Hà Nội

Khoản thu nào ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu đầu năm học?

04-09-2023 18:33 | Thời sự

SKĐS - Năm học mới chuẩn bị bắt đầu, trong khi học sinh cả nước háo hức được đến trường thì phụ huynh lại bộn bề mối lo cho các khoản thu đầu năm học.

Phụ huynh đau đầu với các khoản thu đầu năm học

Chị Nguyễn Thị Hương Liên (ở quận Hà Đông, Hà Nội) có hai con, con lớn năm nay lên lớp 4, con thứ hai vào lớp 1 chia sẻ: "Học phí ở trường công thấp nhưng các khoản thu đầu năm thật sự đau đầu, tưởng nhỏ mà không nhỏ".

Theo chị Liên, ngoài tiền học phí, sách giáo khoa, đồng phục, dụng cụ học tập và các khoản khác như: trang thiết bị phục vụ bán trú, chăm sóc bán trú, nước uống, quản lý học sinh ngoài giờ, tiếng Anh liên kết, chương trình giáo dục STEM, quỹ ban phụ huynh… thì với cháu lớp 1, vì là đầu cấp nên nhiều khoản mà phụ huynh lớp thống nhất đóng để mua mới như: điều hòa, máy chiếu, rèm cửa, cây nước nóng lạnh…

Chị Liên nhẩm tính các khoản chi phí phải đóng đầu năm học cho hai con lên đến gần 15 triệu đồng. Theo chị Liên, đây là một khoản tiền không nhỏ bởi lương một tháng của chị không đủ chi trả các khoản thu đầu năm học cho các con.

"Mặc dù chi tiêu của cả gia đình tôi trong tháng tới sẽ phải siết lại nhưng tôi sẽ đóng đầy đủ các khoản theo yêu cầu của nhà trường cũng như các khoản theo ban phụ huynh lớp thống nhất bởi tôi không muốn con mình trở nên khác biệt", chị Liên nói.

Với anh Nguyễn Việt - phụ huynh học sinh một trường THCS thuộc quận Hoàng Mai bày tỏ: "Một bộ điều hòa có thể sử dụng tốt hàng chục năm nhưng không hiểu sao năm nào ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con tôi cũng kêu gọi đóng góp để mua máy điều hòa nhiệt độ mới. Không chỉ điều hòa, rèm cửa, cây nước nóng lạnh không hỏng sao phải thay?".

Anh Việt thắc mắc thêm, những bộ điều hòa cũ đó nếu ban đại diện cha mẹ học sinh lớp bán lại cho nhà trường thì cũng cần làm rõ nhà trường sẽ sử dụng lại thiết bị đó ra sao, mức thu như thế nào…

Đầu năm học, khoản thu nào ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu? - Ảnh 1.

Phụ huynh đau đầu với những khoản đóng góp đầu năm học mới. Ảnh minh họa

Vừa là một giáo viên đang dạy cấp THCS tại Hà Nội và cũng là một phụ huynh có hai con đang học phổ thông, cô N.H.L rất đồng cảm với những mối lo về các khoản phí đầu năm học của phụ huynh.

"Tiền học phí, sách giáo khoa, tiền đồng phục và tiền bảo hiểm y tế bắt buộc là những khoản cố định mà phụ huynh phải đóng cho con. Ngoài các khoản bắt buộc trên, tôi mong khi tính đến bất kỳ khoản đóng góp nào, nhà trường và phụ huynh cũng nghĩ đến lợi ích của những gia đình đông con hoặc điều kiện kinh tế eo hẹp".

7 khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2023-2024. Về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. 

Cụ thể, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; bảo đảm an ninh, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp - trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Việc thu chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải công khai, dân chủ. Không được quy định mức kinh phí bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Về học phí, cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TP.Hà Nội năm học 2023-2024.

Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác, có trách nhiệm thuyết minh chi phí giáo dục, lộ trình và tỷ lệ tăng học phí các năm tiếp theo. Theo đó, tỷ lệ tăng hằng năm không quá 10% đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Các thông tin này phải được công khai và giải trình với người học và xã hội.

Về vấn đề lạm thu trong trường học luôn gây bức xúc cho phụ huynh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội luôn có chỉ đạo rõ ràng, đồng thời quán triệt rõ trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Ngay đầu năm học, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài Chính có các văn bản hướng dẫn thu, chi trong trường học các cấp, sao cho công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, những khoản nào không được phép sẽ không được thu.

Vấn đề thu chi liên quan đến các hoạt động trải nghiệm hoặc các khoản thu mang tính xã hội hóa, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện. "Hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý, thậm chí sẽ bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu phát hiện sai phạm hoặc để xảy ra lạm thu trong trường học", Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.

Trường hợp nào được miễn, giảm học phí năm học 2023-2024?Trường hợp nào được miễn, giảm học phí năm học 2023-2024?

SKĐS - Những trường hợp được miễn học phí năm học 2023 - 2024 được quy định tại Nghị định 81 gồm trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật.

ĐV
Ý kiến của bạn