Hải Phòng: Giáo viên được dạy thêm khi nào? Vì sao hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm?

06-10-2023 07:31 | Thời sự

SKĐS - Đây cũng là nội dung được đông đảo giáo viên, nhà quản lý giáo dục và dư luận quan tâm khi Sở GD&ĐT Hải Phòng ban hành quy định chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm.

Dường như năm học mới nào, chuyện hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường lại thành chủ đề bàn tán nhiều nơi. Không chỉ gây chú ý tới dư luận, chuyện dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường cũng được đông đảo những người trong cuộc là giáo viên, các nhà quản lý quan tâm.

Một trong những nội dung mà giới giáo viên đặc biệt quan tâm là họ có được dạy thêm không? Vì sao khi giáo viên trường THPT, Trường phổ thông có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục, trung tâm dạy thêm không đúng quy định (cả trong hay ngoài nhà trường) thì hiệu trưởng của giáo viên đó phải chịu trách nhiệm? 

Chiều ngày 5/10/2023, tại cuộc giao ban báo chí định kỳ, bà Đỗ Thị Hòa - PGĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã thay mặt Sở này giải đáp những nội dung trên. 

Hải Phòng: Giáo viên được dạy thêm khi nào? Vì sao hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Đông đảo giáo viên, nhà quản lý giáo dục và dư luận quan tâm việc dạy thêm. Ảnh minh họa

Về việc giáo viên có được dạy thêm không, bà Hòa khẳng định: Giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường khi đáp ứng các điều kiện sau: Hoàn thành khối lượng nội dung giảng dạy trong trường theo quy định của nhà nước; đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, hành vi, không đưa học sinh học chính khóa của mình về cơ sở dạy thêm bên ngoài, không ép buộc học sinh dưới bất kỳ hình thức nào... và một số quy định khác trong Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT đã nêu. 

Bà Hòa cũng diễn giải: Trên thực tế cũng không thể tránh được việc có học sinh của giáo viên đó đến học thêm cô ở bên ngoài bởi tâm lý phụ huynh muốn cô trên lớp dạy kèm con. Hơn ai hết, cô nắm rõ sức học, khả năng tiếp thu của học sinh mình, từ đó có cách kèm cặp sao cho hiệu quả hơn. Hoặc có những phụ huynh không thể kèm cặp con cũng muốn gửi con nhờ cô giáo giúp. Do đó, việc có học sinh chính khóa của giáo viên đó đến học cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đưa 100% học sinh chính khóa ra ngoài học thêm lớp của mình thì không đúng quy định.

Về nội dung quy trách nhiệm cho hiệu trưởng, người đứng dầu trung tâm và cơ sở nếu để xảy ra tình trạng giáo viên dạy thêm sai quy định (kể cả ngoài nhà trường), bà Hòa cho rằng hiệu trưởng phải thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giáo viên trong hoạt động dạy thêm cả ở trong và ngoài nhà trường. Để xảy ra tình trạng 100% học sinh lớp chính khóa ra ngoài học thêm do cô giáo trên lớp dạy là lỗi hiệu trưởng đã buông lỏng quản lý, chứng tỏ không chi đạo, quán triệt được giáo viên. Còn đương nhiên, hiệu trưởng không thể cấm giáo viên dạy thêm bên ngoài nếu giáo viên đó đáp ứng các tiêu chí như Thông tư 17 đã quy định, bà Hòa nhấn mạnh. 

Hải Phòng chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, thu chi trong trường họcHải Phòng chấn chỉnh dạy thêm, học thêm, thu chi trong trường học

SKĐS - Trước phản ánh không tốt từ dư luận và nhân dân về hoạt động dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục, thu chi trong trường học, Thường trực Thành ủy Hải Phòng yêu cầu xử lý nghiêm, chấn chỉnh dạy thêm, học thêm.

Bày tỏ quan điểm về quy định dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, đông đảo phụ huynh cho rằng "Mình không kèm con được thì phải gửi đi học thêm"; "Gửi cô chính khóa sẽ thuận lợi vừa không chồng chéo thời khóa biểu, cô lại nắm rõ điểm yếu, điểm mạnh của con hơn và tiện đưa đón, gần nhà hơn..."; "Không học thêm sao thi được?"; "Nhu cầu cho con học thêm là có thực, sao lại cấm?" v.v...

Liên quan vấn đề dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, mới đây (3/10/2023) thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ thành ủy Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã ban hành văn bản gửi các đơn vị liên quan (các quận, huyện trên địa bàn, các phòng giáo dục, các hiệu trưởng, cơ sở dạy thêm, học thêm ...) chấn chỉnh hoạt động này.

Theo đó, việc dạy thêm, học thêm được Sở GD&ĐT nhấn mạnh, cần lưu ý: Không ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục của nhà trường; tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

Các đơn vị không bố trí giờ dạy thêm xen kẽ giữa các tiết học chính khóa trong mỗi buổi học cùng một đối tượng học sinh; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm, phải căn cứ vào học lực của từng học sinh.

Sở GDĐT cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định tối đa số buổi, số tiết học thêm trong tuần đối với mỗi khối học để không gây quá tải về thời gian học tập và khả năng tiếp thu của người học. Các trường tuyệt đối không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không tổ chức dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường ngoài 19h30 hằng ngày và ngày nhủ nhật.

Hải Phòng: Giáo viên được dạy thêm khi nào? Vì sao hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 3.

Bà Đỗ Thị Hòa - PGĐ Sở GD&ĐT Hải Phòng lên tiếng việc giáo viên dạy thêm và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Các trường chỉ dạy thêm khi học sinh thực sự có nhu cầu, tự nguyện và được sự đồng ý của gia đình; không được ép buộc gia đình học sinh, học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng phụ huynh, học sinh làm đơn, đăng ký học thêm hình thức, đối phó theo mẫu thống nhất, gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận xã hội. Các đơn vị công khai kế hoạch dạy thêm, học thêm; nguồn kinh phí thu, chi dạy thêm học thêm theo quy định.

Phòng GDĐT quận, huyện chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn các trường tiểu học, THCS, cơ sở giáo dục khác có tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm. Cùng với đó, tham mưu UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, triển khai công tác giám sát, kiểm tra các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quận, huyện đúng quy định.

Đối với các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, Trung tâm, cơ sở giáo dục, hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp phổ biến, quán triệt cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên trong nhà trường các quy định, chỉ đạo của Bộ GDĐT, UBND thành phố, Sở GDĐT về dạy thêm, học thêm. Các trường yêu cầu giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm túc những quy định về dạy thêm, học thêm. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giáo viên trong hoạt động dạy thêm cả ở trong và ngoài nhà trường. Hiệu trưởng, người đứng đầu trung tâm, cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng giáo viên dạy thêm sai quy định.

Ngoài ra, nhà trường phối kết hợp thường xuyên, chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là ban đại diện cha mẹ học sinh để tuyên truyền đến toàn thể phụ huynh học sinh, học sinh về những quy định đối với hoạt động dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, công khai số điện thoại để tiếp nhận tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của công dân theo quy định.

Sở đề nghị UBND quận, huyện tăng cường phối hợp, hỗ trợ Sở GDĐT trong công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định hoạt động dạy thêm, học thêm theo thẩm quyền.

Sở GDĐT sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. 

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

PGĐ Sở GD&ĐT Hải Phòng lên tiếng việc giáo viên dạy thêm và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Dương Đăng Thùy
Ý kiến của bạn