Nhiều chiêu trò bán hàng dụ nông dân
Sáng 22/3, trên địa bàn xóm Thọ Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, có 2 người tự giới thiệu mình là nhân viên Công ty TNHH SX & TM Quốc tế Á Châu (Công ty TNHH Á Châu), địa chỉ ở tổ 4, ấp Bưng Cơ, xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai về tại nhà văn hóa xóm tổ chức hội thảo, giao lưu tặng quà và chăm sóc sức khỏe, nhưng thực chất là lợi dụng để tư vấn, giới thiệu sản phẩm để bán cho người dân hàng trăm hộp thực phẩm bổ sung.
Để tạo niềm tin cho người dân, những người này ăn mặc rất bảnh bao, chân mang giày bóng lộn, đi xe sang.
Sau khi người dân có mặt đông đủ, những người này liên tục công chiếu những đoạn video, hình ảnh, thuyết minh về "công dụng thần kỳ" của sản phẩm.
Hoàn cảnh nhà neo người lại khó khăn về kinh tế, song vì tin tưởng vào sự giới thiệu cán bộ xã, xóm, lo sợ trước những cảnh báo bệnh tật, bà C. (xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc) cắn răng mua 3 hộp "thực phẩm bổ sung SURE PRO" với giá 1,5 triệu đồng.
"Khi mua 3 hộp này với giá 1,5 triệu đồng, chúng tôi được họ tặng thêm 3 hộp nữa và 1 lọ tinh dầu xoa bóp An Mộc Đơn, đồng thời hứa hẹn sau 20 ngày nữa sẽ trở lại hoàn trả toàn bộ số tiền 1,5 triệu đồng mà tôi đã mua. Giờ tôi cũng không biết là sản phẩm này có thật không và có tác dụng gì không nữa ", bà C. chia sẻ.
3 hộp "thực phẩm bổ sung SURE PRO" với giá 1,5 triệu đồng và lọ tinh dầu xoa bóp được tặng thêm
Không chỉ bà C., ở xã Nghi Vạn có hàng trăm người cao tuổi đã bị nhóm người này mời chào với hình thức tương tự. Ông Hồ Trọng Thái, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Nghi Vạn xác nhận có xảy ra tình trạng nói trên.
Cũng theo ông Thái, toàn bộ 33/33 xã của huyện Nghi Lộc đều tổ chức thực hiện chương trình này. Hiện mới chỉ triển khai tại xã Nghi Tiến, Nghi Trung, Nghi Công và Nghi Vạn còn các xã khác chưa triển khai. Ông đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để dân khỏi bị "tiền mất, tật mang" .
Sau khi tiếp cận được với sản phẩm thực phẩm chức năng mà người dân đã mua, phóng viên đã thực hiện quét mã vạch in trên sản phẩm, cũng như tra trên mạng thì đều nhận được kết quả là không tìm thấy sản phẩm này.
Ai cấp phép, ai "tạo điều kiện"?
Trao đổi về tính pháp lý liên quan đến các hoạt động tư vấn, giới thiệu, bán sản phẩm thực phẩm bổ sung cho người già của những đối tượng trên, ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Lộc cho biết: "Chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông báo nào về việc Công ty TNHH Á Châu tổ chức chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn."
Việc Công ty tự ý tổ chức bán thực phẩm bổ sung là đã vượt quá thẩm quyền. Theo quy định, các đơn vị được phép giới thiệu sản phẩm nhưng không được bán, bởi vì cần phải thời gian để người dân tìm hiểu thông tin sản phẩm.
Ông Phan Công Văn - Chủ tịch UBND xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc thông tin: "Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thực hiện hội thảo tư vấn, giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Á Châu."
Qua tìm hiểu thì Công ty TNHH SX & TM Quốc tế Á Châu đã có công văn về việc: Hội thảo tư vấn, giới thiệu sản phẩm gửi Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Nghệ An và ngày 02/6/2021, Chi cục đã có văn bản số 216/AT-NV trả lời Công ty TNHH SX & TM Quốc tế Á Châu.
Trao đổi với phóng viên bà Nguyễn Thị Bé, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An cho biết: ngày 02/6/2021, Chi cục đã có văn bản số 216/AT-NV trả lời Công ty TNHH SX & TM Quốc tế Á Châu, công văn nêu rõ: Sau khi nghiên cứu hồ sơ gửi kèm và các tài liệu liên quan, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ: Các sản phẩm này không thuộc phạm vi điều chỉnh về xác nhận nội dung quảng cáo được quy định tại Nghị định số 15 / 2018 / NĐ - CP của Chính phủ ngày 02/02 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Việc Công ty TNHH SX & TM TM Quốc tế Á Châu tổ chức giới thiệu, bán sản phẩm là hoạt động quảng cáo, xúc tiến thương mại thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Công thương và vấn đề giả cả, niêm yết giá đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Quản lý thị trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ trên địa bàn huyện Nghi Lộc, thời gian qua người dân trong tỉnh liên tiếp phản ánh về các cuộc hội thảo khác nhau và đều có cách thức hoạt động tương tự. Họ thu hút người dân bằng giấy mời, thông qua các tổ chức đoàn thể ở địa phương và thông báo có quà tặng miễn phí.
Những tờ công văn, giấy giới thiệu hay chữ ký xác nhận, qua nhiều bước đã trở thành "giấy thông hành" cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng để tạo niềm tin với người dân, qua đó dễ dàng thực hiện các hành vi lừa đảo một cách "hợp pháp".
Việc lợi dụng lòng tin của người dân, mưu cầu sức khỏe của người bệnh để bán hàng không đúng mục đích là hành động đáng lên án và cần được các cơ quan chức năng của huyện Nghi Lộc, cũng như tỉnh Nghệ An khẩn trương vào cuộc, làm rõ, xử lý nghiêm và cần có những cảnh báo để bà con không bị mắc lừa "tiền mất, tật mang".
Mời độc giả xem thêm video:
Hậu COVID-19 - Thay đổi trong lối sống sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn