Hà Nội siết chặt hoạt động dạy liên kết trong nhà trường

27-11-2023 07:31 | Xã hội

SKĐS - Sau khi bị phụ huynh "tố" trường học chèn tiết dạy liên kết vào giờ học chính khóa, thêm một huyện của Hà Nội tiếp tục yêu cầu các trường học trên địa bàn dừng hoạt động dạy liên kết để kiểm tra, rà soát.

Tạm dừng toàn bộ các hoạt động liên kết

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, việc dạy học 2 buổi/ngày, trong đó có hoạt động ngoài giờ chính khóa nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, chỉ tổ chức khi có sự tự nguyện của phụ huynh học sinh. Thế nhưng, thực tế lại trái ngược khi vốn là hoạt động ngoài giờ chính khóa nhưng nhiều trường học cố tình sắp xếp giờ liên kết vào trong giờ chính khóa; học sinh nào không đăng ký thì giờ đó phải đi ra khỏi lớp, không ai quản lý; kèm theo đó là các tờ đơn "đăng ký tự nguyện" theo mẫu sẵn để phụ huynh ký tên. Nhiều phụ huynh cho rằng, kiểu đăng ký tự nguyện này là một hình thức ép buộc.

Mới đây, trong công văn gửi hiệu trưởng các trường trên địa bàn huyện, mới đây, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai yêu cầu các trường thực hiện nghiêm Công văn 2590/UBND-ĐKT của UBND huyện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý đối với các hoạt động liên kết trong nhà trường. Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai yêu cầu các trường tạm dừng toàn bộ các hoạt động liên kết kể từ ngày 27/11. Các trường tuyên truyền đến các bậc cha mẹ học sinh về việc tạm dừng các hoạt động liên kết.

Trước đó, một số phụ huynh Trường Mầm non Tam Hưng A (huyện Thanh Oai) bày tỏ bức xúc khi nhà trường tổ chức dạy các chương trình ngoại khóa trong giờ chính khóa. Theo phụ huynh, nhà trường liên kết với một đơn vị mở các lớp Kỹ năng sống, Toán, Tiếng Anh và Gym kids (hoạt động tăng cường giáo dục thể chất) cho trẻ từ 3 tuổi. Điều đáng nói, những trẻ không đăng ký học phải tạm rời lớp sang phòng khác hoặc ra sân trường ngồi. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bức xúc.

Hà Nội siết chặt hoạt động dạy liên kết trong nhà trường- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ngoài Thanh Oai, trước đó, toàn bộ các trường trên địa bàn huyện Thanh Trì cũng đã tạm dừng dạy các tiết liên kết, hoạt động ngoài giờ chính khóa từ ngày 2/10. Theo ông Phạm Văn Ngát, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết, ngành giáo dục huyện sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại việc tổ chức giảng dạy chương trình liên kết và hoạt động ngoài giờ chính khóa để báo cáo theo chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT.

Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cũng ra văn bản yêu cầu các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn yêu cầu tạm dừng toàn bộ các hoạt động liên kết trong nhà trường đến khi các trường có đầy đủ các loại hồ sơ và được Phòng GD&ĐT phê duyệt. Các trường không được sắp xếp thời khóa biểu học chương trình liên kết xen kẽ với các buổi học chính khóa của học sinh. Đồng thời tuyệt đối không được ép buộc học sinh, phụ huynh học sinh học các chương trình liên kết trong nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào.

Không gây áp lực cho học sinh và không gây khó khăn cho phụ huynh

Về phía Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Đào Tân Lý - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học cho biết đã yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu lớp học không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hiện nay, chương trình chính khóa với lớp 1, lớp 2 là 25 tiết/tuần; lớp 3 là 28 tiết/tuần; lớp 4, lớp 5 là 30 tiết/tuần. Định mức giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Mỗi tiết học của học sinh tiểu học không quá 35 phút. Các tiết học chính khóa bắt buộc nhà trường phải thực hiện, không được cắt xén, giảm bớt. Nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện đủ định mức tiết dạy. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã quán triệt tới từng nhà trường yêu cầu việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cần đảm bảo tinh thần tự nguyện. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Các trường có thể đưa ra nhiều nội dung, nhiều chương trình nhưng không để học sinh chọn tất cả nội dung đó. Nhà trường nên khuyến cáo để học sinh chọn từ 1 - 2 nội dung để bảo đảm vừa sức, không gây áp lực cho học sinh và gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.

Chia sẻ về việc dạy liên kết trong nhà trường hiện nay, ông Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Chương trình GDPT 2018 là chương trình mở, chú trọng phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Đây là điều chương trình cũ không có được. Học sinh muốn học thì phải có thầy dạy; trường không đủ nhân sự thì phải đi liên kết. Do đó, việc triển khai dạy 2 buổi/ngày cho phép tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa trong trường học là chính sách đúng đắn, ý nghĩa, đặt ra yêu cầu các trường phải liên kết với các đơn vị có đủ năng lực chuyên môn và có đánh giá chất lượng học tập. Vấn đề ở chỗ, việc triển khai các hoạt động dạy liên kết hiện nay còn nhập nhèm, lộn xộn, hiệu quả mang lại chưa cao.

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, nguyên tắc quan trọng nhất của hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa là phải tự nguyện, theo nhu cầu của học sinh. Việc chèn tiết liên kết vào thời gian chính khóa là không đúng về bản chất học bắt buộc và học tự nguyện. Nhà trường phải có trách nhiệm bố trí nhân viên quản lý với những em không đăng ký học trong khi chờ bố mẹ đón để tránh lộn xộn và nguy cơ mất an toàn. Thêm nữa, kể cả là hoạt động tự nguyện thì nhà trường cũng chỉ nên liên kết với số lượng đơn vị nhất định, tránh tình trạng liên kết vô tội vạ gây rối, gây khó, gây quá tải cho học sinh.

Dạy liên kết tràn lan: Nhiều nơi tạm dừng để kiểm tra, rà soátDạy liên kết tràn lan: Nhiều nơi tạm dừng để kiểm tra, rà soát

SKĐS - Đầu năm học mới, hoạt động chương trình liên kết, kỹ năng sống và tình trạng dạy thêm, học thêm gây bức xúc dư luận. Nhiều địa phương đã có những động thái kịp thời để rà soát và kiểm tra hoạt động dạy liên kết thời gian qua.

ĐV
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn