nhân viên Trạm Y tế thường xuyên kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiến thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Leo đèo, vượt núi vận động người nghiện đi khám và sử dụng thuốc methadone

Tương tự, tại khu cấp phát thuốc điều trị methadone ở Trạm Y tế xã Chiềng Lao (huyện Mường La), các y, bác sĩ không quản ngại vất vả để giúp đỡ những "bệnh nhân đặc biệt".

Anh Q.V.N, bản Nà Nong là người nghiện lâu năm đến Trạm Y tế xã Chiềng Lao tham gia điều trị bằng thuốc methadone chia sẻ: "Tôi nghiện ma túy 14 năm nay. Dù nhiều lần được chính quyền địa phương và gia đình đưa đi cai nghiện, nhưng khi trở về đều tái nghiện. Được cán bộ xã, bản và người thân trong gia đình vận động, 5 năm trở lại đây, tôi tham gia điều trị bằng thuốc methadone theo hướng dẫn của cán bộ Trạm Y tế xã. Qua thời gian điều trị, giúp tôi cải thiện sức khỏe và tái hòa nhập cộng đồng, dù còn khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng duy trì điều trị để có thể trở lại cuộc sống bình thường".

Bác sĩ vùng cao là điểm tựa tinh thần của những ‘bệnh nhân đặc biệt’ - Ảnh 3.

Lực lượng mỏng, khối lượng công việc lớn, song cán bộ, nhân viên Trạm Y tế luôn nỗ lực vượt khó để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của y tế cơ sở, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân.

"Mỗi ngày 1 lần, tôi đến Trạm Y tế xã Chiềng Lao uống thuốc điều trị. Tôi luôn tuân thủ quy trình điều trị, không bỏ liều. Sau 2 tháng điều trị bằng phương pháp này, tôi thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe đảm bảo để tham gia phụ giúp công việc cho gia đình", anh Q.V.T, bản Nà Lời, xã Hua Trai cho hay.

Được biết, Trạm Y tế xã Chiềng Lao đang cấp thuốc methadone điều trị cho khoảng 50 trường hợp của 2 xã Chiềng Lao và Hua Trai. Hằng ngày, Trạm phân công cán bộ trực để phát thuốc, theo dõi các trường hợp điều trị sau khi sử dụng thuốc tại Trạm trong thời gian từ 15 đến 30 phút.

Để triển khai hiệu quả công tác điều trị và cai nghiện được hiệu quả, các cán bộ y tế còn phải leo đèo, lội suối, vượt núi, đi đến từng bản rà soát, vận động người nghiện đi khám để được tư vấn, sàng lọc và sử dụng thuốc methadone phù hợp...

Bác sĩ vùng cao là điểm tựa tinh thần của những ‘bệnh nhân đặc biệt’ - Ảnh 4.

Những y bác sĩ ở vùng cao luôn thầm lặng, vượt khó để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bà con.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường La cho biết: Là địa bàn có số người tham gia điều trị methadone cao, huyện Mường La hiện có 1 cơ sở điều trị tại Trung tâm y tế và 5 cơ sở cấp, phát methadone tại các trạm y tế xã – những nơi có nhiều người nghiện các chất dạng thuốc phiện sinh sống; giúp họ giảm gánh nặng và được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

"Chúng tôi cùng UBND các xã, thị trấn, công an, các trạm y tế rà soát đối tượng có nghiện chất dạng thuốc phiện tại từng bản, cử anh em xuống trực tiếp vận động để người nghiện tham gia điều trị. Người nghiện sau khi khởi liều, uống methadon từ 7 – 10 ngày tại Trung tâm y tế, chúng tôi sẽ chuyển về theo dõi tại các cơ sở cấp phát tại Trạm Y tế xã, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân. Trong quá trình đó chúng tôi thông tin thường xuyên để điều chỉnh liều sao cho phù hợp".

Sự góp sức của đội ngũ y tế cơ sở tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của Sơn La đã góp phần chữa trị, cai nghiện cho nhiều người, hạn chế tình trạng sử dụng các chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp, giảm thiểu lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc điều trị methadone còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các y, bác sĩ nơi đây mong muốn sự chung tay, vào cuộc hơn nữa của cả cộng đồng để giúp đỡ người nghiện "dựng dậy vươn vai", trở thành người có ích cho xã hội.

Cải tiến từ những việc nhỏ nhất để người bệnh hài lòngCải tiến từ những việc nhỏ nhất để người bệnh hài lòng

SKĐS - Đáp ứng hài lòng của người bệnh là mục tiêu của toàn ngành y tế. Sự đánh giá sự khách quan của người dân đối với chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ giúp các cơ sở y tế cũng như từng các bộ y tế tiếp tục hoàn thiện, khắc phục thiếu sót, cải tiến chất lượng để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.

Nhóm PV
Ý kiến của bạn