Hà Nội

Làm sao chấm dứt việc 'ép' học sinh không thi lớp 10 công lập?

15-05-2024 15:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Tình trạng học sinh có học lực chưa tốt bị "ép" không thi vào lớp 10 công lập liên tục tái diễn gây bức xúc dư luận dù đã bị cấm. Làm thế nào để chấm dứt việc này?

Muôn kiểu "ép" học sinh không thi vào lớp 10 công lập

Thực tế hiện nay, tình trạng "ép" học sinh có học lực chưa tốt không thi vào lớp 10 công lập ở một số địa phương diễn ra ngày càng nhiều với nhiều phương thức như: viết đơn tự nguyện không tham gia thi, không cho học sinh ôn thi cùng cả lớp hay không phát đơn đăng ký dự thi cho học sinh...

Cách đây một tháng, mạng xã hội xuất hiện clip gây xôn xao khi một phụ huynh ở Bắc Giang bức xúc đứng giữa cuộc họp nói với hiệu trưởng: "Chúng tôi đóng tiền học cho con, động viên con mỗi ngày với mong muốn con được thi vào lớp 10 ngôi trường theo đúng nguyện vọng. Thế nhưng giờ nhà trường "nhồi nhét" đi học ngành nghề không phải thi khiến các con nản chí. Tôi mong các con được thi như các bạn nên nhà trường hãy để cho các cháu thi đã. Nếu trượt thì con cũng sẽ vào học nghề chứ có gì đâu mà phải vội vã không cho thi từ đầu".

Tại Hà Nội, hầu như năm nào cũng có học sinh, phụ huynh bức xúc phản ánh về tình trạng giáo viên chủ nhiệm "vận động" học sinh có học lực chưa tốt không nên đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập. Mới đây, phụ huynh phản ánh một số học sinh lớp 9 tại Trường THCS An Thượng, huyện Hoài Đức được nhà trường yêu cầu viết đơn theo mẫu về việc xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025.

Làm sao chấm dứt việc 'ép' học sinh không thi lớp 10 công lập?- Ảnh 1.

Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) là đơn vị phát hành đơn xin “không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10”. Ảnh: MXH

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, TP.HCM, giáo viên phát đơn "xin không tham gia thi tuyển sinh lớp 10" cho học sinh điền tên khiến nhiều học sinh và phụ huynh bức xúc. Theo nội dung của lá đơn, ngoài thông tin của phụ huynh, học sinh và số điện thoại liên hệ, còn ghi rõ: "Căn cứ vào kết quả học tập năm học vừa qua và năng lực nhận thức của cháu không tốt, gia đình nhận thấy khả năng của cháu khó có thể theo học chương trình trung học phổ thông hệ công lập. Nay gia đình làm đơn này xin ban giám hiệu nhà trường cho phép cháu (tên học sinh) không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GDĐT TP.HCM, khóa ngày 6/6/2024".

Tại Nghệ An, một số phụ huynh ở Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) phản ánh, con của họ không được đi ôn thi từ lớp 9 lên lớp 10. Lý do, nhà trường vừa tổ chức 2 đợt khảo sát thi môn toán, văn, ngoại ngữ. Những em nào đợt 1 tổng 3 môn 15 điểm, đợt 2 tổng 12 điểm mới được ôn thi lên lớp 10. Những em dưới mức điểm trên được hướng dẫn ôn thi vào trường tư hoặc dạy nghề.

Không ai có quyền ngăn cản học sinh đăng ký thi vào lớp 10 công lập

Nhìn thẳng vào hiện tượng này, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định: "Thi vào lớp 10 THPT công lập là quyền hợp pháp của học sinh. Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em.

Công tác phân luồng sau cấp THCS, các nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc. Các phòng GD&ĐT, nhà trường cần nêu cao tinh thần tôn trọng quyền lợi, tạo điều kiện để các em đăng ký thi lớp 10 công lập nếu có nguyện vọng. Nếu có hiện tượng vận động học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ xử lý nghiêm".

Nói về nguyên nhân có hiện tượng này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, nguyên nguyên nhân trực tiếp do các trường sợ mất thành tích phấn đấu suốt cả năm học cũng như lo ảnh hưởng danh tiếng của trường.

Để loại bỏ hiện tượng này, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, các địa phương nên bỏ hẳn hoặc không nhắc đến kết quả đỗ lớp 10 công lập và điểm thi lớp 10 của các nhà trường trong báo cáo hay trong các cuộc họp. "Điều quan trọng và cốt lõi, đó là phải thực chất hơn trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, tiến tới học thật, thi thật.

Đối với từng nhà trường phải phân công giáo viên theo sát học sinh, rà soát, phân loại học sinh theo từng năm học và có chương trình kèm cặp học sinh yếu kém ngay từ lớp đầu cấp chứ không thả lỏng, dồn đến lớp 9 mới phân loại, ôn tập liên miên như hiện nay.

Bên cạnh đó, các nhà trường cần xem xét lại quy trình xếp loại học tập và rèn luyện từng năm học; với những học sinh không cố gắng, thiếu ý thức, có biện pháp giúp đỡ nhưng không tiến bộ thì cho lưu ban để tiếp tục củng cố, rèn luyện. Nếu từng năm học làm chuẩn thì việc xét tốt nghiệp THCS cũng cho kết quả chuẩn; không còn hiện tượng điểm học bạ cao nhưng lại không đủ năng lực đi thi.

Làm sao chấm dứt việc 'ép' học sinh không thi lớp 10 công lập?- Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm 2023.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần vào cuộc, trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà trường... để định hình tiêu chuẩn đánh giá mới; đó là ngoài văn hóa thì các mặt năng lực khác của học sinh cũng phải được ghi nhận nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả các em".

Đồng tình về quan điểm này, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, chỉ khi nào cha mẹ học sinh và học sinh không muốn học THPT hoặc không có khả năng theo học THPT do hoàn cảnh kinh tế hoặc do học lực... thì đành học nghề kết hợp học văn hóa trình độ trung học.

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, bản thân giáo viên và các trường không đủ năng lực tư vấn định hướng nghề nghiệp chỉ dựa vào thành tích học tập vốn nặng tính hàn lâm. Để tư vấn đúng, phải có các bài trắc nghiệm khách quan, ngoài ra giáo viên phải học kỹ năng của chuyên gia tư vấn hướng nghiệp…

Thi lớp 10: Không nên quá lo lắng khi chọn trường có Thi lớp 10: Không nên quá lo lắng khi chọn trường có 'tỷ lệ chọi' cao

SKĐS - Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển lớp 10 của từng trường THPT công lập, nhiều học sinh và phụ huynh tỏ ra lo lắng, nhất là việc đăng ký nguyện vọng đã hoàn tất và không được thay đổi.



Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn