‘Học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ’: Bộ GD&ĐT nói gì?

27-05-2024 16:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đang xác minh thông tin "học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ" gây xôn xao dư luận.

Mấy ngày qua, mạng xã hội và dư luận xôn xao trước bài viết của một phụ huynh về việc "học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ lớp".

Nhiều trang mạng xã hội đăng tải lại bài viết này: "Lớp liên hoan cuối năm trước khi nghỉ hè, 31 bạn trong lớp được ăn còn một mình con chỉ biết nhìn các bạn trong tủi thân. Bức xúc, phụ huynh này đăng trên Facebook với nội dung: 'Qũy lớp thì tôi đóng chứ quỹ hội tôi không đóng vì đấy là khoản phí không bắt buộc, ai thích thì đóng. Thế mà 31 học sinh trong lớp ăn liên hoan, lại thêm cả cô giáo chủ nhiệm và cô tiếng Anh cùng 3 phụ huynh phát suất ăn, vậy mà để mình con tôi trơ mắt nhìn mọi người liên hoan trong vui vẻ".

‘Học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ’: Bộ GD&ĐT nói gì?- Ảnh 1.

Thông tin chi tiêu của quỹ hội phụ huynh lớp 1C, đề cập việc 31/32 học sinh tham gia liên hoan cuối năm. Nguồn ảnh: Mạng xã hội.

Bài viết này sau khi xuất hiện đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Sự việc được cho là xảy ra tại Trường Tiểu học Gia Lương, huyện Gia Lộc, Hải Dương.

Về vụ việc này, chia sẻ với báo chí, bà Phạm Thị Lý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Lương, huyện Gia Lộc cho biết, sự việc xảy ra ở trường nhưng nhiều thông tin trên mạng không chính xác.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Lương, ba ngày trước, ban phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm lớp 1C tổ chức liên hoan cuối năm cho học sinh. Theo kế hoạch của phụ huynh, buổi này diễn ra trong một tiết học, mỗi nhà đóng 100.000 đồng. Số tiền dùng để mua một suất gà rán kèm khoai tây chiên và xúc xích (40.000), còn lại mua bánh kem và các loại bánh kẹo khác. Số tiền thừa được dự kiến dùng khen thưởng cuối năm cho các em. Lớp 1C có 32 học sinh, trong đó 31 phụ huynh đóng quỹ.

"Em học sinh này vẫn được ăn bánh, kẹo như các bạn, chỉ có phần gà rán, khoai tây là ăn chung với một bạn khác. Việc không mua thêm một phần gà cho cháu là thiếu sót của giáo viên. Cô giáo đã nhận lỗi vì chưa linh hoạt".

Khi thông tin lan truyền, hôm 25/5, trường đã mời phụ huynh lên gặp để trao đổi về sự việc. "Phụ huynh cũng xác nhận con được liên hoan cùng các bạn", bà Lý cho biết.

Về phía Bộ GD&ĐT, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đang xác minh thông tin "học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ" gây nhiều luồng ý kiến trái chiều thời gian vừa qua. "Chúng tôi sẽ rà soát, nắm bắt thông tin và tiến hành một số biện pháp khoanh vùng để xem sự việc nếu có thực thì ở khu vực nào, diễn ra ở trường và lớp học nào".

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, khi xác minh được thông tin chính thức sẽ thông tin tới báo chí và dư luận.

Kinh phí hoạt động của hội cha mẹ học sinh

Tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 10, Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT Quy định về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như sau:

Quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại điện cha mẹ học sinh: Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến; Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.


Lạm thu đầu năm: Nên xóa bỏ quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh?Lạm thu đầu năm: Nên xóa bỏ quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh?

SKĐS - Đầu năm học, câu chuyện lạm thu, đóng tiền quỹ Ban phụ huynh trường, lớp lại được bàn tán sôi nổi trong phụ huynh học sinh và cũng là gánh nặng của không ít gia đình có con đi học.


ĐV
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn