Nữ nhà báo Đài tiếng nói Việt Nam Nguyễn Mỹ Trà được nhiều bạn bè trong giới báo chí gọi là Cô gái Trường Sa. Mỗi người từ nơi thiêng liêng của Tổ quốc này về đều có chung cảm xúc muốn làm điều gì đó cho Trường Sa nhưng để biến tình yêu thành hành động cụ thể, là một việc không đơn giản. Còn với Trà, chị đã làm được triển lãm ảnh Trường Sa nơi ta đến ở cả Hà Nội (tháng 9/2016) và TP. Hồ Chí Minh (tháng 10/2016 và Tết Đinh Dậu 2017). Triển lãm cũng được trưng bày ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và đến với nhiều trường học ở Hà Nội và TP.HCM trong năm 2016 và 2017.
Một bức ảnh trong cuốn sách : Trung úy thông tin Mai Văn An (giữa) cùng đồng đội thân yêu.
Năm 2018 mở ra với Nguyễn Mỹ Trà thật đẹp với sự ra mắt cuốn sách ảnh song ngữ, tập hợp 150 bức ảnh được chọn từ hàng ngàn khoảnh khắc trong 2 chuyến ra Trường Sa của chị liền trong 2 năm 2016 và 2017. Ngày ra mắt cũng thật có ý nghĩa, 12/3 - chỉ 1 ngày trước kỷ niệm tròn 30 năm trận hải chiến Gạc Ma. Trước giờ ra mắt cuốn sách ảnh song ngữ Trường Sa nơi ta đến trời bỗng đổ cơn mưa rào đầu tiên của năm 2018. Nhiều người nói anh linh của những chiến sĩ hải quân đã hy sinh tuổi trẻ để giữ mảnh đất nơi đầu sóng ở thời khắc tháng 3 lịch sử đã về vui chung với một không gian Trường Sa đang được tái tạo giữa lòng Hà Nội.
Tôi đã đọc nhiều lời khen tặng về những gì chị đã và đang làm cho Trường Sa. Nhưng ấn tượng nhất là nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Tập sách quý này cũng có thể xem như một cột mốc chủ quyền lãnh thổ mà nhà báo Nguyễn Mỹ Trà đã cắm cho quần đảo Trường Sa thiêng liêng của chúng ta”. Ấn phẩm công phu, trang trọng như vậy hẳn là việc làm ra nó cũng không thể đơn giản. Thế nhưng điều gì gây khó nhất cho chị khi thực hiện công trình này ?
Trước khi tôi làm triển lãm ảnh, tức là gần 2 năm về trước, NXB Kim Đồng đã đề nghị tôi làm một cuốn sách ảnh về Trường Sa. Nhưng tôi cứ nấn ná mãi, vì chưa trả lời được những câu hỏi tự đặt ra với chính mình. Khó nhất là tôi cứ tưởng tượng ra suy nghĩ của mọi người. Bao nhiêu nhiếp ảnh gia đã thực hiện triển lãm, ra sách về Trường Sa. Tôi luôn nghĩ liệu cuốn của mình có cần thiết không? Có bị gây hiểu là tôi đánh bóng tên tuổi? Nếu không đưa ra được điều gì mới mẻ thì với lòng tự trọng của một nhà báo, tôi sẽ không làm. Bởi vậy, mặc dù đã thực hiện triển lãm ảnh, sau đó lại đi chuyến thứ hai, chụp thêm rất nhiều ảnh nhưng tôi vẫn chưa biết sắp xếp câu chuyện Trường Sa như thế nào. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì: Biển sinh ra đảo để không còn lặp lại mình. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì nói: Biển nhờ có đảo mà không bị lặp lại. Nhưng đảo thì lặp lại đấy, nếu chỉ đứng trên mặt cát. Đảo giống nhau lắm. Cũng một màu cát trắng. Những căn nhà lính y hệt nhau. Những cây bàng vuông... Nếu không hiểu, không yêu Trường Sa thì chỉ chụp khoảng 10 bức là hết ý tưởng.
Cuối cùng chị đã tìm ra cách kể chuyện theo dạng nhật ký? Cuốn sách đã được mở ra với những tâm sự của một nữ nhà báo lần đầu tiên đối mặt với những cơn say sóng trong một ngày biển động/ giông gió, một sự chào đón theo cách riêng của Trường Sa.
Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà và Hoa hậu Việt Nam 2004 Nguyễn Thị Huyền, đôi bạn thân thiết từ sau chuyến đi Trường Sa năm 2016, tại lễ ra mắt sách ảnh.
Cuốn sách rất đơn giản đó là kể lại hành trình và cảm xúc của chính mình. Đảo có thể lặp, những khuôn hình, bối cảnh, thậm chí là khoảnh khắc có thể lặp lại nhưng cảm xúc thì không ai có thể vay mượn được của ai. Đây là một cuốn sách ảnh nhưng cũng là nhật ký hành trình của tôi. Bởi vậy, cuốn sách có hơi khác bởi không chỉ nhiều ảnh mà nó còn khá... nhiều chữ. Sách bao gồm gần 150 bức ảnh, dày hơn 150 trang với 5 chương: Thao thức Trường Sa, Vẻ đẹp Trường Sa, Quê em Trường Sa, Nhà Giàn DK1, Trường Sa Nơi ta đến. Cuốn sách này hoàn toàn là cái tôi. Tôi bị say/ Tôi nhìn thấy cái này/ Tôi cảm động cái kia... Cái cảm giác sợ hãi rằng mình có thể bị phán xử, bị hồ nghi trước khi làm sách đã lùi lại hết khi tôi tìm ra được hướng đi mà hướng đi lại chính là cái tôi. Khi là chính mình nhưng cũng không hoàn toàn thế, tôi vững tâm trở lại. Tôi cảm giác mình đang nói hộ tiếng lòng của rất nhiều người. Nói hộ cảm giác của một người con khao khát muốn đặt chân tới mảnh đất cực Đông của Tổ quốc. Tôi như đang dẫn họ đi theo hành trình của mình, bằng chính những trải nghiệm của mình. Mình được chân thực với trải nghiệm của mình. Thực sự đó là hạnh phúc của một nhà báo, một người cầm máy.
Và hành trình cảm xúc đó là...
Là hành trình của một cô gái Hà Nội sau bao mong ước cuối cùng cũng đã được lên tàu, đến với Trường Sa. Sau những cơn say sóng khủng khiếp thì chợt thấy trời và sóng Trường Sa đẹp đến ngỡ ngàng. Tận thấy Trường Sa, bạn bỗng sẽ hiểu thấm thía cái cụm từ vẻ đẹp quê hương. Tôi quả thật đã bị choáng khi lần đầu nhìn thấy biển và trời nơi đây. Có lẽ nước biển Maldives cũng chả đẹp bằng thế! Tại nơi đây bạn chỉ cần giơ Iphone lên là cũng có được những bức ảnh đẹp. Rồi những thời khắc quý giá mà mình được trải nghiệm tại Trường Sa: một cơn giông, một cầu vồng, một khung trời qua ô cửa, tiếng ê a lớp học bên bờ sóng xen lẫn tiếng chuông chùa, một mầm cây đang vươn mình ra ánh sáng, những cơn mưa chập chờn phía xa khơi... Bên cạnh đó là sự cảm phục trước cuộc sống khắc nghiệt in hằn trên làn da rám sạm của người lính, là sự biết ơn và tiếc thương về những người anh hùng đã ngã xuống để giữ đảo. Có những bức ảnh mờ nhòe bởi vì lúc chụp tôi vẫn trong cơn say sóng nhưng không muốn bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào. Say cũng vẫn giơ máy lên chụp...
Cuộc ra mắt sách ảnh hôm 12/3 cũng cho thấy rất rõ cảm xúc cá nhân của chị đã đến được với những tấm lòng đồng cảm với Trường Sa. Đó thực sự là một buổi lễ ấm cúng, nơi mọi người không chỉ nói về cuốn sách mà thể hiện tình yêu biển đảo theo ký ức cũng như cách riêng của mình, cùng nhau tạo ra một tình yêu biển đảo giữa lòng Hà Nội.
Rất nhiều rưng rưng trong buổi ra mắt sách. Đó là một sự kiện hoàn toàn không có giấy mời, chỉ chia sẻ thông tin trên mạng, mọi người tự đến. Đài Tiếng nói Việt Nam nơi tôi công tác đã có nhiều phóng viên đã đóng góp về việc tuyên truyền cho biển đảo, đã làm cả một triển lãm Trường Sa qua ống kính VOV, đó là động lực cho tôi mong muốn được tiếp bước. Trong đó có hai nữ nhà báo, là nhà báo Kim Cúc - một trong những nữ nhà báo đầu tiên đến với Trường Sa và nhà báo Thu Lan - người đã ra trực tiếp thực địa vụ hạ giàn khoan Hải Dương 981 để đưa tin tường thuật. Rồi nữ ca sĩ Khánh Hòa, người đầu tiên làm DVD về biển đảo ngay tại Trường Sa... cũng có mặt tại cuộc ra mắt sách ảnh và hát rất cảm động. Họa sĩ thiết kế của cuốn sách - anh Bùi Thắng cũng là một người say mê Trường Sa, đã đi Trường Sa đến 5 lần. Ở Trường Sa, tôi may mắn được Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn cùng thủy thủ đoàn tàu Trường Sa 571, Kiểm Ngư 490 và các thành viên đoàn công tác hết sức tạo điều kiện tác nghiệp. Trở về Hà Nội, tôi có rất nhiều những tấm lòng đã giúp đỡ tôi lan tỏa và nối dài tình yêu với Trường Sa thông qua những hành động cụ thể, chỉ với một tấm chân tình với Trường Sa cho dù họ đã từng đến hoặc mới chỉ biết đến Trường Sa qua sách vở.
Cảm ơn Mỹ Trà vì những chia sẻ chân thành và thú vị. Riêng cá nhân tôi, thấy nể cách làm sách ảnh khoa học, nắn nót, công phu. Cho thấy bản lĩnh của một nhà báo làm công tác thông tin đối ngoại có kinh nghiệm. Cuốn sách ảnh song ngữ này như một thông điệp dịu dàng về tình yêu biển đảo quê hương. Và nó chắc chắn không chỉ có ý nghĩa với những người đang sinh sống ở trên dải đất hình chữ S mà còn rất dễ đi vào lòng những người con Việt Nam ở xa Tổ quốc, như một hình thức truyền đạt tình yêu quê hương đất nước một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và sâu sắc.