Trong phòng khách ở Cung điện Kensington, bông hồng nước Anh đã nói ra những điều khiến cả nước Anh và cộng đồng quốc tế bàng hoàng: Có 3 người trong cuộc hôn nhân này, vì vậy nó hơi đông đúc.
25 năm sau sự kiện đình đám này, một lần nữa cả thế giới lại rúng động trước thông tin được công bố từ cuộc điều tra của Tòa án Tối cao của Anh và xứ Wales: Phóng viên Martin Bashir của kênh BBC đã dùng những biện pháp gian dối để có được cuộc phỏng vấn với Công nương Diana.
Công nương Diana và Bashir trong cuộc phỏng vấn năm 1995. Ảnh: BBC.
Trong 54 phút phỏng vấn, Công nương Diana đã nói những gì?
Đương kim Vương phi xứ Wales đã cho cả thế giới biết rằng, bà đang trong một cuộc hôn nhân với người chồng đã... đem lòng yêu người khác. Bà cũng chia sẻ cảm giác nhẹ nhõm khi mang thai con trai William. Tuy nhiên khi mắc chứng trầm cảm sau sinh, bà bị những người xung quanh coi là “không ổn định về tâm lý”. Người đàn bà ở vị trí mà biết bao cô gái trẻ chỉ có thể gặp trong mơ đã phải đối diện với những ngày khổ sở vì chứng rối loạn ăn uống và bắt đầu tự làm đau chính mình.
Tại cuộc phỏng vấn lịch sử này, người vợ đã ly thân 3 năm của vị vua tương lai cũng thừa nhận bà từng dành tình cảm cho một người đàn ông có tên James Hewitt. Tuy nhiên, bà “đã rất thất vọng khi Hewitt viết sách tiết lộ về mối tình bí mật giữa 2 người”. Bà cũng nói về những âm mưu trong cung điện, bệnh tâm thần. Và rằng Thái tử Charles có thể... không thích hợp với việc làm vua.
Có thể hình dung được sự bàng hoàng của hoàng gia Anh sau đó. Một số người thậm chí còn lo ngại nó có thể làm sụp đổ chế độ quân chủ của Anh.
Chương trình thu hút 23 triệu khán giả Vương quốc Anh (tương đương 39,3% dân số nước Anh thời điểm đó).
“Bà có thực sự nghĩ rằng một chiến dịch đang được tiến hành chống lại bà không?” Martin Bashir đã hỏi Công nương Diana.
“Đúng vậy”, Diana trả lời.
Martin Bashir đã dùng những kỹ xảo nghề nghiệp gì để thực hiện được cuộc phỏng vấn kinh hoàng tầm quốc tế?
Cuộc phỏng vấn với Công nương Diana là một khoảnh khắc lớn cho sự nghiệp của phóng viên Martin Bashir, trở thành một trong những sự kiện truyền hình quan trọng của thế kỷ 20, giành giải BAFTA (Giải thưởng Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh quốc) năm 1996 ở hạng mục Chương trình talkshow hay nhất. Cá nhân phóng viên Bashir được vinh danh là Nhà báo của năm và Người phỏng vấn của năm tại Lễ trao giải Hiệp hội Truyền hình Hoàng gia. Các giải thưởng khác bao gồm 2 giải từ Broadcasting Press Guild, trong đó có giải Nhà báo truyền hình của năm.
Những gì phóng viên Bashir đã làm không phải là một hành động bốc đồng. Nó đã được lên kế hoạch cẩn thận.
Câu chuyện bắt đầu với kế hoạch của Bashir để thuyết phục em trai của Công nương Diana là Bá tước Spencer rằng ông ta có quyền truy cập vào các nguồn tin cấp cao và biết chuyện bên trong về một âm mưu rộng lớn chống lại Diana.
Vào ngày 24/8/1995, Bashir để lại một tin nhắn qua điện thoại với một trợ lý của Spencer: Không tìm kiếm thông tin hay phỏng vấn. Chỉ cần 15 phút để nói chuyện.
Thông tin để thuyết phục em trai Công nương được Bashir âm thầm chuẩn bị từ trước. Ông ta đã tới căn hộ của Matt Wiessler, đồng nghiệp tại BBC ở vị trí nhà thiết kế, đọc chi tiết từ sổ ghi chép về 2 trong số các bản sao kê ngân hàng và yêu cầu đồng nghiệp thiết kế đồ họa. Với những con số chi tiết như là 4.000 bảng từ News International vào ngày 8/3/1994 và 6.500 bảng từ một công ty có trụ sở tại Jersey vào ngày 4/6, nhà thiết kế tưởng rằng Bashir đã thực sự nhìn thấy bảng sao kê ngân hàng của Waller và đã dành cả đêm để thực hiện yêu cầu của đồng nghiệp. Anh ta không thể ngờ, đó là bằng chứng đáng giá nhất khiến em trai của Công nương Diana tin vào tuyên bố giả của Bashir - rằng Công nương đang bị các thành viên trong Hoàng gia Anh giám sát và những người thân cận đang âm mưu chống lại bà. Do đó, Bá tước Charles Spencer sắp xếp cuộc gặp giữa Công nương Diana với Martin Bashir và thúc giục bà lên tiếng.
Dĩ nhiên, trước đó em trai Công nương Diana đã gọi cho sếp của Bashir là biên tập viên Steve Hewlett của Panorama và được ông này đảm bảo rằng Bashir là “một trong những người giỏi nhất của tôi”.
Ngay sau khi cuộc phỏng vấn được phát sóng, nhà thiết kế Wiessler lập tức nhận ra mối liên hệ giữa các tài liệu giả mạo và cuộc phỏng vấn. Ông đã tiếp cận các sếp ở BBC là Tim Gardam và Tim Suter và nói ông đã vô tình bị Bashir lôi kéo vào việc giả mạo bảng sao kê ngân hàng. Tuy nhiên hồi đáp trở lại chỉ là những lời chung chung như “không có gì phải lo lắng”. Tại bữa tiệc Giáng sinh năm đó của Panorama, tức là hơn 1 tháng sau khi cuộc phỏng vấn chấn động thế giới được phát sóng, nhà thiết kế đã kể với một đồng nghiệp khác ở BBC là nhà sản xuất Molloy rằng căn hộ của anh ta đã bị đột nhập. Thứ duy nhất bị mất là 2 chiếc đĩa chứa bảng sao kê ngân hàng. Người tố giác duy nhất Wiessler đã phải trả giá đắt - công việc kinh doanh đồ họa tự do của anh ta cuối cùng sụp đổ, vì vậy anh ta rời London.
Cùng thời điểm, để trả lời cho câu hỏi của Ban Quản lý của BBC thời đó, Bashir đã đưa ra thư viết tay được gửi đến từ Diana. Trong thư có đoạn : Tôi có thể xác nhận rằng tôi đã không bị áp lực không đáng có để trả lời phỏng vấn. Tôi không được Martin Bashir cho xem bất kỳ tài liệu nào cũng như không cung cấp bất kỳ thông tin nào. Tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc phỏng vấn.
Bức thư của Diana đã dập tắt mọi nghi ngờ của Ban lãnh đạo BBC rằng Công nương đã bị lừa hoặc ép buộc.
Mưu đồ của Bashir qua mắt được các giám đốc điều hành cấp cao nhất của tập đoàn truyền thông lớn nhất Anh quốc bởi do chính sự tắc trách trong điều tra, mặc dù ngay từ thời điểm 1996,
họ đã có đủ thông tin chứa đựng những mâu thuẫn rõ ràng trong những giải trình của nhà báo mới ngoài 30 tuổi này.
Đi tìm lời giải cho hành động giả trá của phóng viên Martin Bashir
Bất cứ một nhà báo nào cũng mang trong mình khát vọng trở thành tác giả của những sản phẩm có tác động mạnh mẽ đến xã hội, lan tỏa ảnh hưởng càng sâu rộng càng tốt.
Viết đến đây, tôi nhớ tới câu chuyện một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của ta, thuộc thế hệ đầu tiên của những người cầm máy, sau khi chụp một bức ảnh ở Hồ Gươm với một dáng cây “độc”, đã chặt cành cây đó đi với mục đích không ai sau ông có thể chớp được khuôn hình đó. Hoặc là câu chuyện một phóng viên kinh tế của một tờ báo lớn, khi tới Malaysia để tiến hành điều tra một vụ việc lớn thì đã nhìn thấy phóng viên báo bạn tới trước. Trong phút chốc, anh ấy có cảm giác “muốn giết bọn kia” bởi biết rằng những bài báo về sau của mình sẽ không còn là Một/ là Riêng/ là Thứ Nhất (thơ Xuân Diệu)
Nói như vậy để thấy rằng, với những người làm công việc truyền tin cho thế giới, nhu cầu sở hữu một nguồn tin độc, không... đụng hàng gần như là lẽ sống. Dĩ nhiên, họ trước hết là những con người thực sự say nghề, có thể sẵn sàng tử vì nghiệp.
Tuy nhiên, có thể nhân danh nghề nghiệp để cho phép mình làm bất cứ điều gì, miễn là đạt được mục đích hay không ?
Trước khi trả lời câu hỏi này, mời độc giả của Báo Sức khỏe&Đời sống, vòng trở lại với câu chuyện của Công nương Diana.
Hai con trai của Công nương, hôm 20/5/2021, đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ BBC sau khi vụ việc bị phát giác. Hoàng tử William (38 tuổi), con trai cả của Công nương Diana cho biết, sự mưu mô của phóng viên BBC đã góp phần làm cho cuộc hôn nhân của cha mẹ anh thêm tồi tệ, đồng thời làm trầm trọng thêm chứng hoang tưởng của Diana.
“Cuộc phỏng vấn giáng đòn rất mạnh vào cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi, và làm tổn thương vô số người khác. Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng khi biết rằng những sai lầm của BBC đã góp phần làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi, hoang tưởng và cảm giác bị cô lập của mẹ tôi, theo những gì mà tôi nhớ về những năm cuối cùng được ở cùng mẹ”.
Trong khi đó, Hoàng tử Harry - em trai William - cay đắng nói rằng “nền văn hóa bóc lột và các hành vi phi đạo đức cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của mẹ tôi”.
Sau vụ phát giác có lẽ cũng mang tầm thế kỷ này, BBC đã gửi lời xin lỗi “đầy đủ và vô điều kiện” bằng thư tay đến Thái tử Charles, Bá tước Spencer cùng 2 con trai của Công nương Diana. Còn John Birt, Tổng Giám đốc của BBC tại thời điểm Diana được phỏng vấn, đã gọi Bashir là một “phóng viên lừa đảo”. Ông khẳng định: Đây là vết nhơ đối với cam kết lâu dài của BBC về hoạt động báo chí trung thực. Điều hối tiếc lớn nhất là mất 25 năm để sự thật được đưa ra ánh sáng.
Cho dù những lời xin lỗi đã được đưa ra, những tội đồ rồi sẽ bị kết án... nhưng nỗi đau còn dư âm qua nhiều năm tháng/ nhiều thế hệ, thậm chí hệ quả gián tiếp của nó là cái chết, không gì có thể chuộc lại được.
Ông Martin Bashir sau bê bối đã nói với nhật báo Sunday Times : Tôi không bao giờ muốn hại bà Diana theo bất cứ cách nào.
Cá nhân tôi cũng muốn tin vào lời khẳng định đó của một trong những nhà báo theo tôi là say nghề đến mức mất cả lý trí như M. Bashir. Tuy nhiên, trong khi hành nghề bằng mọi giá, ông ấy đã không xuất phát từ chính quyền lợi của đối tượng được phỏng vấn. Đúng hơn, câu chuyện đã được xây dựng từ một mục đích ích kỷ và hoàn toàn thiếu nhân văn. Trong nghề báo, phỏng vấn là một thể loại không quá khó, nhưng để truyền tải thông tin thì rất khó. Đặc biệt khi người được phỏng vấn là một cái tên... búa bổ. Nếu bài phỏng vấn non, không đăng đủ thông tin, sẽ làm giảm giá trị của người phỏng vấn. Còn nếu phỏng vấn về vấn đề nhạy cảm, chỉ muốn đáp ứng các thông tin sốc, nhiều khả năng sẽ làm hại người được phỏng vấn.
Cuộc phỏng vấn thế kỷ tôi đang đề cập trong bài thuộc về trường hợp thứ hai.
Thiếu nữ Diana diện trang phục denim đặc trưng của thập niên 70s. Thú cưng của cô là chú ngựa pony (một loại ngựa nhỏ và lùn) mang tên Scuffle. Đây là thời điểm trước khi cô trở thành Lady Diana Spencer bởi cha cô kế thừa danh hiệu bá tước Spencer năm 1975. Lady Diana Spencer cũng đồng thời là người phụ nữ Anh đầu tiên trong nhiều thế kỷ kết hôn với Thái tử và là người đầu tiên trong lịch sử hoàng gia có một công việc được trả lương trước khi đính hôn (hướng dẫn khiêu vũ, vú em và trợ lý nhà trẻ).
Vậy thì tại sao những cuộc phỏng vấn thiếu nhân văn như vậy vẫn tồn tại?
Có một thực tế rằng, hiện nay ngay cả những tờ báo lớn trên thế giới cũng đang khai thác những câu chuyện về đời tư, đặc biệt là của người nổi tiếng. Nhà báo bị thúc phải... câu view khi báo chí hiện đại đang phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội và bị thị trường hóa.
Công nương Anh quốc xấu số không phải là người phụ nữ duy nhất có những nỗi đau và vấn đề về hôn nhân bị... phơi ra truyền thông. Độc giả nhiều thế hệ ngày ngày được thỏa mãn trí tò mò về cuộc sống phía sau hào quang của các ngôi sao. Họ là mục tiêu để báo chí khai thác đời tư, từ cách sống đến cách ăn mặc... Thật buồn, không ít người trong số họ đã gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý nghiêm trọng.
Nói vậy để thấy rằng, chúng ta cần đặt câu hỏi về cái thời mà chúng ta đang sống, khi mà sự đánh giá, sỉ nhục, ghét bỏ con người thông qua các phương tiện trực tuyến đã và đang trở thành món giải trí công cộng. Một chuyên gia Đại học Calgary đã chia sẻ với tờ Mirror: Chúng ta nên thảo luận xem hành động phát tán những chuyện riêng tư như thế trên mạng là đúng hay sai. Và vì sao thái độ ngược đãi của tất cả những người khác lại được xã hội chấp nhận?
Nhưng là nhà báo, liệu chúng ta có quyền hoặc giả là mất phương hướng đến mức chạy theo đáp ứng sự tò mò của công chúng, bất chấp những tổn thương có thể xảy ra với những “nạn nhân” của truyền thông?
Hai mặt của một vấn đề
Có lẽ cũng không nên vội vã kết tội các nhà báo. Ở đây có hai mặt của một vấn đề. Đôi khi các ngôi sao lợi dụng truyền thông để nổi tiếng hơn, bất chấp nổi bằng cách nào. Điều này phần do văn hóa nền của họ còn hạn chế, phần do sự thúc đẩy của các ông/bà “bầu” - mà nhiều người vốn dĩ là các nhà báo trong lĩnh vực giải trí. Về điều này, truyền thông quả đã “mắc lỡm” các sao và... những người bạn.
Mặt khác, chúng ta cần thừa nhận với nhau rằng, báo chí đang trong thời kỳ quá khó khăn. Phải bán được báo, phải câu view... là yêu cầu sống còn của tất cả các tòa báo. Thậm chí bài viết trên báo điện tử ở nhiều tòa soạn chỉ được trả nhuận bút khi đạt con số rating là vài trăm. Vậy thì điều gì dễ nhất để dụ người đọc click vào, nếu không phải là những thông tin gây tò mò, gây sốc? Đến đây, lại phải quay về nói câu chuyện rất cũ về cái tâm của người làm báo, kiến thức văn hóa, ứng phó của người làm báo trong cơn bão của cơm áo gạo tiền...
Song cho dù bất kể vì lý do gì, một khi đã chọn nghề báo, trung thực là yêu cầu số Một. Đó cũng là vấn đề của đạo đức nghề nghiệp. Nhìn rộng ra, những nghề có sự ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội, con người như nghề báo, nghề y, tòa án... cần nhất đề cao đạo đức nghề nghiệp.
“Đạo đức ngành y từ xa xưa đã được thể hiện qua Lời thề Hyppocrates, Y huấn của Hải Thượng Lãn Ông, lời dạy của Bác Hồ... Những người làm báo từ thế kỷ XVII đã đề ra những quy chuẩn đạo đức riêng với mục đích là hạn chế mọi khả năng khiến ngòi bút thiên lệch”. Đó là câu trả lời của nhà báo lão thành Hữu Thọ trong một bài phỏng vấn về nghề báo của tôi, năm 2015.