Hơn nửa thế kỷ qua, TTND.GS.TS Huỳnh Phương Liên luôn miệt mài cống hiến. Những thành tựu trong suốt hành trình nghiên cứu khoa học của GS.TS Huỳnh Phương Liên đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất vắc xin của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành điểm sáng trong nền y học dự phòng của Việt Nam.

Hành trình nghiên cứu vắc xin  - Ảnh 2.

"Những điều tôi làm không có gì là kỳ tích, tôi chỉ làm tròn nhiệm vụ của mình với tất cả tinh thần và trách nhiệm, một khi đã làm chỉ nghĩ đến việc cống hiến hết mình bằng tất cả nhiệt huyết và đam mê" - đó là chia sẻ của TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên trong lần chúng tôi gặp bà tại nơi làm việc. 

Sinh năm 1940, sống trong gia đình có bố theo cách mạng, mẹ là y tá, GS.TS Huỳnh Phương Liên luôn cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc về truyền thống cách mạng của gia đình. 

Lớn lên ở Quảng Nam, năm 1954 cả gia đình bà tập kết ra Bắc. GS Liên cho biết: "Nhà tôi có 8 anh em thì 4 người "đi B", 2 người đi bộ đội. Đến đứa em út cũng hào hứng muốn ra trận như các chị, các anh. Ba tôi vẫn đồng ý cho 8 đứa chúng tôi lên đường. Khi ấy má tôi cứ khóc thương con thì ba tôi bảo: "Nhà có 8 đứa mà có hy sinh 1, 2 đứa cho cách mạng thì cũng tốt chứ sao".

Nói đến đây, GS Liên mở tủ lấy ra tập album ảnh của gia đình lật dở từng trang cho tôi xem rồi bà kể tiếp: "Lúc chuẩn bị nhận nhiệm vụ tôi bị đau răng khôn nên phải về rồi vào Bệnh viện Việt Đức để nhổ răng. Thời chiến tranh tôi chỉ được nghỉ 1 ngày, sáng hôm sau tôi phải đến nơi đóng quân ngay, nhưng má thương tôi má cứ lẽo đẽo đi theo sau. Đã dự đoán nên tôi đi lòng vòng để má không theo kịp nhưng thế nào cũng không cắt được. Tôi đành đợi má đến và bảo má cứ đi theo con thế này lộ hết bí mật, con sẽ bị kỷ luật đó. Má khóc và quay lưng trở về, đứng cho má đi được một đoạn tôi trốn vào một cây to để khi má quay lại nhìn không thấy tôi nữa".

Hành trình nghiên cứu vắc xin  - Ảnh 3.

Ngược dòng thời gian, trở lại những năm 1966 đến 1972, GS Liên là cô sinh viên Y khoa chuyên ngành Vi sinh như trưởng thành hơn trong những năm tháng chiến tranh gian khó. 

"Từ chủ trương chung của ngành y tế phân công bác sĩ vào nam tham gia "chống chiến tranh vi trùng", khi đó Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã chỉ đạo và phân công 3 người vào chiến trường nghiên cứu vắc xin, trong đó tôi được phân vào quân khu V. Trước khi đi B, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch có gọi tôi lên dặn dò: "Các cháu đi B lần này với kiến thức chuyên khoa vi sinh vào chiến trường phải sản xuất bằng được 3 loại văc xin: Tả, thương hàn, đậu mùa để phòng chiến tranh vi trùng xảy ra. Giặc có thể dùng biện pháp này để gây dịch bệnh hàng loạt cho nhân dân ta, cho bộ đội ta, làm cho sức khỏe của chúng ta kiệt quệ để chúng dễ bề đánh chiếm nước ta…", GS.TS Huỳnh Phương Liên nhớ lại.

Nhận công tác tại đơn vị có mật danh K15, thuộc Ban Dân y khu V, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cô bác sĩ trẻ sửng sốt khi đứng trước vài ngôi nhà lá xung quanh là cây cối rậm rạp che khuất cả ánh nắng mặt trời mà cô giao liên trẻ gọi là "cơ quan". 

Bà kể: "Thế nhưng, nơi tôi đến không có phòng thí nghiệm. Dụng cụ phục vụ cho nghiên cứu cũng không có gì, dù chỉ là một chiếc ống PET (ống đong thí nghiệm thủy tinh). Sau đó, nhận được chi viện của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương gửi vào, cả cơ quan phải huy động người đi nhận và cõng hàng về mất 20 ngày. Đồ đạc phục vụ cho phòng thí nghiệm chỉ thô sơ, đơn giản với những chiếc tủ ấm nuôi cấy vi sinh chạy bằng đèn dầu hỏa, được điều chỉnh nhiệt độ vừa đủ để vi khuẩn phát triển".

Dù thiếu thốn nhưng một phòng thí nghiệm giữa chiến trường cũng được dựng lên. Cô gái trẻ cùng đồng đội căng dù trắng, xung quanh bọc bằng nilong, trông hệt như một phòng thí nghiệm bình thường. Tới nỗi, ai đi qua cũng phải bất ngờ: "Tại sao giữa chiến trường lại có thể dựng lên một phòng thí nghiệm như thế?"

Sau 6 năm đói ăn, đi mót sắn chất độc hóa học cũng chẳng có, cả cơ quan phải ăn củ nưa (một loại củ rừng rất nhiều nhựa) cho dù ngâm, rửa, luộc 2-3 lần đổ nước nhưng ăn xong mọi người đều bị nôn mữa, đau bụng, có người nôn ra máu. Trong khi đó, Bác sĩ Nguyễn Văn Thái trước đây công tác ở bệnh viện Việt đức, Hà nội (tốt nghiệp năm 1961) ở Ban dân y Khu đến vừa lúc bà đau bụng quằn quại, BS Thái liền tặng bà mấy câu thơ: Tạo hóa sinh ra cái củ nần/ Ăn vô ngứa ngáy khắp toàn thân/ Ăn xong nôn ọe lăn ra khóc/ Chỉ tại tham ăn nên cực thân!


Hành trình nghiên cứu vắc xin  - Ảnh 4.

Năm 1974, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử đoàn đi tập sinh khoa học ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Huỳnh Phương Liên là 1 trong 5 người được chọn. Đi ra từ chiến tranh, học tập, nghiên cứu để phục vụ chiến tranh nhưng ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng GS Liên vẫn đang học ở CHDC Đức. 

"Tiêu chuẩn của chúng tôi là đi 3 năm. Nhưng đến năm 1975, qua vô tuyến, chúng tôi biết Miền Nam đã được giải phóng. Cả đoàn vui quá, ai cũng háo hức xin được về. Vì vậy, đi 2 năm, chúng tôi trở về nước. Và tám năm sau tôi quay trở lại Đức bảo vê luận án Phó Tiến sĩ", GS Liên tâm sự.

Hành trình nghiên cứu vắc xin  - Ảnh 5.

Trong suốt gần 25 năm sau đó, công việc của GS Huỳnh Phương Liên gắn với phòng thí nghiệm để nghiên cứu về sốt xuất huyết, sởi, rubella, cúm. Nhưng có một loại virus mà khi ấy gây ra cái chết cho hàng nghìn trẻ em trên toàn quốc. Đó là viêm não Nhật Bản (VNNB). 

Viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm virus cấp tính hệ thần kinh trung ương, xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Véc tơ truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex tritaeniorhynchus. Bệnh lưu hành hầu hết các nước thuộc châu Á và Tây Thái Bình Dương. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 50.000 trường hợp mắc bệnh. Đây là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong từ 20%-30%, 50% số còn lại để lại di chứng thần kinh với hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Ở nước ta, dịch thường xảy ra rải rác hàng năm khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhóm tuổi từ 1 đến 15 tuổi.

VNNB được truyền qua véc tơ là muỗi, đốt các động vật mang mầm bệnh như lợn và chim, theo một vòng tuần hoàn. Sau đó virus nhân lên ở muỗi và truyền bệnh cho người. Muỗi Culex tritaeniorhynchus là véc tơ truyền bệnh chủ yếu ở châu Á. Ở miền Bắc Việt Nam chỉ số mật độ muỗi Culex tritaeniorhynchus tăng cao từ tháng 4 đến tháng 9 và tần số mắc bệnh VNNB tăng cao từ tháng 5 đến tháng 7. 

Chỉ trong 5 năm (1988-1992) đã có 4.130 trường hợp viêm não cấp tính được thông báo từ 23 tỉnh, thành phố. Tập trung nhiều ở vùng đồng bằng và vùng bán sơn địa có trồng lúa nước ở miền Bắc Việt Nam. Trước tình hình đất nước đang bị bệnh dịch hoành hành mà chưa có phương án giải quyết thì nước ta nhận được sự giúp đỡ từ Nhật Bản.


Hành trình nghiên cứu vắc xin  - Ảnh 6.

Năm 1989 GS, TS Huỳnh Phương Liên được cử đi học ở Nhật về công nghệ sản xuất vắc xin viêm não (VNNB) ở viện Biken (kanonji city) thuộc Trường Đại học Osaka, Nhật Bản. "Thời gian học chỉ 1 tháng, nhưng nếu tính kỹ thì chỉ có 19 ngày làm việc". Với một quy trình công nghệ gồm 24 công đoạn, phải ứng dụng những kiến thức về vi sinh, hóa sinh, lý sinh, miễn dịch…

Đây là công nghệ sản xuất vắc xin VNNB từ não chuột (VX thế hệ 1) là vắc xin bất hoạt, tinh khiết, được WHO công nhận chất lượng và cấp phép lưu hành trên thị trường thế giới. Nói thì dễ nhưng để ứng dụng thành công công nghệ này không dễ dàng với các nhà nghiên cứu. 

"Đất nước đang chờ chúng tôi, những đứa trẻ và gia đình đang mong ngóng chúng tôi. Vậy là tôi lao động miệt mài, có ngày 24/24 giờ tôi ở viện để thực hiện và theo dõi các thí nghiệm. Có hôm cả 2 con sốt cao co giật, ở nhà gọi về đưa các con đi cấp cứu. Tâm trạng tôi lúc nào cũng sôi lên trong lòng. Chồng tôi là bộ đội, luôn đi công tác xa. Một mình tôi phần lo cho sức khỏe của các con, phần công việc thí nghiệm đang dở dang… Chưa kể bao nhiêu khó khăn chồng chất thời bao cấp. Nhưng rồi "Trời, Phật" cũng đáp lại lòng kiên trì, say mê và quyết tâm của chúng tôi", bà tâm sự. 

Những loạt vắc xin sản xuất thử nghiệm đầu tiên ra đời, sau khi tự kiểm định chất lượng cho thấy kết quả đạt 10 tiêu chuẩn của Nhật Bản. 

"Chúng tôi gửi sang viện Biken để kiểm tra lại chất lượng và được trả lời bằng văn bản cho viện trưởng viện VSDT Hà nội là 4/4 loạt vắc xin này đều đạt các tiêu chuẩn chất lượng của WHO. Tôi biết điều đó sẽ đến, nhưng khi cầm trên tay thư chúc mừng và giấy chứng nhận kết quả, tôi sung sướng đến sững sờ, mừng khôn kể xiết! Vì tôi nghĩ: Dễ gì có được kết quả kiểm định tầm cỡ này", GS. Phương Liên kể lại. 

Khi này phía bên Nhật Bản vô cùng ngạc nhiên. Các nước khác đến học từ 5 đến 6 tốp mà mỗi tốp đi 5 đến 6 người vậy mà không làm ra vắc xin. Việt Nam đi có 2 người, sang chưa đầy 1 tháng mà lại hoàn thiện được cả một quy trình. 

GS Liên giải thích: "Khi học tôi cố gắng ghi chép tỉ mỉ tất cả các công đoạn cũng như tỉ lệ sau này về Việt Nam mới làm ra được vắc xin, chứ nói thực làm theo quyển sách mà phía bên Nhật phát cho thì không thể làm ra được vắc xin. Các nước khác đến học thì họ chỉ ôm khư khư quyển sách hướng dẫn đó. Và hơn nữa, khi trở về nước tôi đã phải xin cho kỳ được chủng giống để về nhân giống và nghiên cứu".

Tháng 6 năm 1992 Bộ Y tế quyết định cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người. Tại thời điểm này đang đỉnh dịch VNNB. Thời tiết nắng nóng, bệnh dịch viêm đường hô hấp đang diễn ra. Lại một thách thức lớn cho các nhà nghiên cứu giữa lúc này. Liệu các cháu bé đang ủ bệnh và tiêm vắc xin xong phát bệnh thì sao? Mặc dù vắc xin của VN là dạng bất hoạt (virus chết). Các cháu đang viêm đường hô hấp cấp tính, liệu đánh giá về phản ứng phụ sau tiêm vắc xin thử nghiệm có lẫn các triệu chứng của các vụ dịch trên không? 

Nhưng nếu không làm thì sẽ kéo dài 1-2 năm nữa vì phải sản xuất loạt khác, kiểm định lại 3 cấp: cơ sở, kiểm định quốc gia, Kiểm định quốc tế. Sau khi đủ 3 chứng nhận kết quả GS Liên cùng các cộng sự lại làm đơn xin Bộ Y tế để thử nghiệm lâm sàng trên người. Liệu lúc đó các vụ dịch như trên có lặp lại không?

"Cuối cùng chúng tôi phải đưa ra quyết định: đành thử thách với rủi ro! Chúng tôi đã chọn 2 nhóm đối tượng một cách ngẫu nhiên tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Tỉnh Hà Bắc (cũ). 200 cháu khỏe mạnh từ 1-5 tuổi theo đăng ký của cha mẹ các cháu, sau đó đánh số thứ tự từ 1-200. Các cháu mang số chẵn tiêm một loại vắc xin và số lẻ tiêm một loại vắc xin (vắc xin của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và vắc xin đối chứng của Viện Biken Nhật Bản). Hai loại vắc xin này được mã hóa A và B trước khi tiêm, người xét nghiệm cũng không biết vắc xin A là của ai và B là của ai (gọi là phương pháp thử nghiệm mù kép). Các mẫu huyết thanh lấy trước khi tiêm và sau khi tiêm vắc xin được xẻ ra 3 phần bằng nhau, phải giữ đúng mã số, bảo quản đúng tiêu chuẩn để gửi đi Trung tâm kiểm định Quốc gia và một phần gửi đến Viện Biken, Nhật bản để định lượng hiệu giá kháng thể trung hòa bằng kỹ thuật trung hòa giảm đám hoại tử (PRNT)", GS Liên cho biết.

Hành trình nghiên cứu vắc xin  - Ảnh 7.

Sau 4 tháng hồi hộp chờ đợi, cuối cùng cũng nhận kết quả của từng trẻ theo số thứ tự của nhóm A và nhóm B. Kết luận cuối cùng của Viện Biken là kết quả có đáp ứng kháng thể 100% ở cả 2 nhóm với hiệu giá kháng thể trung hòa GMT (HGKTTH) nhóm A là 3,71 và nhóm B là 3,41. Phía Biken rất ngạc nhiên về kết quả này. 

GS Liên hồ hởi nói: "Khi mở mã : Nhóm A là vắc xin của Biken HGKTTH 3,71log, và B là vắc xin của chúng tôi 3,41log. Về phía chúng tôi rất tự tin vì kiểm định của chúng tôi cũng cho kết quả tương tự. Nhưng khi cầm trên tay Giấy chứng nhận các kết quả chi tiết trên thì không thể tả hết nổi vui mừng sung sướng đang dâng trào! Kết quả đánh giá về tính an toàn với các phản ứng phụ được khoa dịch tễ của Viện VSDT TƯ thống kê so sánh cho thấy nổi trội hơn là phản ứng sốt 37-38oC chiếm 30-40%. Phản ứng này là do ảnh hưởng của các vụ dịch sốt do virus và dịch viêm đường hô hấp cấp ở cả 2 nhóm thử nghiệm". 

Sau những thành công này, vắc xin đã được sử dụng tiêm chủng cho trẻ em ở một số vùng nguy cơ cao của Miền bắc. Năm 1997, Bộ Y tế chính thức quyết định đưa vắc xin VNNB vào chương trình tiêm chủng mở rộng mỗi năm 2-3 triệu liều (4-6 triệu liều trẻ em) nhờ đó mà bệnh VNNB đã giảm trên 50% vào năm 2000 (bằng phương pháp xác định kháng thể IgM kháng virus VNNB trong số các ca mắc hội chứng viêm não cấp do virus). Cho đến nay tỷ lệ này tiếp tục giảm chỉ còn 5-10% (2015).

Hành trình nghiên cứu vắc xin  - Ảnh 8.

Nhờ những thành công này mà uy tín của vắc xin VNNB một sản phẩm công nghệ cao. Năm 2001 Việt nam nhận được yêu cầu của phía Ấn Độ, họ yêu cầu gửi trước cho họ 200 lọ vắc xin. Lần đầu có đơn đặt hàng lúc bấy giờ Viện phó Viện VSDTTW, GS Đặng Đức Trạch có gặp và trò chuyện với GS, TS Huỳnh Phương Liên: "Này Liên ơi! Thế cậu có bơm để pha không? Tôi trả lời; em có, bơm vắc xin thành phẩm cũng có! GS Trạch lại hỏi; Vậy giờ xuất khẩu cậu lấy đâu ra? Tôi bảo; Ôi trong kho đầy! em chỉ cần xin giấy phép của bên kiểm định và chuyển sang tiếng Anh. Lúc này GS Trạch mới thở phào và bảo giờ chúng ta sẽ xuất khẩu sang Ấn Độ nhé!", GS Liên kể với giọng hào hứng. 

Sau 2 tháng gửi 200 lọ vắc xin sang cho Ấn Độ, họ trả lời rằng; vắc xin đạt để đưa vào tiêm chủng. Vậy là từ năm 2001 đến năm 2007 Nước ta đã xuất khẩu trên 5.430.000 liều. Cho đến năm 2015, đây là vắc xin đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu (tại thời điểm đó ở Châu Á chỉ có 4 nước sản xuất vắc xin VNNB theo công nghệ này đó là: Nhật bản, Hàn quốc, Thái Lan, và Việt nam). 

GS Liên vui vẻ nói: " Năm 2009, khi đó tôi đi ngoài đường nhìn thấy đâu đâu cũng có bảng chữ đỏ ghi chữ; vắc xin VNNB của Việt Nam đã xuất khẩu 1 triệu liều. Tôi vui lắm! nhìn thành quả sau quá trình lao động vất vả ấy và hơn hết trẻ em Việt Nam không còn phải sợ VNNB nữa". Và cũng từ đây tên Huỳnh Phương Liên gắn liền với vắc xin VNNB.

PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển - GĐ Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn sức khỏe cộng đồng cho biết:  "Trẻ em Việt Nam rất may mắn, Việt Nam là nước sản xuất rất nhiều vắc xin nội địa. Phải nói rằng ngành sản xuất vắc xin đạt được tiến bộ khoa học rất là tốt và chất lượng của vắc xin trong nước đảm bảo được tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới, đó là điều đáng mừng đối với trẻ em Việt Nam. Nhận công nghệ chuyển giao từ Nhật bản thì chúng ta lại chuyển những sản phẩm của chúng ta đến kiểm định và họ thừa nhận, họ đánh giá chất lượng của sản phẩm tương đương với chất lượng sản phẩm của họ, đó là điều chúng ta có thể tin được".

Cả đời cống hiến cho nền y học dự phòng của Việt Nam, năm 1996 bà được phong hàm Giáo sư. Năm 1995 được phong danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và năm 2000 được phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Bà cũng vinh dự nhận các giải thưởng khoa học: Giải nhất VIFOTECH về công nghệ sinh học năm 1995. Giải thưởng KOVALEVSKAIA năm 1999. Giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005. 

Danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước phong tặng cho TTND, GS, TS Huỳnh Thị Phương Liên vào năm 2020, đây là sự ghi nhận cống hiến không ngừng nghỉ trong công cuộc sản xuất vắc xin, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân và cộng đồng.

Với chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn của WHO, giá thành cung cấp cho chương trình TCMR là 10.500VNĐ  cho 2 liều trẻ em và hiệu quả bảo vệ của vắc xin VNNB trong quần thể trẻ em, giảm gánh nặng bệnh tật và di chứng thần kinh, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình và cộng đồng.  Tỷ lệ mắc giảm 40-50% (năm 2000). Năm 2015 chỉ còn 10-15% xác định do virus VNNB trong số viêm não cấp do virus.  

Đó là những kỷ niệm trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của không chỉ riêng bà mà của cả đất nước. BS Lâm Thị Đào, bạn cùng tổ 14 lớpYB vẫn nói về GS Liên: "Phương Liên lúc nào cũng chăm chỉ phấn đấu và phấn đấu miệt mài, từ khi còn ở chiến trường cho đến khi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm". Ngẫm cũng đúng thôi, nhìn quá trình cống hiến của bà thì biết. Ở bất cứ cương vị nào làm bất cứ nghề nào cũng phải nghiêm túc, say mê, nhiệt huyết và quyết tâm  thì sẽ đạt được kết quả mong muốn. 

GS Liên tâm sự: "Thực ra, tôi chẳng nản bao giờ, khó khăn đến mấy, tôi vẫn nỗ lực vượt qua, bởi với tôi, nghiên cứu vắc xin là niềm đam mê cháy bỏng. Trải qua những gian khổ, ác liệt trong chiến tranh, tôi như được rèn đúc thành một con người kiên cường hơn, không bao giờ chịu lùi bước, quyết tâm sản xuất vắc xin để giảm tỉ lệ mắc và tỷ lệ di chứng do viêm não ở Việt Nam. Từ những đam mê ấy, đến nay, món quà quý giá mà nữ khoa học gia dâng tặng cuộc đời chính là vắc xin viêm não Nhật Bản, thành tựu giúp thay đổi số phận của hàng chục triệu trẻ em Việt Nam". 

Tạo hóa ban cho mỗi người một lĩnh vực dù bất cứ ở đâu, thành thị, nông thôn, miền núi hay ở các chiến trường ác liệt mà GS Liên và ngành Y đã trải qua… họ đều dành trọn đời mình miệt mài, say sưa lao động, sáng tạo… làm việc với cái tâm luôn tỏa sáng tất cả vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân!

Dùng năng lực, dùng cái tâm, hiểu biết của mình để cống hiến cho xã hội, cho đến khi nghỉ hưu nữ TTND.GS.TS Huỳnh Phương Liên vẫn tiếp tục cống hiến và đảm nhiệm trọng trách tư vấn tại Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (trực thuộc Bộ Y tế).

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn