Theo Bộ GD&ĐT, hiện vẫn còn một bộ phận các em học sinh sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, bên cạnh đó việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có dấu hiệu gia tăng.
Còn 3,5% số học sinh từ 13-15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử
Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử độ tuổi 13 -15 là 3,5%.
Tỷ lệ người hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.
Ước tính số tiền người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá hằng năm là 49.000 tỷ VND/năm (năm 2020). Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp.
Một cuộc điều tra mức sống hộ gia đình cho thấy các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn tới gần 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay cho giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con em mình.
Theo các chuyên gia, với lứa tuổi học sinh, khi sử dụng một trong các loại thuốc lá sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, học sinh có nguy gặp phải những căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập.
Do đó, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, Bộ GD&ĐT vừa phê duyệt Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THPT. Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THPT được sử dụng làm tài liệu tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để các cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng.
Tài liệu gồm 85 trang với các nội dung: Khái quát về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá; Hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THPT. Cụ thể, giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THPT sẽ lồng ghép vào bài giảng của 3 môn học, hoạt động giáo dục gồm: Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục kinh tế và pháp luật và Sinh học.
Tài liệu nêu chi tiết về tác hại của thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử với con người nói chung, với thanh thiếu niên nói riêng. Tùy từng nội dung, mức độ tích hợp, đối tượng, điều kiện cụ thể mà giáo viên lựa chọn, phối hợp một cách phù hợp, linh hoạt các hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy, trong đó học sinh là chủ thể của các hoạt động để tìm tòi, khám phá, thể hiện quan điểm, thái độ, vận dụng thực hiện các hành vi phòng chống tác hại thuốc lá.
Nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá có thể lồng ghép giảng dạy trong các môn học
Tại Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội), nhà trường đã yêu cầu giáo viên rà soát chương trình môn học để xác định các nội dung có thể lồng ghép phòng ngừa tác hại của thuốc lá. Thầy cô xây dựng kế hoạch bài giảng có lồng ghép nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá; sưu tầm, hoặc chuẩn bị thêm tài liệu hoặc công cụ khác phù hợp để giảng dạy lồng ghép phù hợp với thực tế của mỗi trường; sau đó, tổ chức dạy lồng ghép trong môn học.
Cô Đào Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đối với các hoạt động ngoài giờ lên lớp được quy định bắt buộc theo các chủ điểm trong chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp của Bộ GD&ĐT, nhà trường lồng ghép nội dung phòng ngừa tác hại của thuốc lá mới trong các chủ đề có liên quan.
Với các hoạt động ngoại khóa và ngoài giờ lên lớp tự chọn, nhà trường xác định với nội dung thiết thực, thường xuyên lồng ghép trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, lao động công ích, sinh hoạt lớp đầu tuần, cuối tuần. "Môn học phù hợp để lồng ghép hiệu quả giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá là Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…".