Nhiều nỗi lo về xếp hạng điểm số
Trần Minh Châu, học sinh lớp 8 (Phú Thọ) chia sẻ, mặc dù lực học của em thuộc top đầu của khối nhưng việc xếp hạng bằng điểm số khiến Châu thấy không vui vẻ và thêm phần cách biệt so với bạn bè. "Em gặp áp lực mỗi khi bố mẹ hỏi về bảng xếp hạng ở lớp, con đứng thứ mấy - top 2 hay top 3. Rồi khi xếp hạng ở lớp cũng làm cho tình bạn của chúng em "bớt thân" hơn khi bạn thì trong top đầu, bạn lại ở top cuối. Em mong muốn bỏ xếp hạng thành tích học tập của học sinh theo điểm tổng kết vì nhiều khi việc xếp hạng này không đúng thực tế".
Có con đang học bậc tiểu học ở Hà Nội, chị Đào Quỳnh Anh nêu quan điểm: Ở một số nước phát triển, phương pháp giáo dục được phân loại thành ba cấp độ: Cấp độ 1: học sinh có năng lực học giỏi tiếp tục học đại học và nghiên cứu; Cấp độ 2: học sinh khá theo học các trường nghề; Cấp độ 3: học sinh trung bình và yếu hướng theo lao động chân tay. "Đã nhiều thế hệ học sinh phải xếp hạng theo điểm số rồi, theo tôi giờ chúng ta nên thay đổi để những em có năng lực học tập không tốt sẽ không phải xấu hổ, lo lắng, áp lực".
Trái với quan điểm trên, nhiều phụ huynh muốn giữ nguyên việc xếp hạng thứ bậc dựa trên điểm số, để biết con mình học giỏi và học yếu môn nào. Anh Trần Nhật - phụ huynh có hai con đang học cấp tiểu học THCS tại Phú Thọ lại ủng hộ việc nhà trường xếp hạng theo điểm số. Theo anh Nhật, khi nhà trường gửi thông báo xếp hạng của con phụ huynh mới biết con mình học kém môn nào từ đó sẽ có điều chỉnh và định hướng tương lai phù hợp cho con.
Chị Đỗ Cẩm Tú - phụ huynh tại Vĩnh Phúc cũng lo sợ, nếu bỏ hoàn toàn việc xếp hạng thành tích bằng điểm số có thể khiến hai con của mình trở nên lười học, không có động lực để phấn đấu. "Tôi nghĩ ở môi trường nào cũng cần có xếp hạng và đánh giá thì mới tạo động lực phấn đấu cho cả người đi học và người đi làm. Việc xếp hạng học sinh bằng điểm số theo tôi nên duy trì".
Thầy cô giáo nói gì?
Thực tế tại Việt Nam, việc xếp thứ tự học sinh không phải yêu cầu bắt buộc của Bộ GD&ĐT hay bất kỳ địa phương nào. Song, các trường vẫn có dữ liệu thứ hạng của học sinh nhằm theo dõi kết quả học tập, đánh giá.
Chia sẻ với PV, cô Nguyễn Thu Hiền - giáo viên dạy Văn một trường THCS tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, bất kỳ hoạt động nào cũng cần được đánh giá. "Nên cần có bảng xếp hạng bởi đến quốc gia còn có các bảng xếp hạng để biết mình ở đâu so với thế giới, vậy sao với ngành giáo lại không? Theo tôi, điều quan trọng là mỗi giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để có những phương pháp giáo dục tích cực, không nên mắng chửi con cái mỗi khi nhận được kết quả ngoài mong muốn".
Cùng quan điểm trên, cô Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng "không có áp lực thì không có kim cương". "Đi làm luôn có deadline, xếp hạng, khen thưởng. Nếu không chuẩn bị cho học sinh những điều đó, các em sẽ đối mặt với thực tế cuộc sống thế nào?". Cô Dương lấy ví dụ trong kỳ thi tuyển 200 học sinh mà có 2.000 em đăng ký thì để trúng tuyển, học sinh phải đứng thứ tự từ 1 tới 200. Hay như khi thành lập đội tuyển học sinh giỏi, giáo viên cũng phải căn cứ vào các bài kiểm tra sàng lọc, chọn ra những học sinh cao điểm nhất. Do đó, việc xếp hạng luôn tồn tại trong giáo dục, không thể loại bỏ hoàn toàn.
Theo cô Dương, quan trọng là cách làm phù hợp, thay vì công khai danh sách của cả lớp rồi phát cho phụ huynh, giáo viên có thể thông báo riêng tới từng em và bố mẹ. "Chúng tôi quán triệt không làm học sinh và gia đình xấu hổ, mất mặt. Giáo viên phải ở cạnh, chia sẻ, chứ để các em cảm thấy sợ và xa cách thầy cô là rất khó để triển khai các biện pháp giáo dục tích cực".
Thầy Ngô Viết Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) cho rằng: Việc bỏ xếp thứ tự học sinh theo điểm tổng kết sẽ tránh được áp lực cho các em, nhất là khi bố mẹ đi họp phụ huynh. Bởi thực tế, ai cũng mong muốn con mình đi học được xếp thứ hạng cao. Tuy nhiên, một lớp có nhiều học sinh khác nhau, không thể bạn nào cũng xếp top đầu được.
"Trong một lớp sẽ luôn có bạn này bạn kia, giáo viên tôn trọng học sinh nhưng không nên đánh đồng tất cả học sinh đều như nhau. Học sinh cũng cần biết mình ở vị trí nào để có động lực phấn đấu. Tôi cho rằng áp lực xếp hạng đối với học sinh hay phụ huynh không quá lớn. Chính vì thế, chúng ta vẫn nên có xếp số thứ tự đó để các em biết mình cần phấn đấu để bằng những bạn có kết quả cao chứ không nên bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, nếu bỏ xếp số thứ tự cũng khó để giáo viên chắt lọc những học sinh top đầu để khen thưởng".