Theo thông tin ban đầu, lúc 7 giờ 30 phút ngày 15/3, tại một công trường xây dựng thuộc khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, Bình Phước, anh Lê Văn Lam (35 tuổi, ngụ tỉnh Đăk Lăk) sử dụng xe cần cẩu mang biển kiểm soát 50LA-1148 để chuẩn bị cùng các công nhân thi công. Tuy nhiên, khi anh Lam nâng cẩu lên thì bị đứt cáp khiến móc cẩu nặng hàng trăm kg rơi thẳng xuống khu vực các công nhân đang thi công.
Hậu quả làm anh Hoàng Thiên Nhiên (33 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) và anh Hoàng Văn Hậu (33 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh) tử vong tại chỗ, anh Hoàng Thành Đạt (28 tuổi, ngụ tỉnh Đăk Lăk) bị thương được đưa đi cấp cứu sau đó. Nguyên nhân vụ việc đang được Công an tỉnh phối hợp Công an thành phố Đồng Xoài tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hiện trường vụ đứt cáp cần cẩu xảy ra ở Bình Phước hôm 15/3. (Ảnh TTXVN)
Trước đó, cũng trong tháng 3/2021, ngày 5/3, khi đang lao động tại mỏ chì ở bản Huổi Tao A, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, anh Lò Văn Điếng bị đá quặng rơi vào đầu và tử vong. Theo đó, khoảng 16 giờ ngày 5/3, trong khi đang lao động tại mỏ chì trên địa bàn bản Huổi Tao A, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, anh Lò Văn Điếng, sinh năm 1998, chưa xác định được nơi cư trú, bị đá quặng rơi vào vùng đầu, gây chấn thương nghiêm trọng. Mặc dù đã được đưa đến BVĐK tỉnh Điện Biên cấp cứu ngay sau đó, nhưng do vết thương quá nặng nên anh Lò Văn Điếng đã tử vong. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Công an huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, đã có mặt để bảo vệ hiện trường, khám nghiệm tử thi, tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân gây nên vụ việc.
Chỉ trong vòng nửa tháng 3/2021, đã có 2 vụ tai nạn lao động làm 3 người tử vong là những con số đau lòng. Điều đó, cho thấy công tác an toàn lao động tại các công trình, công trường đáng lo ngại và báo động nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.
Trước đó, ngay từ đầu năm 2021, ngày 8/1/2021, Bộ Xây dựng đã có công văn 66/BXD-GĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng.
Văn bản của Bộ Xây dựng nêu, thời gian qua, đã xảy ra một số sự cố nghiêm trọng có liên quan đến máy, thiết bị sử dụng trong thi công xây dựng như sự cố gãy sàn treo nâng người tại công trình số 16 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, tháng 7/2020; sự cố rơi máy vận thăng tại công trình Trụ sở làm việc Sở Tài chính Nghệ An, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, tháng 01/2021; sự cố liên quan đến máy ép cọc tại xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, tháng 01/2021,... Các sự cố trên không những gây thiệt hại về người, tài sản, còn gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động và người dân đang sinh sống hoặc tham gia giao thông gần các công trình đang thi công xây dựng.
Để đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra sự tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn; đặc biệt chú ý đến công tác quản lý, sử dụng giàn giáo, xe, máy, thiết bị sử dụng trong thi công xây dựng theo các nội dung sau:
Yêu cầu các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên công trường; cương quyết dừng sử dụng đối với giàn giáo, xe, máy, thiết bị thi công có nguy cơ mất an toàn hoặc đình chỉ thi công công trình (nếu cần thiết); xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Yêu cầu chủ đầu tư, người sở hữu, quản lý, khai thác, sử dụng, vận hành xe, máy, thiết bị thi công trên công trường phải thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm định an toàn; đặc biệt lưu ý phải kiểm tra thông tin về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; đình chỉ hoạt động của các tổ chức, cá nhân vi phạm và báo cáo về Bộ Xây dựng để xử lý theo quy định.