Ngày 7/11/2023, UBND TP. Hà Tĩnh ban hành văn bản số 2887/UBND-GDĐT về việc tổ chức phát động "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm". Văn bản yêu cầu phòng GDĐT, các trường học trên địa bàn, UBND các xã phường... thực hiện nghiêm túc các quy đinh hiện hành về dạy thêm, học thêm.
Theo nội dung văn bản, đối với nhà trường dạy học 2 buổi/ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh. Việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyên cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường (nếu phụ huynh có đề nghị bằng văn bản).
Không dạy thêm đối với trẻ mầm non đã hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1, học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Cũng theo nội dung văn bản, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý của giáo viên đó.
Những năm qua, UBND TP. Hà Tĩnh đã quan tâm, chỉ đạo, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Ngành GDĐT thành phố cũng tập trung tăng cường công tác quản lý, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra, gây những áp lực và ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, thể chất, cũng như thời gian nghỉ ngơi của học sinh...
Trước thực trạng trên, UBND TP. Hà Tĩnh tổ chức phát động, vận động cam kết và thực hiện "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm", trong toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh các trường THPT, THCS có nhiều cấp học trên địa bàn. Không tổ chức, tham gia hoạt động dạy thêm, học thêm trong ngày chủ nhật hàng tuần.
Anh Lê Đức Thắng (SN 1986, có con học lớp 4 phường Thạch Quý), cho biết trước đây ngoài học ở trường anh cho con học thêm 5 buổi, 2 ngày thứ 7 và chủ nhật đều phải học.
"Thấy con học nhiều quá vợ chồng tôi rất áp lực và thương cháu. Nhưng thấy con người ta đi học thêm đều mà con mình ở nhà thì sợ thiếu kiến thức. Chính vì thế, việc tổ chức phát động "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm" chúng tôi rất đồng tình", anh Thắng nói.
Với tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè nên hầu hết các phụ huynh đều tìm chỗ cho con học thêm. Điều này đã trở thành “phong trào” đối với phụ huynh. Có cung ắt hẳn có cầu khiến tình trạng dạy thêm, học thêm đã trở nên khá tràn lan trên khắp các địa bàn.
Cô Trần Thị Thủy Nga - Trưởng phòng GD&ĐT TP. Hà Tĩnh, cho biết đang tích cực vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Việc phát động "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm" nhận được sự đồng tình rất cao của các giáo viên, phụ huynh, học sinh.
"Thực tế ngày chủ nhật phải để các em học sinh tham gia các hoạt động thể thao, có thời gian nghỉ ngơi gần gũi bên gia đình. Các giáo viên họ cũng thấy thoải mái, không bị áp lực. Đây cũng là vấn đề để xây một trường học hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc", Trưởng phòng GD&ĐT TP. Hà Tĩnh cho hay.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh về ý nghĩa của vệc thực hiện "Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm" góp phần giảm áp lực, căng thẳng trong học tập, đảm bảo sự hài hòa, khoa học trong bố trí thời gian học tập và vui chơi giải trí, giúp các em học sinh phát triển theo tự nhiên, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em theo quy định của Luật trẻ em.
Trước đó, với tinh thần thực hiện quyết liệt, ngay sau khi văn bản được ban hành, Phòng GD&ĐT thành phố đã tổ chức cho hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS ký cam kết với lãnh đạo phòng; giáo viên ký cam kết với lãnh đạo nhà trường; đồng thời, đôn đốc công tác kiểm tra, giám sát, giao trách nhiệm cho người đứng đầu. Phòng cũng thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.