Nhạc sĩ Trọng Thủy, từ lận đận trong một lời ca…
Nhạc sĩ Trọng Thủy - tác giả ca khúc Gửi anh lá thư viết dở - lúc sinh thời có tâm sự với nhạc sĩ Trần Khánh Nam rằng, câu mở đầu trong ca khúc Gửi anh lá thư viết dở của ông là "Hôm nay trên đường em đi chiến trường..." chứ không phải "Hôm qua trên đường em đi chiến trường..." như lâu nay vẫn phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo phân tích của nhạc sĩ Trọng Thủy, sự việc được đề cập trong ca khúc là tịnh tiến, liên tiếp, xảy ra tại một điểm không gian và thời gian ngắn. Người vợ nơi hậu phương đang trên đường đi tiếp đạn tải lương, tranh thủ lúc tạm nghỉ chân viết vội lá thư hỏi thăm chồng ở ngoài tiền tuyến. Trước diễn tiến đó, lời thư cũng trở nên gấp gáp, ý thư thì cô đọng, nội dung thư thật nén lắng thì mới có thể thông tin đầy đủ cho chồng biết những gì đang diễn ra ở quê nhà trong khoảng thời gian nghỉ chân ngắn ngủi.
Tuy nhiên, do còn vội lên đường làm nhiệm vụ tiếp đạn tải lương, người vợ đành dừng thư, hẹn khi khác sẽ viết thăm hỏi chồng nhiều hơn. Gửi anh lá thư viết dở nghĩa là lá thư đang dang dở, nhưng không có cơ hội để viết tiếp, vì người vợ còn bận đi tiếp đạn tải lương. Thế nên, câu mở đầu của ca khúc phải là "Hôm nay" (sự việc đang xảy ra) chứ không thể là "Hôm qua" (sự việc đã kết thúc). Thêm nữa, nếu là "Hôm qua" sẽ chẳng ăn nhập gì với câu: "Ơ, vội quá đi thôi em còn lên đường tiếp đạn tải lương/ Hẹn anh khi khác em sẽ viết nhiều nghe anh".
Ca khúc Gửi anh lá thư viết dở của nhạc sĩ Trọng Thủy được rất nhiều thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải Phóng yêu thích. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều ca sĩ cũng đã lấy ca khúc này làm tiết mục biểu diễn. Nhiều người còn thầm ao ước cưới được người con gái vừa đảm đang, vừa giàu tình yêu chồng như người vợ trong ca khúc Gửi anh lá thư viết dở làm vợ.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chia sẻ: "Tôi biết ca khúc Gửi anh lá thư viết dở từ giữa những năm 60 thế kỷ XX. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là người thông qua, nhạc sĩ Nguyễn Tấn Thi chuyển qua morse (quy ước bằng tín hiệu) từ Thông tấn xã Giải Phóng ra Hà Nội vậy đấy!".
Nói về sự sai lời "Hôm nay" thành "Hôm qua", khiến nội dung ca khúc Gửi anh lá thư viết dở bị sai lệch, nhạc sĩ Trần Khánh Nam nhận định: "Trong những năm tháng đó, thập niên 60 thế kỷ trước, vì hoàn cảnh lịch sử nên văn bản thường được mã hóa bằng tín hiệu để đảm bảo bí mật thông tin.
Quá trình truyền và nhận tín hiệu, có thể gặp những thời điểm tín hiệu bị nhiễu, hoặc tín hiệu bị mất nên khi nhận xong nội dung thông tin điện báo viên sẽ đoán những chỗ còn thiếu rồi điền thêm thông tin theo suy đoán của mình, cũng có thể tốc độ truyền mã morse của người truyền tín hiệu dẫn đến sự nhầm lẫn của điện báo viên nhận tín hiệu, vì thế đã xảy ra sai sót như nêu ở trên".
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam nói rõ thêm: "Thời chiến tranh, người truyền tín hiệu và người nhận tín hiệu không phải lúc nào cũng được phép liên lạc với nhau, mà phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy ước về giờ giấc truyền - nhận tín hiệu, truyền - nhận những nội dung gì, khoảng thời gian bao lâu... Chưa kể, trong lúc nhận tín hiệu, điện báo viên lại nhận nhiều nội dung thông tin. Đó là những nguyên nhân có thể dẫn đến việc nhầm lẫn giữa từ nay và từ qua".
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng cùng nhận định như nhạc sĩ Trần Khánh Nam, khi nói: "Qua phân tích cho thấy, rất có thể từ nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan của điện báo viên, cũng có thể do người truyền tín hiệu mã morse, trong khi ca sĩ hát không chịu tìm hiểu nội dung ca khúc, nên "Hôm nay" đã bị đổi thành "Hôm qua".
"Với sự cân nhắc kỹ lưỡng và có chủ đích, nhạc sĩ Trọng Thủy đã gửi gắm rất nhiều tâm ý của mình vào ca khúc Gửi anh lá thư viết dở, vì vậy dù chỉ một từ cũng rất khó để thay đổi", nhạc sĩ Trần Khánh Nam quả quyết.
Đến lận đận trong… danh hiệu
Theo nhạc sĩ Trần Khánh Nam, một người có hơn 10 năm sáng tác và tham gia biểu biễn phục vụ chiến trường miền Nam, ở Đoàn Văn công Quân khu VI, từ 1964 - 1975, sau ngày đất nước thống nhất lại làm Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng như nhạc sĩ Trọng Thủy rất xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Nhạc sĩ Trọng Thủy đã sáng tác hàng trăm ca khúc phục vụ chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên 30 tác phẩm âm nhạc cho múa và sân khấu kịch.
Một số tác phẩm của nhạc sĩ Trọng Thủy có sức truyền cảm rộng rãi như: Gửi anh lá thư viết dở, Hát về em, Mặt hồ, Khúc hát ngàn thông, Những cô gái trồng rừng, Quê hương tình yêu, Những chiếc gùi...
"Một điều trăn trở, trăn trở đến ngậm ngùi, nhạc sĩ Trọng Thủy cho đến nay vẫn chưa có tên trong danh sách những người được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú", nhạc sĩ Trần Khánh Nam tâm tình.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội.