Sau điều trị COVID-19 thay vì phục hồi sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý thì nhiều người lại tìm đến các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo với rất nhiều công dụng như bổ phổi, tăng cường sức khỏe, tốt cho người bệnh có các di chứng hậu COVID-19… để sức khỏe được phục hồi nhanh chóng hơn.
Một đồn mười, mười đồn trăm, chưa rõ thực hư công dụng như thế nào, cứ nghe mọi người quảng cáo, truyền tai nhau là mua về, khiến các mặt hàng này trở nên khan hiếm hơn, giá cả cũng theo đó mà tăng.
Sau 7 ngày mắc COVID-19 xét nghiệm âm tính, chị T.T.N.A kế toán một công ty thời trang ở Thanh Xuân quay trở lại làm việc. Đến công ty, thấy nhiều đồng nghiệp tâm sự sau khi khỏi bệnh bị các di chứng hậu COVID như khó thở, ho nhiều, người dễ mệt mỏi… Chưa biết mình có bị các di chứng này hay không, nhưng để chắc ăn, N.A nhờ đồng nghiệp đặt cho 2 lọ thực phẩm chức năng có tinh chất đông trùng hạ thảo được nhập khẩu từ Úc với giá 1,6 triệu đồng.
N.A cho biết, phòng kế toán của chị có 7 người thì có đến 5 người mắc COVID-19, và tất cả đều mua loại thực phẩm chức năng này. Thậm chí có người còn đặt mua tận 10 hộp để dự trữ cho gia đình và biếu người thân.
Khảo sát tại một số hiệu thuốc tại TP. Hà Nội, với mong muốn mua một loại thực phẩm bổ sung để phục hồi cơ thể sau COVID-19, chúng tôi được nhân viên tại một nhà thuốc (Cầu Giấy) giới thiệu loại thực phẩm chức năng có giá 240 nghìn đồng. Theo lời nhân viên, loại thực phẩm này có chứa thành phần của các loại dược liệu cao cấp như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, nhân sâm… rất tốt cho sức khỏe. Uống vào có tác dụng bồi bổ, kích thích ăn ngon, ngủ ngon, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Di chuyển sang cửa hàng khác, chúng tôi cũng được giới thiệu về loại thực phẩm chức năng có các thành phần như ở trên nhưng với giá 330 nghìn đồng và một loại nhập khẩu giá 850 nghìn. Người bán hàng cho biết ngoài tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng, thực phẩm bổ sung này còn giúp làm đẹp da nên rất được ưa chuộng, mỗi ngày hiệu thuốc của chị bán gần trăm hộp, có ngày không còn hàng để bán.
Anh Đ. chủ cửa hàng thuốc tại Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm cho biết, thời gian gần đây, lượng người hỏi mua kít xét nghiệm, hay các loại thuốc điều trị COVID ít hơn hẳn so với cách đây 2 tuần, thay vào đó là các loại thực phẩm giúp bồi bổ cơ thể sau COVID lại có nhu cầu rất cao. Hiệu thuốc chưa có con số thống kê cụ thể, tuy nhiên con số cũng khá lớn khoảng vài chục lượt khách mỗi ngày.
Theo anh Đ. các loại thực phẩm giúp bồi bổ cơ thể sau mắc COVID rất đa dạng, giá cả cũng tùy loại thấp nhất từ vài chục đến vài trăm, đắt hơn là loại nhập khẩu giá lên đến hàng triệu.
Không chỉ tại các cửa hàng thuốc truyền thống, trên các trang mạng xã hội, các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo với tác dụng bồi bổ cơ thể, tốt cho phổi cũng được rao bán tràn lan với đủ các loại từ sản xuất trong nước đến các loại nhập khẩu từ Anh, Úc, Nhật, Hàn Quốc...
Tuy nhiên các loại thực phẩm bán trên không gian "ảo" rất khó kiểm định chất lượng. Nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng cơ thể không tốt lên mà ngược lại tình trạng bệnh còn nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng thực phẩm chức năng buôn lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hơn nữa, việc sử dụng thực phẩm chức năng giống như "dao hai lưỡi", nếu bổ sung dư thừa cũng gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
BS Trần Công Bình, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Nếu sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân vẫn bị ho nặng kéo dài không dứt, ho có đờm, mất ngủ, khó thở, cơ thể mệt mỏi thì nên đến bệnh viện khám để biết rõ về tình trạng sức khỏe.
Bệnh nhân không nên tự mua và dùng thuốc vì việc tự điều trị có thể gây nguy hiểm. Không ít trường hợp bị tổn thương phổi diễn tiến nặng, bệnh nhân không đến bệnh viện khám mà tự chữa trị với nhiều loại thuốc khác nhau, hoặc mua các loại thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường, tới khi vào viện thì tình trạng bệnh đã nghiêm trọng hơn.
Điều quan trọng sau mắc COVID-19 là cần bổ sung dinh dưỡng lành mạnh và tập luyện hợp lý để cơ thể được phục hồi nhanh hơn. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe, chống đẩy, squat,... với cường độ vừa phải và tăng dần. Điều này giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu, có thể giúp phổi phục hồi nhanh hơn.