Ông Bùi Văn Hưng – Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết, hiện có gần 100 ngàn công dân từ các tỉnh phía Nam về địa phương. Trong đó, có gần 70 ngàn người trong độ tuổi lao động. Các cơ quan chức năng đang từng bước giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho số lao động này.
Được biết, trong gần 70 ngàn lao động này chỉ có khoảng 25 ngàn lao động có giao kết hợp đồng. Số còn lại là những lao động tự do, không có tay nghề kỹ thuật.
Dự báo trước số lao động trở về địa phương lớn, các cơ quan chức năng Nghệ An đã phối với nhiều đơn vị rà soát, phân loại các đối tượng lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Qua rà soát có hơn 45 ngàn người đăng ký tìm việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh và đi xuất khẩu lao động. Hiện, có hơn 80 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu đăng ký tuyển dụng gần 30 nghìn lao động.
Ông Hưng cho biết thêm, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, các doanh nghiệp và các địa phương tuyên truyền về nhu cầu, chính sách việc làm; chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm kết nối cung cầu việc làm cho người lao động trên hệ thống trang thông tin điện tử, hội chợ việc làm. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương và Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn. Đặc biệt là thông tin về nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu việc làm để doanh nghiệp, người lao động nắm, tăng cường kết nối.
Ông Lê Hải Dương - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An thông tin, ngoài các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm online, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch phối hợp các địa phương và doanh nghiệp nối lại các phiên giao dịch, hội chợ việc làm trực tiếp cho người lao động. Hiện trung tâm đang chuẩn bị cho phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại các địa phương khó khăn. Cụ thể, ngày mai (26/10) sẽ có phiên giao dịch tại huyện miền núi Kỳ Sơn.
Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, ngoài phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An và 7 doanh nghiệp để mở 5 điểm giới thiệu việc làm thì huyện đẩy mạnh việc tạo sinh kế bền vững cho các lao động này.
Trước hết là xây dựng dự án kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ bò, dê, lợn đen hỗ trợ cho hộ nghèo từ vùng dịch trở về để ổn định cuộc sống của người dân. Sau đó, huyện sẽ phục hồi, mở rộng diện tích ruộng nước để bà con có đất sản xuất. Đồng thời, khôi phục lại nhiều diện tích chè lâu nay bị bỏ hoang, xây dựng các Hợp tác xã chè để thu hút bà con tham gia…
Ngoài ra, thúc đẩy vấn đề giao đất giao rừng (khoảng 83 ngàn ha) để người dân có đất sản xuất. Ngoài kinh phí khoanh nuôi, bảo vệ, thu hái lâm sản phụ, bà con còn được tham gia Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng… Vấn đề này huyện đang đề nghị tỉnh hỗ trợ về kinh phí, kêu gọi các doanh nghiệp giúp sức.
Ông Minh nhấn mạnh, với khoảng 70 ngàn lao động từ các tỉnh phía Nam về thì đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để phát triển địa phương.
Chính thức công bố cấp độ dịch COVID-19 trên toàn TP. HCM