Thu quỹ phụ huynh kỳ 1 mức 4,5 triệu đồng/người
Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin phản ánh có tình trạng lạm thu quỹ cha mẹ học sinh ở lớp 12 Văn, Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội). Cụ thể, Ban phụ huynh (BPH) lớp 12 Văn đã thu của mỗi phụ huynh học sinh là 4,5 triệu đồng/học kỳ tiền quỹ phụ huynh. Nhiều người cho rằng đây số tiền quá lớn để đóng góp cho BPH lớp 12 trong khi đầu năm học có rất nhiều các khoản thu chi khác cần thiết hơn.
Được biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh, nhà trường đã tổ chức cuộc họp bất thường, triệu tập giáo viên chủ nhiệm của các lớp để rà soát lại tình hình thực hiện các khoản thu ở từng lớp. Theo thông tin từ Ban Giám hiệu Trường THPT Chu Văn An sáng 25/9 cho biết, báo cáo từ giáo viên chủ nhiệm và Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 Văn của nhà trường khẳng định, đã trả lại quỹ phụ huynh học kỳ I cho từng cha mẹ học sinh.
Không chỉ trường hợp tại lớp 12 Văn Trường THPT Chu Văn An mà tại một trường chuyên nổi tiếng khác của Hà Nội cũng có mức thu quỹ phụ huynh từ 2-3 triệu đồng/kỳ.
Chị T.T (phụ huynh có con học tại một trường THPT chuyên ở Hà Nội) cho biết, buổi họp phụ huynh đầu năm vừa rồi, BPH lớp con chị thông báo thu 3 triệu đồng tiền quỹ BPH kỳ 1. "Theo thông báo của BPH lớp con tôi thì khoản tiền này sẽ chi cho các hoạt động của lớp và tiền thăm hỏi ốm đau giáo viên, tiền tri ân thầy cô dịp lễ Tết trong năm như: ngày khai giảng, 20/10, 20/11, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, 8/3, bế giảng năm học...
Mặc dù con học trường công lập nhưng sau buổi họp phụ huynh về tôi vẫn "choáng váng" về các khoản đóng góp đầu năm học. Trước khai giảng, phụ huynh lớp đã phải đóng góp trên tinh thần tự nguyện để mua điều hòa, máy chiếu, tủ đựng đồ, sơn lại lớp học… chưa kể các khoản tiền cố định như tiền sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng phục…
Anh Hoàng Phương Đông (phụ huynh có con học lớp 4) cho biết, ngoài tiền đóng quỹ ban phụ huynh lớp thì phụ huynh đã phải đóng tiền quỹ phụ huynh nhà trường. Nhiều phụ huynh vui vẻ đóng góp nhưng cũng có không ít phụ huynh không đồng tình phản đối. "Tôi nghĩ đã đóng góp quỹ ban đại diện trường để chi cho hoạt động chung rồi thì không cần thiết phải thu quỹ BPH riêng nữa vì khi cần nhà trường dùng quỹ của trường để chi, việc đóng thêm quỹ BPH lớp sẽ làm tăng số tiền phải đóng góp của phụ huynh".
Có nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh?
Là một phụ huynh có hai con đang học cấp phổ thông và cũng vừa tham gia hai buổi họp phụ huynh lớp 5 và 8 của các con trong đầu năm học này, chị Đỗ Hoài Thu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, vai trò của hội cha mẹ học sinh là rất quan trọng, bộ phận này có chức năng phối hợp, kết nối giữa nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, phụ huynh nên có tiếng nói của mình nếu BPH có những khoản thu vô lý. Theo tôi, quỹ phụ huynh cho một học kỳ mà từ 2-3 triệu động trở lên sẽ là gánh nặng đối với nhiều gia đình".
Còn theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Ban đại diện cha mẹ học sinh là rất cần thiết, nhưng nó phải đại diện cho quyền lợi của tất cả phụ huynh học sinh từng lớp chứ không phải là công cụ của bất cứ ai. Ban này sẽ theo sát nhất điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình học sinh trong lớp, cùng với thầy cô giáo tạo điều kiện, môi trường học tập tốt nhất cho con em mình. Nghĩa là họ phải kết hợp với nhà trường để chăm lo, quan tâm và đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp cho học sinh.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, có nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh là quan điểm sai lầm, mang tính cực đoan. Cần phải nhận thức đúng vấn đề, xác định đúng vai trò, nhiệm vụ, chức năng của tổ chức này trong nhà trường. Thành viên của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải là những người hiểu biết, theo suốt quá trình học tập của con em trong từng cấp học, từ đó họ cũng sẽ hiểu các giáo viên dạy học cho con em mình để từ đó có phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.
Đặc biệt, nhà trường phải giúp cho Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp trang bị thêm kiến thức, phương pháp giáo dục mới, phù hợp với con em. Trên cơ sở phục vụ cho việc học tập, vẫn cần đến sự hỗ trợ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, ví dụ chương trình giáo dục ngoài nhà trường, hoạt động trải nghiệm ngoài trường học, cần có sự đóng góp và hỗ trợ của gia đình người học.
Để hoạt động hiệu quả, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm: Cần làm rõ vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh, phải tìm kiếm được những phụ huynh có trình độ, có thời gian, trách nhiệm và tâm huyết với hoạt động giáo dục của con em mình để đảm nhận trách nhiệm này. Giáo viên có quyền giới thiệu nhưng không phải là người chỉ định, lập ra Ban đại diện này. Phụ huynh học sinh cũng phải nhận thức được việc này, có ý thức xung phong tham trên tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích của tất cả gia đình học sinh, vì hoạt động giáo dục con em ngày một tốt hơn chứ đừng vì lợi ích cá nhân.
"Ban đại diện cha mẹ học sinh rất cần thiết, nhưng họ phải có tiếng nói công tâm, tham gia cùng nhà trường vào công tác giáo dục. Đối với việc xử lý sai phạm của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các nhà trường thì Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, vì Hiệu trưởng có trách nhiệm hướng dẫn cho hoạt động của Ban này, để họ tuân thủ quy định đã đặt ra, không lạm dụng quyền của mình để làm những việc không chuẩn mực, đảm bảo yếu tố dân chủ trong hoạt động của mình. Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc điều hành Ban đại diện cha mẹ học sinh".
Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT quy định: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.