Nhọc nhằn nghề điều dưỡng tâm thần (video sử dụng ca khúc Có một nghề - sáng tác: Xuân Trí; thể hiện: Lê Nhung).
Những ngày cuối tháng 8, Hà Nội chớm thu, nắng không quá gắt mà nhẹ nhàng, ấm áp. Sau khoảng 40 phút di chuyển, trải qua chặng đường hơn 30km từ trung tâm Hà Nội đến xã Hoà Bình (huyện Thường Tín), tôi có mặt tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I từ sớm để gặp một nhân vật đặc biệt.
Đó là anh Hoàng Tiến Lân - Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng, người đã có hơn 22 năm gắn bó với người bệnh tâm thần tại đây. Đón tôi với một nụ cười thân thiện, người đàn ông trung niên với vóc dáng nhỏ nhắn, hiền lành, tác phong, ăn mặc rất chỉn chu.
Thay vì ngồi tại phòng làm việc, tôi ngỏ lời muốn anh dẫn đi tham quan Khoa Phục hồi chức năng để hiểu hơn về công việc thường ngày ở đây.
Anh dẫn tôi lên tầng 2 của Khoa. Vào một phòng bệnh, anh đến cạnh giường một bệnh nhân nữ, vừa đưa tay ra thì người này lập tức co rụt lại né tránh, nằm co cụm trên giường, hỏi gì cũng không trả lời.
"Đây là trường hợp đặc biệt nhất ở khoa, bệnh nhân mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trước khi đến bệnh viện thì bị nhốt trong một phòng kín, mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, đại tiểu tiện đều tại chỗ. May mắn được phật tử địa phương cảm thương đưa đến bệnh viện điều trị", anh quay lại tâm sự với tôi.
Nam điều dưỡng trưởng bảo, chăm sóc những trường hợp này phải có tình thương đặc biệt mới làm được. Vì bệnh nhân bị bệnh bẩm sinh, gần như sống chỉ theo bản năng, không biết giao tiếp, sinh hoạt cá nhân.
Thế nhưng những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt như thế này cũng không phải là hiếm tại bệnh viện. Ở đây lâu anh mới thấy người bệnh tâm thần họ phải chịu những khổ cực như thế nào!
Anh chia sẻ, đặc thù chăm sóc người bệnh tâm thần là chăm sóc toàn diện - tức là mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều phụ thuộc vào nhân viên y tế.
Ở các chuyên khoa khác, người bệnh nằm viện lúc nào cũng sẽ có người nhà đi cùng chăm sóc nhưng với bệnh nhân tâm thần thì ngược lại. 90% bệnh nhân ở đây là nhân viên y tế chăm sóc thay người nhà - từ ăn, uống, tắm rửa, cắt tóc, cạo râu, ngủ nghỉ, bài tiết cho đến các vấn đề về tinh thần, tâm lý.
Với người bệnh tâm thần đòi hỏi kỹ năng của người điều dưỡng sẽ khác với các chuyên ngành khác. Đặc biệt, điều dưỡng tâm thần là phải biết lắng nghe. Lắng nghe để thấu cảm. Tức là thấu hiểu và đồng cảm.
Có những người bị sang chấn tâm lý, bị những cú sốc cuộc đời dẫn đến tổn thương các thực thể ở não. Nguyên nhân dẫn đến tâm thần rất đa dạng như thất tình, làm ăn thua lỗ, sang chấn tâm lý, áp lực xã hội… Vì vậy, người điều dưỡng phải đóng vai như một người bệnh tâm thần giống họ thì người ta mới chia sẻ. Khi thì làm người yêu, lúc thì bố mẹ, bạn bè… Bất cứ vai nào mình cũng diễn được, để tiếp cận người bệnh, tạo cho họ cảm giác gần gũi, thân quen.
Nghe thì đơn giản nhưng việc tiếp cận người bệnh tâm thần không phải là chuyện đơn giản. Đó là một quá trình rất vất vả đòi hỏi sự kiên trì. Người thường khó một thì người bệnh tâm thần khó mười.
Nhiều khi phải "điên" giống họ thì mới gần được với họ. Lúc đó người bệnh mới chia sẻ những điều thầm kín thậm chí chính gia đình còn không biết. Từ những khai thác đó sẽ có định hướng chăm sóc và điều trị giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn.
"Làm bạn với người bệnh tâm thần suốt nên nhiều khi ở đây còn không biết ai là người tỉnh, ai là người điên luôn!" – anh cười nói.
Rời khỏi buồng bệnh, chúng tôi bắt gặp một bệnh nhân nam chừng 30 tuổi đang la ó liên tục đòi gặp bác sĩ: "Bác sĩ cho cháu về. Cháu có bị làm sao đâu mà vào đây? Cháu còn phải tìm người yêu!"
Thế là cuộc trò chuyện của chúng tôi phải tạm ngừng. Anh đưa bệnh nhân vào một phòng riêng, 2 người ngồi "tâm sự" một lúc khá lâu, bệnh nhân mới chịu để cho y tá tiêm thuốc và trở về phòng.
Anh kể bệnh nhân này bị ảo tưởng mới vào đây được 2 ngày, lúc ở nhà lấy kéo đâm bố đẻ. Những trường hợp này khi tiếp xúc phải đặc biệt cẩn thận nếu không rất dễ bị tấn công.
Nói đến bị tấn công, anh cười bảo:
"Ở đây nó thành đặc sản rồi, xảy ra như cơm bữa!"
Người bình thường khi thấy khó chịu sẽ tự đi đến viện khám. Nhưng làm gì có ai nhận mình bị tâm thần và đến bệnh viện điều trị. Gần như người bệnh tâm thần được đưa đến bệnh viện theo dạng cưỡng bức, phải nhờ người trói, thậm chí xiềng xích.
Khi đến đây điều đầu tiên cần làm tiêm thuốc cho người bệnh ổn định, bớt căng thẳng. Chứ trong giai đoạn cấp thì rất khó làm việc và cũng là lúc nguy hiểm nhất. Người bệnh họ phản ứng tâm lý bằng cách tấn công lại nhân viên y tế. Đấm, đá, bóp cổ, hoặc vớ được bất cứ vật dụng gì đều có thể dùng để tấn công.
Có khi người bệnh đang bình thường đột ngột kích động hoặc có cơn xung động bất chợt cũng có thể tấn công nhân viên y tế. Có bệnh nhân không chịu uống thuốc, không chịu ăn cơm, hất cả bát canh nóng vào nhân viên y tế.
Còn nếu không đánh được thì họ chửi. Nếu không có lòng vị tha, sự kiên nhẫn thì khó mà chịu nổi công việc này.
Vì vậy để chăm sóc được người bệnh tâm thần là cả một kỹ năng đặc biệt: "Điều dưỡng tâm thần khác với nghề khác. Không phải ai cũng chịu được cái nghề này đâu! Trước hết phải có lòng yêu nghề. Không có lòng yêu nghề thì khó làm được. Phải yêu nghề thì mới thấy được mặt tích cực của nó! Còn không nhìn đâu cũng thấy tiêu cực!" – anh chia sẻ.
Trong hơn 20 năm làm nghề điều dưỡng, bản thân anh cũng không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần bị người bệnh tấn công. Nhưng lần khiến anh nhớ mãi là ngày anh mới vào bệnh viện.
"Lúc đấy mình tiêm vào đùi của họ. Lúc đầu bệnh nhân rất hợp tác, nhưng tiêm gần xong rồi thì bệnh nhân bất ngờ vung tay đấm vào mặt mình khiến mình bị choáng và ngã sấp xuống. Xong bệnh nhân cứ thế chạy đi, phải hô hoán anh em đi bắt lại. Lúc bắt được thì chân bệnh nhân vẫn còn găm mũi tiêm trên đùi"- anh kể.
Sau khi bị đánh, mắt anh đau nhức cả đêm không ngủ được. Hôm sau đi viện khám, cũng may không bị tổn thương gì nhưng mắt bị thâm quầng, về các bạn đồng nghiệp đùa rằng nhìn như con gấu trúc! Phải đeo kính đen mất hơn một tháng.
"Sau khi được trải nghiệm làm 'gấu trúc', mình mới công nhận cái nghề này nó nguy hiểm thực sự!" – anh cười nói.
Anh kể trong khoá của anh trước đây cũng rất nhiều bạn làm trong ngành y. Nhưng người lựa chọn ngành tâm thần thì rất hiếm. Ngày đấy ngành tâm thần không được coi trọng. Vì thu nhập thấp mà chưa được quan tâm như hiện nay, cơ sở vật chất còn thô sơ, nghèo nàn, công việc lại nguy hiểm nữa.
Thời bấy giờ cũng có sự phân biệt nghề nghiệp, kể cả trong đồng nghiệp với nhau. Khi đi học mà giới thiệu trong ngành tâm thần thì cứ có một cái gì đó như rào cản với các chuyên khoa khác.
"Những ông lao, phong, tâm thần đi hội nghị là người ta không thích tiếp xúc đâu!" – anh kể.
Rồi đi đâu người ta cũng hỏi anh làm ở đấy có bị ảnh hưởng không? Có không bình thường như bệnh nhân không? Rồi có bị lây không? Cảm giác đi đâu cũng không được tôn trọng.
Có lần khi đi họp lớp cấp 3, các bạn gặp lại nhau hỏi han về công việc. Anh bảo mình công tác ở bệnh viện tâm thần. Từ đấy các bạn gọi anh với biệt danh là "Lân tâm thần".
Tôi thắc mắc: "Một công việc lương thì thấp, lại nguy hiểm, vất vả như vậy thì đã có khi nào anh cảm thấy chán nản và muốn bỏ nghề hay chưa?
"Chắc chắn là có!" – anh trả lời dứt khoát.
Bây giờ cũng đã sang tuổi trung niên, đã trưởng thành và chín chắn nên cảm thấy công việc ổn định hơn. Nhưng lúc tuổi trẻ mới vào làm nghề thì rất dễ nản. Chuyện nhân viên y tế nghỉ việc là bình thường. Rất nhiều bạn không chịu nổi và lựa chọn ra đi, để có một công việc khác thu nhập cao hơn, có tương lai hơn và ít rủi ro.
Ở góc độ gia đình, cả hai vợ chồng anh đều công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Anh coi đó là duyên nợ. Có vợ cùng ngành thì dễ được thông cảm, thấu hiểu hơn. Nhưng cũng có cái khó. Vợ anh công tác tại phòng chỉ đạo tuyến nên thường xuyên phải đi các tỉnh để chuyển giao, đào tạo cho tuyến dưới. Đi lâu nhất khoảng hơn 1 tháng, còn bình thường thì một tuần khoảng 2-3 lần, về 1-2 ngày rồi lại đi.
Những lúc vợ đi công tác, mình anh vừa phải ôm việc của người mẹ, vừa ôm việc của người cha, xong còn công việc tại bệnh viện. Có thể nói là không lúc nào rảnh. Đó cũng là những khó khăn rất lớn. Làm sao để vừa hoàn thành công việc, vừa chăm sóc tốt cho gia đình.
"Vậy tại sao anh Lân lại lựa chọn tiếp tục bám trụ với nghề điều dường tâm thần?" – tôi hỏi.
"Chắc là do những trải nghiệm!" – anh trả lời.
Anh kể có lần một bệnh nhân tận trong Hà Tĩnh được đưa ra bệnh viện điều trị. Sau đó người nhà không đón về, bỏ luôn người bệnh. Bệnh viện đã gửi công văn về địa phương, thông báo 3 lần nhưng vẫn không thấy người nhà lên đón. Hầu như tiền ăn uống của người bệnh đều được bệnh viện chu cấp hết. Sau đó Giám đốc Bệnh viện quyết định cho một chuyến xe chở người bệnh về quê.
Khi về đó rồi mới biết gia đình bệnh nhân còn có 2 người bị tâm thần nữa là ông bố và em trai. Người mẹ thì đã bỏ đi vào miền Nam thi thoảng mới về. Thế là cuối cùng không những không trả được bệnh nhân mà còn phải đưa trở lại bệnh viện, xong anh còn bỏ tiền túi ra cho người nhà bệnh nhân để làm quà.
Anh nhớ lại: "Tình huống lúc đó đúng là dở khóc dở cười thật. Nhưng chứng kiến hoàn cảnh đáng thương như vậy mình khó cầm lòng được. Mà ở viện này thì có không biết bao nhiêu người bệnh tâm thần đáng thương. Họ bị gia đình, xã hội xa lánh, ruồng bỏ. Xót xa lắm!"
"Trong một bài hát có câu: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Nhưng đúng như vậy thật! Từ cái đó tạo ra động lực để mình yêu nghề hơn. Mình nghĩ mẹ mình hơn 30 năm công tác tại bệnh viện mà có bỏ nghề đâu. Đến thời mình đã phát triển hơn thì tại sao lại bỏ? Từ đó suy nghĩ lại mới quyết định ở lại bệnh viện, để bám trụ lại với nghề điều dưỡng tâm thần. Thôi thì làm người "điên" cũng có cái hay!" – anh đùa vui.
Tôi chợt để ý đi đến đâu bệnh nhân nhìn thấy anh đều vẫy tay tươi cười như gặp người thân của họ vậy. Thậm chí có bệnh nhân còn "đòi" ôm anh. Bằng một cách nào đó, anh đã chiếm được tình cảm, lòng tin của các bệnh nhân ở đây.
Anh tâm sự: "Mỗi lần người bệnh điều trị ổn định và ra viện, người ta cảm ơn mình thích lắm! Mặc dù chỉ là lời cảm ơn thôi chẳng có gì đâu nhưng mình nhìn người ta ra khỏi cổng bệnh viện, tái hoà nhập cộng đồng, người ta làm một người bình thường, cái đấy là hạnh phúc nhất của người điều dưỡng! Có những thứ tiền bạc không thể mua được!"
Anh bảo người bệnh tâm thần tính chất điều trị lâu, trung bình khoảng 2 tháng, lâu thì nửa năm. Tính ra hàng ngày anh ở với người bệnh còn nhiều hơn ở với người nhà. Vậy nên anh coi bệnh nhân ở đây cũng như người nhà của mình.
"Đã bao giờ các bạn nghĩ người bệnh ở đây điều trị xong về làm gì để sống chưa?" – anh hỏi tôi rồi tự trả lời: "Không ai nghĩ đâu! Hầu như người bệnh đã nằm ở đây thì sẽ bị cả đời. Họ phải phụ thuộc vào kinh tế, chăm sóc của gia đình. Họ về cũng không có nghề gì kiếm sống, dần dần sẽ bị bê tha".
Anh chia sẻ, mong muốn của người bệnh tâm thần là trở thành một người bình thường, được cống hiến cho xã hội. Nhưng thử nghĩ với cái bệnh án tâm thần thì xin việc ai người ta dám nhận, kể cả những công việc thủ công. Nhiều khi tâm sự với người bệnh người ta bảo muốn làm một người bình thường mà khó quá! Muốn làm một nghề nghiệp gì ổn định để kiếm sống, muốn lấy vợ, có con nhưng bản thân bị bệnh này cả làng cả xã người ta biết rồi ai còn muốn lấy nữa.
"Đó là những kì thị với người bệnh tâm thần. Nghe họ tâm sự những ước muốn mà mình thật sự thấy xót xa. Cũng là con người, mà những thứ tưởng chừng như rất đơn giản với mọi người thì họ lại chẳng thể nào có được!", anh chia sẻ.
Có những người ở đây còn không muốn về nhà vì ở viện quá quen rồi. Họ không hoà nhập được với xã hội. Vì bản chất người bệnh sống ở trong bệnh viện lâu quá bị thu rút khỏi xã hội, không thích ứng được với những thay đổi của xã hội. Đưa tiền cho người ta cũng không biết đi chợ.
Vì thế mong muốn của anh và đồng nghiệp là dạy được cho người bệnh những kỹ năng cơ bản đó. Để làm sao người ta biết đi chợ, biết chăm sóc gia đình. Ví dụ biết nhặt rau, rửa bát. Đó cũng là một thành công rất lớn với người điều dưỡng.
Anh tâm sự: "Người ta nói nghề điều dưỡng như một người bảo mẫu. Vừa làm cha, vừa làm mẹ. Có lúc phải rắn, có lúc phải mềm. Làm sao phải hoà nhập được với người bệnh. Nghề điều dưỡng cũng như làm dâu trăm họ, nhất là với chuyên ngành tâm thần lại càng khó!"
Dù khó khăn là thế, nhưng với Hoàng Tiến Lân, anh vẫn luôn tự hào với nghề mà anh đã chọn. Tự hào vì được chăm sóc những mảnh đời khuyết tật, chắp vá.
Hoàng Tiến Lân sinh ra trong một gia đình có truyền thống ngành y. Mẹ anh cũng là điều dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I từ năm 1968 và nghỉ hưu sau 32 năm cống hiến. Bởi thế mà lớn lên anh cũng muốn kế thừa truyền thống gia đình, theo nghề của mẹ.
Còn cái duyên với người bệnh tâm thần thì nó ngấm vào máu anh từ khi còn nhỏ. Trước kia khi bệnh viện mới thành lập, cơ sở vật chất rất nghèo nàn, chưa có nhà trẻ cho con em cán bộ viên chức. Vì thế mà mẹ thường mang cả anh đến bệnh viện tham gia những giờ trực để tiện trông nom.
Ngày đó với một đứa trẻ 3-4 tuổi như anh còn chưa nhận thức được thế nào là bệnh tâm thần. Chỉ biết đó là những người không bình thường và người ta bị bệnh dân gian hay gọi là "điên".
Khi mới đến bệnh viện trực cùng mẹ, anh còn rất sợ, cứ nhìn thấy bệnh nhân là chạy. Sau này khi tiếp xúc nhiều rồi, bệnh nhân tâm thần với anh lại có một cái gì đó rất gần gũi. Thế rồi lớn lên được đào tạo bài bản và anh lựa chọn đến với ngành tâm thần.
"Đúng là cái nghề nó chọn mình chứ không phải mình chọn nghề. Nó ăn vào tiềm thức!" – anh cười nói.
"Từ trước đến nay khi nhắc đến điều dưỡng, người ta thường nghĩ đến nữ nhiều hơn là nam. Vậy nam giới làm công tác điều dưỡng có gì khác biệt với nữ không?" – tôi hỏi anh.
Anh cười bảo: Nam giới thì người ta nghĩ phải làm cái gì đó to lớn, sức mạnh. Vì thế khi chọn nghề điều dưỡng, bản thân anh cũng có nhiều bất tiện hơn đồng nghiệp nữ. Nhưng không phải thế mà nam giới không thể trở thành một người điều dưỡng.
Chúng tôi hay ví von nghề này giống như chăm sóc gia đình. Điều dưỡng nam như người cha, còn điều dưỡng nữ như người mẹ. Người mẹ chăm sóc gia đình bằng tình yêu của phụ nữ. Con người cha không phải không thương con mà cách thể hiện tình yêu với con sẽ khác. Điều dưỡng nam cũng vậy!
Anh chia sẻ: Với người bệnh tâm thần mình mong muốn được giúp đỡ người ta, giúp càng nhiều càng tốt. Đó là trách nhiệm của một người điều dưỡng. Mình thấy đóng góp của mình chỉ là điều nhỏ bé, không phải cái gì quá lớn lao! Mình mong muốn được đóng góp phần nào đó để cải thiện sức khoẻ tâm thần cho cộng đồng cũng như giúp cho xã hội, để mọi người hiểu hơn về chuyên ngành tâm thần!
BSCKII Nguyễn Tuấn Đại, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: Người điều dưỡng trong chuyên khoa tâm thần có một vai trò vô cùng quan trọng không thể thiếu được trong quá trình thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh. Với chuyên môn đòi hỏi sâu thường ít nhất là điều dưỡng chuyên khoa tâm thần, Chuyên khoa 1, thạc sỹ... Họ phải làm các thao tác chuyên môn khó nhất như tiêm, truyền, cho người bệnh kích động ăn sonde... cho đến những việc chăm sóc nhỏ nhất như cắt tóc, cạo râu, gội đầu, rửa mặt, tắm cho người bệnh.
Ngoài chuyên môn đòi hỏi cao người điều dưỡng còn phải có trái tim nhân hậu, lòng yêu nghề, yêu thương người bệnh thực sự mới có thể hoàn thành công việc. họ còn tự trang bị cho mình kiến thức tâm lý học khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh dỗ dành người bênh uống thuốc, tiêm thuốc, ăn cơm,
Khó có thể kể hết nhưng khó khăn vất vả và sự nguy hiểm của người điều dưỡng chuyên khoa tâm thần. Nhưng nếu không có họ thì người bệnh tâm thần sẽ rất khó điều trị và ổn định trở về với gia đình.