Trong cuộc họp góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 14-9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật như: Phạm tội nhưng không bị xử lý; phản ánh quá chân thực, chi tiết về sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa, làm người xem nhận thức sai và có thể bắt chước, làm theo.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới lấy ví dụ rằng sau khi phim Người phán xử được chiếu trên kênh VTV1, tình hình các băng ổ nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều.
Với những người đang hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh, ý kiến này cực gây xôn xao. Dễ hiểu, vì đó là chuyện thiết thân của họ. Về việc này, chỉ trong phạm vi một bài báo, không thể nói hết được.
Tuy nhiên, ý kiến của vị đại biểu Quốc hội đã như một gợi ý để chúng ta cùng ngẫm lại một vấn đề "xưa như trái đất" nhưng chưa bao giờ lạc hậu. Đó là, sự tác động qua lại giữa văn học nghệ thuật nói chung/ điện ảnh nói riêng với cuộc sống.
Cách đây 2 ngày, Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính đã diễn ra. Hội nghị đánh giá các cơ quan nội chính (Viện Kiểm sát, Toà án, Tư pháp, Thanh tra, Kiểm toán, Công an, Quân đội, Ủy ban Kiểm tra Đảng và Ban Nội chính Đảng; một số cơ quan, tổ chức hoạt động liên quan đến lĩnh vực nội chính hoặc có một số hoạt động thuộc lĩnh vực nội chính như: Tổ chức Luật gia, Luật sư; cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Quản lý thị trường..) đã tích cực, chủ động, tham mưu có hiệu quả cho Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời là lực lượng chủ công trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Nhìn lại bộ phim Người phán xử ở thời điểm ra đời và ngay cả ở thời hiện tại, có thể nói không quá rằng, đó dường như là một sự hưởng ứng của giới nghệ sĩ với tinh thần trách nhiệm công dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực… Đó cũng chính là cuộc chiến chống lại cái ác, khi phản ánh cuộc sống, bóc tách một số vấn đề mà ngành nội chính đã đề cập và xử lý trong những năm qua bằng ngôn ngữ của điện ảnh truyền hình.
Vậy trong quá trình đồng hành với xã hội để chống lại điều xấu xa, phải chăng vô tình, văn học nghệ thuật/ điện ảnh lại như mở ra một cánh cửa dẫn lối công chúng tiếp cận dễ dàng hơn, cụ thể hơn với thế giới của cái ác? Với cùng câu hỏi này, chúng tôi mời bạn đọc của Báo Sức khỏe & Đời sống cùng chia sẻ ý kiến với những vị khách mời của chúng tôi.
Nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Phải chăng, góp phần nhân đạo hóa hoàn cảnh vẫn là một sứ mệnh cao cả của Văn học– Nghệ thuật?
Hiện trạng xã hội để có thể thay đổi, cần có thời gian và cả hệ thống chính trị tham gia. Nhưng văn học nghệ thuật có thể góp phần tích cực vào thay đổi tâm thế đó bằng những sáng tác của mỗi loại hình. Quan hệ văn học- nghệ thuật với đời sống, từ lý luận cũng như thực tiễn là vấn đề được giải quyết từ lâu. Nhờ thế, trong cách mạng, kháng chiến, và những năm xây dựng đất nước, văn nghệ nước ta đã có nhiều thành tựu quan trọng.
Vai trò của văn học- nghệ thuật và vị trí văn nghệ sĩ được cả hệ thống chính trị và xã hội coi trọng. Nhưng bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, sản phẩm văn nghệ biến thành hàng hóa. Những tác phẩm đặc sắc là không thiếu, nhưng tác động đối với xã hội của VHNT rõ ràng đang giám sút nghiêm trọng. VHNT không còn được coi là một Mặt trận. Và dĩ nhiên văn nghệ sĩ không còn được coi là Chiến sĩ.
Chạy theo khuynh hướng phê phán, không biết văn học- nghệ thuật có góp phần làm trong lành môi trường xã hội không- chỉ đơn giản là những kẻ xấu, không mấy khi đọc sách, xem phim-nhưng rõ ràng, bằng tác phẩm của mình, họ đã làm cho người đọc thường xuyên tiếp xúc, làm quen , sống chung với cái ác, cái xấu, lâu rồi coi nó là bình thường.
Nhà văn Nguyễn Khải, trong tiểu thuyết Cõi nhân gian bé tí, đã để cho một nhân vật làm kiểm sát viên, một đời cúi mặt xuống các hồ sơ tội ác, khi về cuối đời nghĩ: Trong thực tế, tội ác gần gũi và quen thuộc hơn ta nghĩ về nó nhiều. Con người đã từng có ý nghĩ đó, đã từng có hành động đó, trong những trường hợp có thể xẩy ra. Đã có rất nhiều người lương thiện phạm tội trong những hoàn cảnh chẳng có gì là kỳ quái. Tốt nhất là không nên biết tới tội ác, cũng không nên bình luận và thuật kể về tội ác. Nó có khả năng thâm nhiễm và tiềm phục tận trong đáy sâu của tiềm thức. Khi có cơ hội, một cơ hội rất khó ngờ (trang 92).
Một nền văn học nghệ thuật lành mạnh, không thể chỉ có vài ba màu sắc. Nhưng nhân danh hiện thực cuộc sống mà nghiêng về cái nhìn mặt tiêu cực, chỉ thấy khoái cảm khi phát hiện cái xấu, cái ác, những nhân cách méo mó, bất như ý, là bất công với số đông những con người chân chính, lao động, tìm tòi, sáng tạo, hy sinh thầm lặng để tạo nên một đất nước bình yên, với những đổi mới từng ngày.
Hơn bao giờ hết, trong những ngày cả hành tinh bị đe dọa bởi một loại virus không dễ nhìn thấy, như là bắt đầu một hình thái chiến tranh hoàn toàn mới, với cái đích diệt chủng quy mô lớn, buộc cả loài người không phân biệt chính kiến, thể chế, tôn giáo và khác biệt, đều phải chung tay tìm mọi biện pháp từ thô sơ đến hiện đại, từ tự giác đến bắt buộc, để cứu vãn sự sống và duy trì sự sinh tồn, buộc chúng ta phải suy xét lại nhiều điều rất cơ bản.
Mỗi người đều phát hiện ra, có biết bao nhiêu giá trị quý báu, đáng yêu, đáng tự hào, trong những ngày thường, mà mình đã bỏ qua. Hy vọng đó cũng là cơ hội để mỗi người nghệ sĩ tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tạo từ chính hiện thực đất nước hôm nay. Chỉ cần nhớ lại những năm đất nước trong chiến tranh, cuộc sống đầy gian khổ, mà những tác phẩm văn học nghệ thuật nhiều loại hình vẫn thường xuyên xuất hiện, với Giai điệu tự hào, mà hôm nay vẫn luôn có mặt trong các chương trình nghệ thuật hoành tráng.
Bởi vì chính là trong những hoàn cảnh hiện thực còn nhiều điều không như mơ ước, công chúng rộng rãi càng cần đến những tác phẩm văn học nghệ thuật mới. Cần những tác phẩm lớn, như những ngày lễ hội. Mặc dù, cuộc sống thường nhật, cần một số lượng lớn tác phẩm thuộc các loại hình để lấp hàng trăm kênh sóng, đáp ứng những nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đã rất khác nhau của nhiều lớp, loại công chúng rộng rãi trong xã hội.
Các tác phẩm đánh thức lòng yêu đời, yêu những gì chúng ta đã rất khó khăn mới giành được, tình yêu quê hương, yêu những con người đầy sức sống và sáng tạo để đổi thay cuộc sống mỗi ngày, trên hết là tình yêu và tự hào của con người Việt Nam. Vị thế xã hội của văn nghệ sĩ cũng được xác định bằng những sáng tác mới mang đến ánh sáng và hơi ấm, niềm tin và hy vọng cho mỗi người bình thường. Phải chăng, góp phần nhân đạo hóa hoàn cảnh vẫn là một sứ mệnh cao cả của Văn học – Nghệ thuật ?
Nhà báo Trọng Nghĩa, nguyên Phó Tổng biên tập báo An ninh Thủ đô: Bản chất cuộc sống là cái đẹp
Đã có nhiều ý kiến sau phát biểu của vị Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội, ý kiến không đồng tình nhiều hơn, nhưng cũng có ý kiến thuận chiều- tuy khá dè dặt.
Việc nêu đích danh tên bộ phim Người phán xử sau khi trình chiếu đã khiến tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm " xã hội đen" tăng lên là chưa chuẩn xác, nếu không muốn nói là áp đặt, phiến diện.
Tuy trong phim có những phương thức, thủ đoạn hoạt động, gây án, những hành vi bạo lực... của các loại tội phạm hình sự, nhưng như nhiều người nói vẫn "chưa là gì" so với thực tế, những băng nhóm Năm Cam, Dung Hà..., những quan tham " cổ cồn trắng", không đợi đến khi có phim này mới có những hoạt động tinh vi, xảo quyệt, bạo lực. Những vụ án kinh tế tham ô, tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng thời gian gần đây là một minh chứng.
Chúng tôi, những người làm báo ở một ngành pháp luật, nhiều năm nay luôn tuân thủ một điều: Lên án cái ác, cái xấu nhưng không mô tả tỉ mỉ, rùng rợn những hành vi bạo lực, làm méo mó nhận thức thẩm mỹ của người đọc. Nêu những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để nhân dân cảnh giác, đấu tranh và tự phòng ngừa.
Tuy nhiên, hiện nay chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận người đọc, người xem, để tăng doanh thu thì một vài cơ quan báo chí, phim ảnh đã có một số tác phẩm đi ngược lại tiêu chí Chân- Thiện- Mỹ, trong khi những người đọc, người xem này chưa được " miễn nhiễm", chưa có được thứ vaccine đủ mạnh để chống lại cái xấu, cái ác.
Vậy nên ngoài việc các ngành chức năng tăng cường các biện pháp mạnh đảm bảo an ninh trật tự, người dân tự giác tham gia phong trào phòng chống tội phạm, thì những nghệ sỹ, những nhà báo phải có tâm, có tầm trong việc phản ánh bản chất cuộc sống. Bởi như Trecnuxepxiki đã nói, đại ý: Bản chất cuộc sống là cái đẹp.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn phim Đập cánh giữa không trung: Ngành điện ảnh chắc chắn cần được tạo không gian rộng rãi hơn để sáng tạo
Là một người làm phim, tôi chăm chỉ lao động và thỉnh thoảng mơ mộng ở Việt Nam ta, bao giờ cây táo điện ảnh nở hoa.
Nhưng đó là sự mơ mộng trước ngày 14/9, trước khi đọc được các ý kiến của đại biểu quốc hội về những điều cấm trong hoạt động phim ảnh quy định tại Điều 10 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) mà báo chí trích đăng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh phát biểu rằng, sau khi phim Người phán xử được chiếu, tình hình các băng nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều và đặt câu hỏi, tại sao lại để ông trùm trong phim phán xử cả công an?
Nếu nghệ thuật không dám đưa ra cảnh báo về những suy thoái đã, đang hoặc có thể xảy đến thì nghệ thuật chỉ dừng lại ở chức năng mua vui, giải trí. Nếu "không có vùng cấm" là phương châm hàng đầu của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực mà quốc gia đang theo đuổi, thì điện ảnh không thể đứng ngoài - vờ như không có, rồi phản ánh một thực tế khác đi được. Những người làm phim mong muốn nói thẳng những vấn đề nhức nhối hôm nay, đâu phải để kích động xã hội, biểu dương cái xấu mà để qua đó cảnh tỉnh con người, giúp họ nhìn rõ, đối mặt và đấu tranh với cái xấu, tin và bảo vệ phần thiện lương...
Muốn làm được thế, ngành điện ảnh chắc chắn cần được tạo không gian rộng rãi hơn để sáng tạo, chứ không phải thêm những vùng cấm không rõ ràng. Tôi e rằng, việc xác định thế nào là ‘phim cổ xúy vi phạm pháp luật' để làm căn cứ cấm, sẽ lại là một công việc của cảm tính.
Nhà văn Uông Triều, Biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội: Viết về cái ác để rèn luyện con người đi trên con đường chông gai hướng đến cái thiện.
Văn học về cái ác luôn gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc. Tôi cho rằng nhà văn chẳng hề thích thú khi mô tả cái ác và sự tàn bạo của nó nhưng có lẽ trong sâu thẳm ta phải công nhận rằng loài người vẫn có những hứng thú về cái ác. Các tiểu thuyết trinh thám đầy rẫy cái ác và luôn bán chạy. Nước Pháp, một cường quốc về văn học thì người dân nơi đây cũng ưa chuộng tiểu thuyết trinh thám nhất - kiểu tiểu thuyết luôn tồn tại một vài loại tội ác nào đó. Và người đọc nín thở hồi hộp theo dõi hành trình, nút thắt nút mở của chúng.
Nó có vẻ mâu thuẫn khi con người khiếp sợ cái ác nhưng lại tò mò về nó. Cái ác tạo nên những ấn tượng ghê gớm và câu hỏi đặt ra, văn học cần cái ác làm gì? Văn học luôn có tính đa dạng, cái thiện, cái đẹp đương nhiên là một dòng chủ đạo và được quan tâm nhất nhưng sự tha hoá của con người, bạo lực, tội ác cũng là một chủ đề không nhỏ. Văn học khai thác mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người, trong đó có cái ác. Thậm chí một nhà nghiên cứu đã nói rằng, bản ngã của con người trong những tác phẩm liên quan đến cái ác còn mạnh mẽ và ấn tượng hơn những tác phẩm mang tính thiện mĩ. Điều này không phải không có cơ sở vì khi con người bị đẩy đến mức tha hoá tận cùng hoặc ở trạng thái mâu thuẫn ở mức cao nhất - cơ sở để nảy sinh cái ác - thì bản ngã trong mỗi con người sẽ được thể hiện rõ rệt và mạnh mẽ nhất.
Văn học được sinh ra không phải để tôn vinh cái ác. Nhà văn viết về cái ác để người ta tường tận, tránh xa hoặc đề phòng các nguy cơ từ nó. Văn học viết về cái ác là để đấu tranh với cái ác, đưa nó ra ánh sáng và kéo người ta đến cái thiện. Viết về cái ác để rèn luyện con người đi trên con đường chông gai hướng đến cái thiện.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội.