Hơn 20 năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình, bác sĩ Nguyễn Thị Lan từ quê lúa Thái Bình đã tình nguyện chọn vùng đất xa xôi, đầy khó khăn là xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, Sơn La để nhận công tác. Cả tuổi xuân của chị đã dành trọn cho vùng đất quê hương "Vợ chồng A Phủ".

Nữ bác sĩ hơn 20 năm gắn bó với quê hương “Vợ chồng A Phủ”. Thực hiện: Tuấn Khánh

Nữ bác sĩ hơn 20 năm gắn bó với quê hương “Vợ chồng A Phủ” - Ảnh 2.

Khi chúng tôi đang trò chuyện với BS Nguyễn Thị Lan thì có cặp vợ chồng người dân tộc chở theo một đứa trẻ, chân đang chảy máu đầm đìa vào trạm để cấp cứu, BS Nguyễn Thị Lan vội chạy ra đón bệnh nhân vào trạm y tế.

Sau khi sơ cứu, khâu vết thương cho bệnh nhân xong, bác sĩ Lan động viên cháu bé và liên tục dặn người nhà là về nhớ giữ sạch vết thương và đặc biệt không được đắp các loại lá kẻo nhiễm trùng. 

Qua ánh mắt, cử chỉ giữa BS Lan và bà con dân tộc ở đây, chúng tôi cảm nhận được đây không chỉ đơn thuần mối quan hệ giữa bác sĩ và người bệnh mà như là những người thân trong gia đình.

Hồng Ngài là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Bắc Yên, Sơn La. Từ trung tâm huyện, vượt qua những cung đường đèo uốn lượn, heo hút, hiểm trở gần 10km mới đến được với trung tâm xã Hồng Ngài. 

Xã Hồng Ngài có diện tích hơn 5.600ha, gần 5.000 nhân khẩu với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống.  Bác sĩ Nguyễn Thị Lan tâm sự: "Hơn 20 năm trước, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Thái Bình, khi hỏi ý kiến bố mẹ thì mẹ nói: "Con đi đâu cũng là để làm việc cống hiến cho đất nước, làm việc ở trạm y tế nào cũng là để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào mình". 

Vậy là chị rời quê hương Thái Bình chọn vùng đất khó khăn là xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, Sơn La công tác.

Nữ bác sĩ hơn 20 năm gắn bó với quê hương “Vợ chồng A Phủ” - Ảnh 4.

Ngày mới nhận công tác về đây, điều kiện vô cùng thiếu thốn, đường đất đi lại rất vất vả, phải đi bộ từ huyện vào đến trung tâm xã. Lúc này trạm y tế xã ở cùng UBND xã, điện chưa có, cơ sở vật chất gần như không có gì. 

Nhiều lúc, bác sĩ Lan cũng làm thấy nản lòng muốn bỏ về quê nhưng rồi tự động viên bản thân và cùng đồng nghiệp cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Chị và đồng nghiệp quyết đưa quê hương "Vợ chồng A Phủ" đổi thay, đẩy lùi hủ tục, từng bước nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe khi ốm đau - là nên đến trạm y tế để được chăm sóc, điều trị chứ không cúng bái hay tự ý dùng thuốc.

Nữ bác sĩ hơn 20 năm gắn bó với quê hương “Vợ chồng A Phủ” - Ảnh 5.

Xã Hồng Ngài là một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, với đa số đồng  bào dân tộc sinh sống nên vẫn còn nhiều hủ tục. Bà con chưa nhận thức được việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, khi ốm đau không đến trạm y tế mà nhờ thầy cúng.  

Đây là những khó khăn mà đội ngũ cán bộ y tế cũng như bác sĩ Nguyễn Thị Lan đã phải mất nhiều năm để thay đổi. 

Nhớ lại kỷ niệm đáng nhớ và ấn tượng sâu đậm, bác sĩ Lan chia sẻ: "Trước đây ở bản có một phụ nữ đã đặt vòng thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhưng không may qua đời, người nhà nạn nhân bắt các cán bộ y tế phải lấy vòng ra để chôn cất. Các cán bộ y tế lúng túng không biết xử lý tình huống này ra sao. Cuối cùng đành phải nói người nhà ra ngoài hết rồi đậy vải lên để thực hiện lấy vòng nhưng kỳ thực các cán bộ y tế không lấy ra".

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan trò chuyện cùng mẹ chồng và con gái qua điện thoại. Thực hiện: Tuấn Khánh


Nữ bác sĩ hơn 20 năm gắn bó với quê hương “Vợ chồng A Phủ” - Ảnh 7.

Gắn bó với xã Hồng Ngài đã hơn 20 năm, bác sĩ Lan thuộc từng dãy núi cao, con suối sâu đến những thôn, bản nghèo nàn, xa xôi, từng gia đình đồng bào dân tộc. 

Để đồng bào nơi đây tin tưởng vào cán bộ y tế, đến trạm y tế để chữa bệnh thì ngoài việc tuyên truyền, thuyết phục bà con thì phải đến cùng ăn, cùng ở hiểu được tập tục, lối sống của bà con.

Khi được điều trị khỏi bệnh, bà con tin rằng đến trạm y tế xã sẽ được chăm sóc, điều trị khỏi bệnh để từ đó bà con tin tưởng vào cán bộ y tế, mỗi khi đau ốm là đến trạm y tế xã. 

Hằng tuần, Trạm Y tế xã Hồng Ngài phân công cán bộ xuống từng bản nắm bắt tình hình, tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho đồng bào. Trạm Y tế luôn có cán bộ trực 24/24 giờ để tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.

Nữ bác sĩ hơn 20 năm gắn bó với quê hương “Vợ chồng A Phủ” - Ảnh 9.

Đồng bào ở đây đã quý mến ai thì họ sẽ mở lời để nhận bố mẹ nuôi cho con mình. Cứ thế, bác sĩ Lan lần lượt làm mẹ nuôi của những đứa trẻ ở đây. 

"Có những người con nuôi của tôi giờ đã lập gia đình và có con, có người đang là sinh viênTính ra giờ mình cũng đã lên chức bà rồi đấy", bác sĩ Lan cười hạnh phúc.

Nữ bác sĩ hơn 20 năm gắn bó với quê hương “Vợ chồng A Phủ” - Ảnh 10.

Sau những chuyến đi xuống các thôn, bản hoặc thăm khám cho người dân ở trạm y tế, bác sĩ Lan lại trở về với căn phòng nhỏ trong dãy nhà công vụ.  

Gia đình BS Nguyễn Thị Lan phải chia ra sống ở hai nơi, con gái lớn ở quê Thái Bình với bố và bà, con trai còn nhỏ sống với mẹ ở nhà công vụ trạm y tế. Từ nhỏ, cháu sống với mẹ và đi học luôn tại trường tiểu học xã. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan tâm sự: "Từ ngày có con ở cùng cuộc sống cũng bớt hiu quạnh, 2 - 3 tháng chị lại thu xếp công việc mới có thể về quê thăm chồng, thăm con. Trong thời gian dịch COVID-19 xảy ra gần năm trời chị không thể về quê, chỉ có thể nói chuyện với chồng, con qua điện thoại". 

Con gái lớn chị năm nay cũng bắt đầu bước vào tuổi dậy thì rất cần có mẹ bên cạnh để bảo ban trong cuộc sống cũng như trong học tập nhưng điều kiện xa xôi nên chị phải thường xuyên gọi điện động viên cháu đồng thời chỉ bảo cháu các bài tập mà cháu chưa hiểu. 

Bác sĩ Lan cho biết, chính sự thông cảm thấu hiểu nỗi vất vả trong công việc của mẹ nên các con chị đều tự giác, chăm ngoan.

Nữ bác sĩ hơn 20 năm gắn bó với quê hương “Vợ chồng A Phủ” - Ảnh 11.

Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, việc vận động bà con đồng bào dân tộc tiêm vaccine phòng COVID cũng gặp nhiều khó khăn do bà con chưa hiểu hết lợi ích của tiêm vaccine phòng nên nhiều người đã không đồng ý việc tiêm phòng. Bác sĩ Nguyễn Thị Lan đã cùng đồng nghiệp thực hiện tiêm phòng đầy đủ tạo niềm tin cho người dân. Ngoài ra, các cán bộ y tế đã cùng các cấp chính quyền, các ban ngành địa phương đến từng thôn, bản sức vận động, thuyết phục để bà con hiểu về lợi ích khi tiêm vaccine phòng  COVID-19. 

Những đợt uống vitamin, tiêm chủng mở rộng, bác sĩ Lan lại cùng đồng nghiệp vượt qua những con đường lầy lội, trơn trượt, đầy nguy hiểm đến từng bản  làng, hộ gia đình. Ngoài ra, chị cũng kết hợp với các đoàn thiện nguyện thực hiện các chuyến thăm khám cho bà con tại các thôn, bản.

Nữ bác sĩ hơn 20 năm gắn bó với quê hương “Vợ chồng A Phủ” - Ảnh 12.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho bà con đồng bào dân tộc, hơn 20 năm qua, từ lãnh đạo xã, thôn bản cho đến đứa trẻ, người già các dân tộc đồng bào dân tộc nơi đây đều yêu quý và xem BS Lan như người thân của mỗi gia đình.

Chị luôn mong mình có nhiều sức khỏe, cơ sở vật chất của Trạm y tế xã Hồng Ngài được đầu tư tốt hơn cả về trang thiết bị nhân lực để nâng kịp thời điều trị và chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi đây góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở.

Ý kiến của bạn